07:06 06/07/2011

Khó thở

Liên minh châu Âu (EU) và Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) tiếp tục giải cứu Hy Lạp khi chấp thuận giải ngân thêm 12 tỷ euro trong gói cứu trợ trị giá 110 tỷ euro mà hai chủ nợ lớn này đã đồng ý cấp cho Aten hồi năm 2010.

Liên minh châu Âu (EU) và Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) tiếp tục giải cứu Hy Lạp khi chấp thuận giải ngân thêm 12 tỷ euro trong gói cứu trợ trị giá 110 tỷ euro mà hai chủ nợ lớn này đã đồng ý cấp cho Aten hồi năm 2010.

Xung đột giữa những người biểu tình và cảnh sát chống bạo động trước nhà Quốc hội Hy Lạp tại thủ đô Athens.AFP/TTXVN


Có thể nói đối với nền kinh tế Hy Lạp, liều thuốc của EU và IMF tuy là để cấp cứu song cũng là liều thuốc đắng. Vấn đề hiện nay là phương thuốc này đã mang lại hiệu quả đến đâu?

Để nhận được khoản cứu trợ trên, Hy Lạp đã phải chấp nhận hàng loạt biện pháp “thắt lưng buộc bụng” theo điều kiện của EU và IMF. Giờ đây, người Hy Lạp phải nộp thuế cao hơn, phúc lợi xã hội bị cắt giảm, tỷ lệ thất nghiệp tăng. Không chỉ như vậy, Aten còn phải thực hiện chương trình tư nhân hóa trị giá 70 tỷ USD, bán một loạt doanh nghiệp và dịch vụ công do nhà nước điều hành.

Người dân Hy Lạp vốn chật vật trong suốt 3 năm suy thoái kinh tế, nay càng bất bình hơn. Việc Aten buộc phải đi theo lộ trình kinh tế khắc khổ do EU và IMF ấn định đã gây làn sóng phản đối mạnh mẽ tại Hy Lạp. Bên cạnh đó, các biện pháp kinh tế mà IMF và EU áp đặt với quốc gia này cho đến nay vẫn chưa thu được mấy kết quả trong việc giúp Hy Lạp thoát khỏi suy thoái.

Chính vì vậy, 12 tỷ euro bổ sung của EU và IMF có thể cứu Hy Lạp thoát khỏi thảm kịch vỡ nợ công trước mắt, nhưng không giúp các công ty đánh giá tín dụng hàng đầu thế giới cải thiện đánh giá về kinh tế quốc gia này. Mới đây, Standard & Poor’s (S&P) đã hạ xếp hạng tín dụng dài hạn của Hy Lạp từ B xuống CCC, chỉ cách 4 bậc so với vỡ nợ, trở thành nước đứng cuối cùng trong bảng xếp hạng của S&P.

Với Hy Lạp, khó khăn chưa dừng lại ở đây. EU và IMF còn đang thảo luận về đề nghị của Pháp, theo đó sẽ chuyển một nửa số nợ của Hy Lạp do các ngân hàng và công ty bảo hiểm nắm giữ đáo hạn trong 3 năm tiếp theo thành trái phiếu có kỳ hạn 30 năm của Hy Lạp. Đánh giá về biện pháp này, S&P cho rằng các nhà hoạch định chính sách châu Âu đang muốn Hy Lạp cơ cấu lại nợ theo như cách để tư nhân chia sẻ gánh nặng thông qua hình thức trái phiếu. Tuy nhiên, S&P cảnh báo rằng bất cứ giao dịch nào như vậy cũng sẽ dẫn đến kết cục là “vỡ nợ có lựa chọn”. Đúng là khó thở với phương thuốc cứu nguy.

Cẩm Tuyến