Biến điện thoại 'dốt' thành thông minh

Một công ty ở Camơrun tạo ra hàng loạt công nghệ để nâng cấp những chiếc điện thoại đời cũ, giúp chúng có những chức năng không thua gì những anh chị em đời mới công nghệ cao.


Điện thoại thường có thể biến thành điện thoại thông minh? Ảnh: Internet.


Dù là giám đốc một công ty phần mềm điện thoại di động nhưng ông Guy Kamgaing lại thừa nhận mình không phải là một người đam mê những mẫu điện thoại mới nhất. Khác với những giám đốc công ty điện thoại khác, ông Kamgaing không ám ảnh với những mẫu iPhone hay bản cập nhật phần mềm mới cho hệ điều hành Android. Thứ mà ông quan tâm hơn nhiều lại là những mẫu điện thoại đã trở thành lỗi mốt, lạc hậu khi điện thoại thông minh xuất hiện.

Trong những chuyến đi công tác khắp Camơrun, ông Kamgaing kể: “Có nhiều người xếp hàng bên ngoài những quán cà phê Internet nói với tôi rằng họ muốn truy cập Internet. Nhưng họ không có máy tính ở nhà hay ở chỗ làm việc”. Họ chỉ có chiếc điện thoại di động, không phải là điện thoại thông minh đời mới nhất mà chỉ là những chiếc điện thoại có chức năng cơ bản nghe gọi, nhắn tin.

Ông Kamgaing cho rằng cách duy nhất có thể đáp ứng nhu cầu truy cập Internet của những người như vậy là thông qua những chiếc điện thoại cũ kỹ. Ông nảy ra ý nghĩ tại sao lại không tạo ra một thứ gì đó giúp những chiếc điện thoại này tiếp cận được thông tin trên mạng.

Đó là nguồn gốc ra đời của phần mềm Mobile-XL. Xét về mục đích, phần mềm này là một trình duyệt web phù hợp với hầu hết điện thoại có ngôn ngữ lập trình Java. Nó cho phép người dùng truy cập mọi loại thông tin mà họ muốn tìm trên trên Internet. Bạn có thể dùng nó để vào Facebook, kiểm tra thư điện tử, chơi trò Sudoku hay thậm chí tải nhạc.

Có điều, Mobile-XL khác xa với một trình duyệt web điển hình trên điện thoại. Phần mềm này hoạt động hoàn toàn thông qua tin nhắn SMS. Ứng dụng cung cấp cho người dụng một loạt danh mục có thể tìm kiếm. Ví dụ như bạn muốn tra tỷ số một trận bóng đá. Bạn tìm đến mục bóng đá, tìm đội bóng của bạn. Nhưng khi bấm, thay vì vào thẳng trang web, yêu cầu của bạn sẽ được gửi đi bằng một tin nhắn. Chỉ vài giây sau, bạn sẽ biết tỷ số thông qua một tin nhắn mà phần mềm này đọc và đưa về điện thoại của bạn. Bạn có thông tin bạn muốn tìm nhưng điều quan trọng nhất, bạn không bị tính tiền vì đã tải dữ liệu. Phí duy nhất là phí gửi và nhận tin nhắn, rõ ràng là rẻ hơn đáng kể cho với tải dữ liệu.

Ông Kamgaing nói: “Xét về quan điểm của người dùng, phần mềm này cũng có tác dụng như một trình duyệt. Nhưng chúng tôi đang cố cung cấp nhiều nội dung ở trong nước nữa. Chúng tôi tổng hợp các danh mục như việc làm, thể thao địa phương, rao vặt, thậm chí cả những mục chưa có trên Internet”.

Mobile-XL đã được dùng trong hàng loạt dự án thí điểm ở Camơrun và Gana. Nó chuẩn bị được giới thiệu ở Ấn Độ. Công ty của ông Kamgaing cũng đang tìm cách xâm nhập thị trường Braxin và Mêhicô trong tương lai gần. Phần mềm này giúp công ty của ông Kamgaing kiếm tiền từ chia sẻ doanh thu tin nhắn với các mạng điện thoại di động.

Tuy là phần mềm độc đáo như vậy nhưng Mobile-XL không phải không bị cạnh tranh. Một trong những đối thủ của họ là công ty biNu của ông Gour Lentell, một người gốc Dimbabuê đang làm việc ở Sydney (Ôx trâylia). Ông cho biết tiềm năng của những phần mềm như Mobile-XL là rất lớn vì thế giới có 5 tỷ người dùng điện thoại mà trong đó 4 tỷ người không dùng điện thoại thông minh. Hơn nữa, điện thoại di động lại là phương tiện duy nhất để truy cập Internet của nhiều người.

Lentell và đối tác kinh doanh, Dave Turner, đã xây dựng phần mềm biNu giúp trang web tải thông tin nhanh hơn trong khi lại tốn ít đường truyền hơn nhiều. biNu nhờ đó giúp người dùng tiết kiệm chi phí tải dữ liệu. Trên nền tảng phần mềm của biNu, người dùng tìm thấy liên kết với các trang phổ biến như Facebook, Gmail…

Cả Mobile-XL và biNu đều có thể tải miễn phí và hai phần mềm này được được tung vào các thị trường có nhiều người muốn truy cập Internet giá rẻ, hiệu quả mà lại tin cậy.

Tuy nhiên, liệu những phần mềm này có lạc hậu công nghệ 3G và 4G đang xuất hiện ngày càng nhiều? Cả ông Lentell và Kamgaing đều không nghĩ rằng chuyện đó sẽ sớm xảy ra. Ông Lentell cho biết, phần lớn người tải phầm mềm biNu lại đến từ Mỹ, cho thấy nhu cầu trên có nhiều ở cả những thị trường đã phát triển như Mỹ. Trong khi đó, ông Kamgaing cho rằng tuổi thọ của tin nhắn và tin thoại còn lâu dài ở những thị trường mới nổi. Ông nói: “Tôi nghĩ đó là lý do tại sao bạn phải quyết định cung cấp cho người dùng những công cụ cơ bản, thay vì nghĩ người dùng sẽ mua điện thoại thông minh và iPhone”.


Thùy Dương

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN