Bảo hộ sở hữu trí tuệ ở Lạng Sơn từng bước được cải thiện

(Tin Tức) -Lợi dụng địa hình biên giới trải dài, với 11 cửa khẩu và nhiều đường mòn qua biên giới, các đối tượng tại Lạng Sơn đã tiến hành vận chuyển vào nội địa Việt Nam các loại hàng hóa vi phạm về nhãn mác, kiểu dáng công nghiệp... gây thiệt hại không nhỏ cho các nhà sản xuất.

Nhiều vi phạm

Tiến sĩ Lường Đăng Ninh, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Lạng Sơn cho biết: Từ khi Luật Sở hữu trí tuệ được ban hành và có hiệu lực thi hành, các cơ quan chức năng trên địa bàn đã tổ chức quán triệt và tuyên truyền mạnh mẽ trên các phương tiện thông tin đại chúng. Tuy nhiên do hám lời, không ít tổ chức, cá nhân vẫn ngang nhiên thực hiện hành vi xâm phạm về sở hữu trí tuệ.

Lực lượng liên ngành kiểm tra hàng giả đầu thu kỹ thuật số VTC thu giữ tại trạm kiểm soát Dốc Quýt (Lạng Sơn). Ảnh: Trần Việt - TTXVN

Trong thời gian qua, thanh tra khoa học công nghệ đã phối hợp với lực lượng quản lý thị trường tổ chức thanh, kiểm tra 6 cuộc trên địa bàn các nội dung về lĩnh vực sở hữu công nghiệp và nhận thấy trên thị trường xuất hiện nhiều vi phạm sở hữu trí tuệ đối với một số nhãn hiệu nổi tiếng như Unilever, Nokia... Tuy nhiên để xử lý các vi phạm theo Luật Sở hữu trí tuệ thì hết sức phức tạp, mất nhiều thời gian và trên thực tế thanh tra khoa học công nghệ Lạng Sơn chưa thể xử lý vụ việc vi phạm nào trong lĩnh vực này.

Các cán bộ của ngành công an và quản lý thị trường Lạng Sơn cho biết thêm, đại đa số các vụ vi phạm về sở hữu trí tuệ là làm hàng nhái, hàng giả. Trong tháng 7/2010 vừa qua, đội quản lý thị trường số 10 thuộc Chi cục Quản lý thị trường tỉnh Lạng Sơn đã bắt giữ lô hàng 22.000 gói dầu gội đầu giả mạo nhãn hiệu Clear, Sunsilk của Công ty Unilever, vỏ bao bì bột ngọt Ajinomoto... Cùng thời điểm đó, đội quản lý thị trường số 1 phối hợp với Công ty TNHH Võ Trần (đại diện được ủy quyền của Nokia tại Việt Nam) xử lý một số hộ kinh doanh điện thoại di động trên địa bàn vi phạm quyền sở hữu trí tuệ của Nokia đối với sản phẩm điện thoại Nokia. Lực lượng chức năng đã tiến hành tịch thu 400 chiếc điện thoại mang dấu hiệu vi phạm sở hữu trí tuệ để tiêu hủy và trình UBND thành phố Lạng Sơn ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính về sở hữu trí tuệ với tổng số tiền phạt là 349 triệu đồng. Cùng phối hợp đấu tranh với tình trạng vi phạm sở hữu trí tuệ, Cục Hải Quan Lạng Sơn cũng đang tiến hành thụ lý vụ vi phạm trong hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa qua biên giới “Cáp quang máy tính” với nhãn hiệu AMP Netconector của chủ sở hữu là Công ty Whitaker Corporation (Mỹ) có đại diện hợp pháp tại Việt Nam là công ty TNHH Trường Xuân. Lực lượng Hải quan Lạng Sơn đang hoàn tất các thủ tục xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật với tổng giá trị hàng hóa vi phạm được xác định khoảng 70 triệu đồng.

Nỗ lực của các ngành chức năng

Ông Tạ Quang Minh, Cục phó Cục Sở hữu trí tuệ - Bộ Khoa học và Công nghệ cho biết: Thông qua chương trình hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ của doanh nghiệp (chương trình 68), Cục Sở hữu trí tuệ đã hỗ trợ tỉnh Lạng Sơn xây dựng thành công bảo hộ chỉ dẫn địa lý Lạng Sơn cho sản phẩm hoa hồi; xây dựng nhãn hiệu chứng nhận cho sản phẩm na quả của huyện Chi Lăng; triển khai tiếp giai đoạn 2 xây dựng mô hình quản lý và phát triển chỉ dẫn địa lý Lạng Sơn cho sản phẩm hoa hồi; hỗ trợ Dự án tuyên truyền về sở hữu trí tuệ trên Đài Truyền hình Lạng Sơn... Bên cạnh đó, Cục Sở hữu trí tuệ thông qua chương trình đào tạo tập huấn về chuyên môn thường xuyên hỗ trợ kịp thời đối với địa phương, nhất là trong lĩnh vực xác lập quyền (đăng ký bảo hộ nhãn hiệu, kiểu dáng công nghiệp, chỉ dẫn địa lý...). Cục Sở hữu trí tuệ còn hỗ trợ tỉnh Lạng Sơn khai thác các cơ sở dữ liệu về sở hữu trí tuệ như: Thư viện số về sở hữu công nghiệp (Iplib), cơ sở dữ liệu về sáng chế, hệ thống nộp đơn điện tử... nhằm giúp địa phương khai thác có hiệu quả các tài nguyên sở hữu trí tuệ đã được Bộ Khoa học và Công nghệ, Cục Sở hữu trí tuệ xây dựng. Những hỗ trợ trên đã góp phần quan trọng nâng cao chất lượng và khả năng cạnh tranh cho sản phẩm của địa phương. Từng bước định hình vai trò của sở hữu trí tuệ trong việc nâng cao giá trị và tính cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường; góp phần nâng cao nhận thức về sở hữu trí tuệ của đông đảo tổ chức, cá nhân trên địa bàn.

Theo thống kê sơ bộ đến thời điểm hiện tại, Lạng Sơn có 327 đơn đăng ký bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa, 22 đơn đăng ký bảo hộ kiểu dáng công nghiệp, 2 đơn đăng ký bảo hộ sáng chế, một đơn đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý với 188 văn bằng bảo hộ đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp. Qua số liệu trên có thể thấy các doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân trên địa bàn Lạng Sơn đã ý thức được vai trò của tài sản trí tuệ và đã tiến hành những biện pháp nhằm bảo vệ tài sản sở hữu trí tuệ của mình. Thực tế cũng đã chứng minh sở hữu trí tuệ thực sự là công cụ hữu hiệu để doanh nghiệp sử dụng làm nền tảng cho việc xây dựng và phát triển doanh nghiệp. Điển hình một số doanh nghiệp mạnh trên địa bàn đang khai thác tốt tài sản trí tuệ của mình như: Công ty TNHH Bảo Long (sản xuất máy bơm nước), Công ty TNHH Hùng Vương (sản xuất chế hòa khí xe máy, cửa sắt chống cháy, chống trộm), Công ty bánh kẹo Thành Long... Để tiếp tục đưa công tác bảo hộ sở hữu trí tuệ đi vào cuộc sống, hỗ trợ cho các doanh nghiệp, góp phần thúc đẩy phát triền kinh tế của địa phương, ngành Khoa học và Công nghệ Lạng Sơn đang tiếp tục tăng cường công tác đào tạo, tập huấn chuyên môn cho đội ngũ cán bộ làm KHCN ở địa phương nói chung và lĩnh vực sở hữu trí tuệ nói riêng; hoàn thiện các quy định pháp luật về sở hữu trí tuệ và xử lý vi phạm cho phù hợp, đáp ứng được các yêu cầu thực tế; nâng cao hiệu quả thực thi bảo vệ sở hữu trí tuệ một cách đầy đủ...

Hồng Ninh/TTXVN

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN