10:19 13/10/2014

Khó truy trách nhiệm biển báo giao thông bất hợp lý

Tình trạng biển báo hiệu đường bộ bất hợp lý trên nhiều tuyến đường của thủ đô gây không ít bức xúc cho người đi đường, thậm chí gây mất an toàn giao thông. Tuy nhiên, để truy trách nhiệm cơ quan, đơn vị, cá nhân để xảy ra tình trạng này không dễ.

Tình trạng biển báo hiệu đường bộ bất hợp lý trên nhiều tuyến đường của thủ đô gây không ít bức xúc cho người đi đường, thậm chí gây mất an toàn giao thông. Tuy nhiên, để truy trách nhiệm cơ quan, đơn vị, cá nhân để xảy ra tình trạng này không dễ.

Nhiều biển báo “đánh đố” lái xe

Anh Tuấn Nghĩa, lái xe khách Hoàng Hà trong Bến xe Giáp Bát bức xúc: Đường Giải Phóng (quận Hoàng Mai) là trục đường chính cửa ngõ các tỉnh phía Nam ra vào Hà Nội, nhưng dọc tuyến đường này có vô số biển báo hiệu giao thông bất hợp lý. Nhiều biển báo có kích thước nhỏ, đặt thấp, khó quan sát.

Hai biển cấm liền nhau gây khó hiểu cho người đi đường hướng từ cầu Chương Dương đi cầu Long Biên.


Đơn cử, tại ngã ba Giải Phóng - Kim Đồng, trên dải phân cách ngăn hai chiều đường có đặt biển cấm quay đầu xe, nhưng phía dưới lại có biển phụ với dòng chữ nhỏ li ti, đi từ xa không thể nhìn thấy. Phải đến gần mới biết nội dung biển phụ quy định ngược với biển chính là “xe dưới 16 chỗ được phép quay đầu, trừ giờ cao điểm. Như vậy, khác nào đánh đố”, anh Nghĩa nói.

Chị Thu Cúc, một lái xe trên phố Kim Đồng cũng chia sẻ: Tại một số vị trí gần ga Giáp Bát hiện có đặt các biển ưu tiên người đi bộ qua đường và cho phương tiện rẽ trái. Song đi gần đến nơi vẫn chỉ thấy chân cột, còn biển báo hiệu thì bị cây lá che khuất. Hơn nữa, biển báo rất nhỏ, lái xe không thể quan sát từ xa. Sẽ rất nguy hiểm cho người đi bộ qua đây, vì không nhìn thấy biển để nhường đường.

Chưa hết, tại điểm rẽ vào chùa Linh Đường (Ngọc Hồi, Thanh Trì), (đối diện Bến xe Nước Ngầm) có biển báo “Điểm giao nhau với đường sắt”, ngay cạnh đó là biển “Cấm xe tải, xe khách”. Vì nằm ngay đầu đường rẽ, nên xe tải, xe khách không được chỉ dẫn cứ ùn ùn đi vào đường cấm mới “giật mình” biết vi phạm. Cảnh ùn ứ phương tiện giao thông thường xuyên xảy ra tại nút giao này.

"Khi cắm biển báo chỉ dẫn, các đơn vị liên quan phải tuân thủ các quy chuẩn về kích thước, chiều cao, vị trí, số biển cần thiết... và phải tuân thủ quy tắc dự lệnh, động lệnh, tức là phải đặt ở vị trí làm sao để dự báo trước cho người tham giao thông biết và đủ thời gian để họ xử lý tình huống", Trung tá Nguyễn Văn Tài, Đội trưởng Đội Tuyên truyền (Phòng CSGT Hà Nội) nói.

Trên đường rẽ từ cầu Chương Dương sang hướng cầu Long Biên (quận Long Biên) cũng có một biển cấm bất hợp lý. Các phương tiện lưu thông từ phố Nguyễn Văn Cừ lên cầu Chương Dương sẽ gặp hai biển báo. Một biển chỉ dẫn được đi thẳng và rẽ phải. Qua biển này, các phương tiện sẽ gặp biển báo chỉ dẫn được rẽ phải lên cầu Long Biên. Tuy nhiên, khi đi được nửa vòng cua từ đường Nguyễn Văn Cừ lên cầu Long Biên thì các phương tiện gặp biển báo “Cấm ô tô”. Tình huống này, nếu lái xe ngoại tỉnh không quen chắc chắn vi phạm mới thấy biển cấm…

Trung tá Nguyễn Văn Tòng, Phòng Cảnh sát giao thông (CSGT) Hà Nội cũng cho biết: Đường Nguyễn Văn Cừ dẫn lên cầu Chương Dương, tồn tại song song hàng loạt biển cấm xe tải và biển hướng dẫn giờ cho xe tải qua cầu. Điều này dẫn tới nhiều tranh luận khó phân giải giữa lái xe và CSGT. Mặc dù lái xe vẫn phải nộp phạt theo quy định, nhưng không đồng tình với sự sắp đặt của các biển báo như hiện tại.

Cần có cơ quan chịu trách nhiệm


Từ tháng 6/2014 đến nay, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã gỡ bỏ và đặt lại nhiều biển báo trên quốc lộ và tại các thành phố lớn. Hàng loạt biển báo hạn chế tốc độ dưới 40km/h đã được thay thế; hàng ngàn biển hạn chế tải trọng xe cũng được rà soát để thay mới cho chính xác với từng loại xe, loại đường. Tuy nhiên, để làm rõ trách nhiệm này thuộc về ai thì rất khó.

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam Nguyễn Văn Quyền cho biết: Việc này rất khó khăn và lâu nay chưa đặt ra, vì phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Do đó, để xác định biển báo đặt bất hợp lý trên tuyến đường, nội dung báo hiệu thiếu chính xác và xác định cơ quan, đơn vị nào phải chịu trách nhiệm là cả vấn đề.

Tổng cục Đường bộ Việt Nam đang khẩn trương rà soát, bổ sung hệ thống biển báo hiệu đường bộ và hệ thống bảo đảm ATGT đường bộ tại các địa phương, nhất là khu vực nội đô. Trong đó riêng hệ thống biển báo hiệu đường bộ phải thực hiện đúng các tiêu chuẩn kỹ thuật hiện hành; đồng thời thống kê chi tiết các biển cần phải điều chỉnh nội dung, kích thước hình vẽ, khoảng cách chữ và số… để điều chỉnh hợp lý.

Còn Phó Cục trưởng Cục Quản lý xây dựng và chất lượng công trình giao thông Dương Viết Doãn khẳng định: Đến nay, trên các tuyến đường đang khai thác, chỉ có cơ quan quản lý đường bộ đi kiểm tra, rà soát biển báo, cải tạo điểm đen mà chưa có cơ quan tư vấn chuyên nghiệp nào kiểm định hệ thống biển báo cả.

Ở các tuyến đường mới, biển báo được lắp đặt theo đề nghị của chủ đầu tư công trình, để phục vụ thi công. Sau khi hoàn thành, các cơ quan quản lý đường bộ chỉ tiếp nhận để quản lý, đến khi sử dụng phát hiện bất cập thì điều chỉnh lại.

Do đó, hiện nay rất cần có một cơ quan tư vấn chuyên nghiệp thẩm định thực trạng, điều kiện bảo đảm an toàn giao thông từ khâu thiết kế, thi công, đến nghiệm thu, khai thác công trình của các dự án. Khi đó, cơ quan này sẽ chỉ ra những bất hợp lý để đề xuất lắp đặt biển báo chính xác.


Bài và ảnh: Tiến Hiếu