Cảnh báo hậu quả nặng nề của nước biển dâng vào năm 2050

Nước biển dâng do tình trạng ấm lên của Trái Đất sẽ làm tăng đáng kể tần suất lũ lụt ở các vùng duyên hải, đặc biệt là tại các khu vực nhiệt đới, vào giữa thế kỷ này.

Thành phố nổi Venice có thể biến mất trong 100 năm tới do hiện tượng nước biển dâng. Ảnh: THX/TTXVN

Đây là cảnh báo của các nhà nghiên cứu đưa ra vào ngày 18/5 trên tạp chí Báo cáo Khoa học.

Theo các nhà nghiên cứu, nếu nước biển tăng thêm 25 cm vào năm 2050, tần suất lũ lụt 50 năm một lần ở các khu vực nhiệt đới sẽ xảy ra hàng năm hoặc thậm chí mau hơn. Trong khi đó, nếu nước biển toàn cầu chỉ dâng ở mức vừa phải là từ 10-20 cm, nguy cơ lũ lụt tại các khu vực có khí hậu ấm áp sẽ tăng gấp đôi. Các thành phố lớn dọc bờ biển khu vực Bắc Mỹ, trong đó có Vancouver của Canada, Seattle, San Francisco và Los Angeles của Mỹ cùng với bờ biển Đại Tây Dương ở châu Âu có nguy cơ lũ lụt cao.

Thậm chí, nếu mực nước biển chỉ tăng từ 5-10 cm, tần suất xảy ra lũ lụt ở các nước nhiệt đới cũng sẽ tăng hơn gấp đôi, đặc biệt là các vùng đồng bằng đông dân ở châu Á và châu Phi. Nếu nước biển chỉ tăng ở mức thấp, các thành phố như Mumbai, Kochi  của Ấn Độ và Abidjian của Côte d'Ivoire cũng như nhiều thành phố khác cũng sẽ bị tác động đáng kể.

Theo ông Sean Vitousek, nhà khoa học khí hậu tại Đại học Illinois ở Chicago, đứng đầu nhóm nghiên cứu, việc tăng tần suất lũ lụt do biến đổi khí hậu sẽ thách thức sự tồn tại và bền vững của các đảo quốc nhỏ vốn dễ phải hứng chịu lũ lụt trên khắp toàn cầu.

Lũ lụt xảy ra ở các khu vực duyên hải chủ yếu là do các cơn bão lớn và mức độ tàn phá của nó sẽ nặng nề hơn khi các đợt sóng lớn, gió bão và thủy triều lên cao kết hợp với nhau. Cơn bão Sandy xảy ra ở Mỹ (năm 2012) vốn gây ra thiệt hại hàng chục tỷ USD và bão Haiyan ở Philippines (năm 2013) khiến hơn 7.000 người thiệt mạng và mất tích, đều gây ra lũ lụt tàn phá. Một trong những yếu tố gây ra mức thiệt hại trên là do nước biển nóng lên và băng tan chảy.

Mực nước biển hiện nay tăng từ 3-4 mm mỗi năm song tốc độ lại cao hơn khoảng 30% so với thập kỷ trước. Cơ quan Khí quyển và Đại dương quốc gia Mỹ (NOAA) dự báo mực nước biển trung bình toàn cầu sẽ tăng khoảng 2,5 m vào năm 2100. Nhiệt độ trung bình toàn cầu đã tăng thêm 1 độ C kể từ giữa thế kỷ 19, và tình trạng Trái Đất ấm lên chủ yếu diễn ra trong 70 năm trước.

Hiệp định Paris về chống biến đổi khí hậu, được đại diện 175 quốc gia, trong đó có những nước phát thải nhiều khí thải như Mỹ và Trung Quốc, ký kết tháng 4/2016 tại trụ sở LHQ ở New York và chính thức có hiệu lực 7 tháng sau đó. Theo văn kiện này, các nước tham gia thỏa thuận sẽ bắt đầu triển khai kế hoạch cắt giảm lượng phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính để kiềm chế mức tăng nhiệt độ trên toàn cầu không quá 2 độ C so với nhiệt độ của thời kỳ tiền cách mạng công nghiệp.

Ngoài ra, hiệp định đặt mục tiêu từ nay đến năm 2020, các nước phát triển sẽ huy động tối thiểu 100 tỷ USD/năm để giúp các nước đang phát triển chuyển đổi sang sử dụng những nguồn năng lượng sạch và ứng phó với biến đổi khí hậu.

TTXVN/Tin Tức
Nước biển dâng và các giải pháp giảm thiểu tác động
Nước biển dâng và các giải pháp giảm thiểu tác động

Nước biển dâng là hiện tượng tự nhiên rất nguy hiểm đối với người và tài sản ở những khu vực ven biển. Đặc biệt, nước biển dâng do bão, mặc dù tần suất xuất hiện không nhiều nhưng do mực nước thường dâng cao và bất ngờ, gây ngập lụt, thiệt hại nặng nề cho khu vực ven biển.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN