03:15 26/03/2015

Khó xử lý chất thải y tế chứa thủy ngân

Việc quản lý, xử lý chất thải y tế, trong đó có chất thải y tế có chứa thủy ngân phải bảo đảm các yêu cầu cần thiết nhằm giảm tác động tiêu cực đối với môi trường và sức khỏe con người. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, vấn đề này gặp rất nhiều khó khăn.

Việc quản lý, xử lý chất thải y tế, trong đó có chất thải y tế có chứa thủy ngân phải bảo đảm các yêu cầu cần thiết nhằm giảm tác động tiêu cực đối với môi trường và sức khỏe con người. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, vấn đề này gặp rất nhiều khó khăn.

Ông Trần Anh Dũng, đại diện Cục Quản lý Môi trường y tế, Bộ Y tế cho biết: Cho đến nay, chưa một cơ sở y tế nào có quy trình phân loại, thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải có chứa thủy ngân theo đúng hướng dẫn của Chương trình Môi trường Liên Hiệp Quốc (UNEP)”.

Việc xử lý chung chất thải có chứa thủy ngân với các chất thải y tế khác dễ dẫn đến rò rỉ thủy ngân.



Theo quy chế quản lý chất thải y tế ban hành kèm theo Quyết định số 43/2007/QĐ-BYT ngày 30/11/2007 của Bộ trưởng Bộ Y tế (thủy ngân từ các hóa chất, thiết bị dùng trong các cơ sở y tế thuộc nhóm chất thải chứa kim loại nặng và thuộc loại chất thải hóa học nguy hại), bởi vậy, các chất thải có chứa thủy ngân hiện nay cũng chỉ được phân loại, thu gom, xử lý như các chất thải y tế được xếp vào loại nguy hại khác.

“Tuy nhiên, chất thải thủy ngân không thể xử lý như các chất thải khác. Chúng ta phải có quy trình riêng cho loại chất thải này”, ông Dũng nói.

Trên thực tế, hầu hết việc xử lý loại chất thải này cũng giống như các loại chất thải y tế nguy hại khác. Chúng đều được thu gom lại và chuyển cho một cơ sở, công ty môi trường đã ký hợp đồng với bệnh viện.

Các nguồn phát sinh thủy ngân chính trong y tế từ nhiệt kế, huyết áp kế thủy ngân chưa vỡ, nhiệt kế và huyết áp kế thủy ngân vỡ, máy tháo lồng ruột có cột thủy ngân, Amalgam dùng trong nha khoa, các bóng đèn huỳnh quang chưa vỡ, các bóng đèn huỳnh quang vỡ (bóng đèn tuýp huỳnh quang, bóng đèn huỳnh quang compact, đèn sát khuẩn cực tím), khí thải từ lò đốt chất thải y tế có chứa thủy ngân.

Tại Việt Nam, qua điều tra nhanh của chương trình phát triển Liên Hiệp Quốc (UNDP) năm 2007, ước tính tổng số nhiệt kế bị vỡ hàng năm là 447.588 chiếc và tổng lượng thủy ngân thải ra từ nhiệt kế và huyết áp kế vỡ là 550 kg/năm. Theo điều tra của Cục Quản lý môi trường y tế năm 2011 thì lượng thủy ngân sử dụng tạo amalgam để hàn răng trong nha khoa dao động từ 151g – 5.000g/bệnh viện/năm.

Để giảm phát thải thủy ngân từ các cơ sở y tế, biện pháp tốt nhất là dần thay thế các vật liệu, thiết bị có chứa thủy ngân bằng các vật liệu, thiết bị không chứa thủy ngân. Tuy nhiên, điều này không hề dễ dàng.

Tại buổi hội thảo khởi động dự án “Đánh giá ban đầu Công ước Minamata về thủy ngân tại Việt Nam”, ông Trần Anh Dũng chia sẻ: Đầu tiên, nhận thức của cán bộ y tế và cộng đồng về những nguy cơ đối với sức khỏe chưa đầy đủ, còn chủ quan và tùy tiện trong việc xử lý các chất thải thiết bị y tế chứa thủy ngân. Bên cạnh đó, nhiều người còn có quan niệm sai lầm, thiết bị thủy ngân chính xác hơn các thiết bị điện tử. Thứ hai, việc thay thế các thiết bị có chứa thủy ngân trong các cơ sở y tế đòi hỏi nguồn kinh tế lớn.

Đặc biệt là, nước ta vẫn chưa có cơ chế chính sách cho việc thay thế các thiết bị chứa thủy ngân. Trong khi việc thay thế các thiết bị này cần có kế hoạch và các hành động cụ thể, cần có sự phối hợp của nhiều bộ, ngành (Bộ Tài Nguyên và Môi Trường, Bộ Y Tế, Bộ Công Thương (Cục Hóa chất), Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn…) và sự tham gia của các nhà sản xuất các thiết bị y tế. Đồng thời, cần có sự triển khai lâu dài, bài bản và kiên quyết của các bộ, ngành và các bên liên quan. Bởi vậy, việc thay thế các vật liệu, thiết bị y tế có chứa thủy ngân bằng các vật liệu, thiết bị không chứa thủy ngân mới bước đầu được tiến hành và vẫn diễn ra một cách chậm chạp.


Hơi thủy ngân bốc lên với nồng độ cao ảnh hưởng nghiêm trọng đến hô hấp, gây viêm phế quản, viêm phổi kẽ lan tỏa, viêm thận, rối loạn thần kinh, giảm clo huyết, nhiễm a xit, gây viêm loét trong miệng, bỏng đường tiêu hóa, nôn ra máu, toàn thân suy sụp. Nạn nhân khó thở, chuột rút, giật cơ, mê sảng và bệnh nhân thường tử vong trong vòng 24 đến 36 giờ.

Nhiễm độc thủy ngân nghề nghiệp do tiếp xúc với nồng độ thấp kéo dài. Các triệu chứng chủ yếu trên hệ tiêu hóa và hệ thống thần kinh. Các ảnh hưởng khác gồm ảnh hưởng đến hệ hô hấp, tiết niệu...

Tiếp xúc lâu dài với thủy ngân có thể gây ra run mí mắt và rối loạn thị giác, viêm màng tiếp hợp,... Thủy ngân có thể gây ung thư, biến đổi gen và gây quái thai. Bệnh nhân có thể có cảm giác đau lan tỏa hay bong da bàn tay và bàn chân. Từ năm 1976, Việt Nam đã công nhận bệnh nhiễm độc thủy ngân là bệnh nghề nghiệp được đền bù.

Trước mắt, cán bộ Y tế cần được tập huấn nâng cao năng lực về an toàn hóa chất và sử dụng các thiết bị y tế chứa thủy ngân. Đồng thời, các cơ quan chức năng cũng cần tuyên truyền cho người dân những tác hại của thủy ngân, khuyến khích người dân sử dụng nhiệt kế và huyết áp kế không chứa thủy ngân cũng như các vật dụng, sản phẩm chứa thủy ngân khác. Chất thải y tế, đặc biệt là chất thải có chứa thủy ngân cần được phân loại, thu gom, xử lý đúng quy trình và cách thức.

Tuy nhiên, cái khó là hiện nay, nước ta không chỉ chưa có cơ sở y tế nào có quy trình phân loại, thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải có chứa thủy ngân, mà ngay cả lò đốt rác thải y tế hiện đại, đúng quy chuẩn ở nước ta cũng rất ít.


Thu Hồng