Ai Cập: Phát hiện hóa thạch loài cá voi tuyệt chủng cách đây 41 triệu năm

Một nhóm các nhà nghiên cứu Ai Cập từ Đại học Mansoura và các nhà khoa học quốc tế, ngày 10/8, đã công bố hóa thạch của một loài cá voi chưa từng được biết tới và đã tuyệt chủng được phát hiện ở tỉnh Fayoum và đặt tên cho loài này là Tutcetus rayanensis.

Chú thích ảnh
Các nhà nghiên cứu Ai Cập với hóa thạch Tutcetus rayanensis mẫu gốc. Ảnh: eurekalert

Phóng viên TTXVN tại Cairo dẫn lời nhà cổ sinh vật học danh tiếng Ai Cập Hesham Sallam tiết lộ rằng loài cá voi này sống cách đây 41 triệu năm và các mẫu hóa thạch được tìm thấy ở khu vực Thung lũng Cá voi thuộc tỉnh Fayoum, vào thời điểm đó là một phần của đáy biển cổ đại bao phủ phần lớn Ai Cập và sa mạc phía Tây.

Ông nói thêm rằng loài cá voi mới này thuộc họ Basilosauridae, một trong những tổ tiên cá voi đã tuyệt chủng trong giai đoạn đầu của đời sống thủy sinh, sau khi chúng chuyển từ cạn xuống nước.

Theo ông Sallam, các nhà khoa học Ai Cập lựa chọn tên mới cho loài cá voi vừa được phát hiện là Tutcetus rayanensis vì có sự pha trộn giữa lịch sử Ai Cập và nơi mẫu vật hóa thạch được tìm thấy. Chữ Tutcetus, kết hợp từ “Tut” là tên của vị Pharaoh trẻ nổi tiếng Ai Cập Tutankhamun và “Cetus” trong tiếng Hy Lạp có nghĩa là cá voi.

Phần thứ hai của tên gọi, rayanensis, ám chỉ khu bảo tồn Wadi El-Rayan ở Fayoum, nơi loài cá voi này được phát hiện. Ngoài ra, tên gọi này cũng được chọn lựa để vinh danh lễ kỷ niệm 100 năm ngày phát hiện ra lăng mộ của Pharaoh Tutankhamun và  chào mừng việc Bảo tàng Đại Ai Cập sắp khai trương tại tỉnh Giza.

Mẫu vật hóa thạch được khai quật bao gồm hộp sọ, hàm, xương móng và đốt sống của một con cá voi thuộc họ Basilosauridae cỡ nhỏ. Với chiều dài ước tính khoảng 2,5 m và cơ thể nặng khoảng 187 kg, Tutcetus là cá voi họ Basilosauridae nhỏ nhất được biết đến cho tới ngày nay.

Tiến sĩ Sherif Khater, Hiệu trưởng Đại học Mansoura, thông báo rằng nhóm nghiên cứu đã công bố phát hiện này trong một bài báo xuất bản ngày 10/8 trên tạp chí khoa học “Communications Biology” do Tạp chí Nature phát hành.

Ông nói thêm rằng nghiên cứu này đại diện cho một bước đột phá khoa học đối với các nhà cổ sinh vật học Ai Cập.

Nguyễn Văn Tùng (TTXVN)
Phát hiện hóa thạch loài cá voi lớn nhất thế giới
Phát hiện hóa thạch loài cá voi lớn nhất thế giới

Ngày 2/8, các nhà khoa học đã trưng bày hóa thạch của loài cá voi đầu tiên được khai quật ở Peru có tên là Perucetus colossus. Loài cá voi này được cho là sống cách đây khoảng 38-40 triệu năm, trong kỷ Eocene, và là loài cá voi lớn nhất trên thế giới được biết đến từ trước nay.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN