12:18 11/12/2014

Khó khăn trong xử lý vi phạm về động vật hoang dã

Nhiều vụ buôn bán, vận chuyển, tiêu thụ động vật hoang dã (ĐVHD) quý hiếm với số lượng lớn đã bị phát hiện, nhưng theo đánh giá của nhiều chuyên gia, việc xử lý vi phạm gặp nhiều trở ngại, do những bất cập trong các quy định hiện hành.

Nhiều vụ buôn bán, vận chuyển, tiêu thụ động vật hoang dã (ĐVHD) quý hiếm với số lượng lớn đã bị phát hiện, nhưng theo đánh giá của nhiều chuyên gia, việc xử lý vi phạm gặp nhiều trở ngại, do những bất cập trong các quy định hiện hành.

Lực lượng chức năng kiểm tra da cá sấu và cá sấu con, tang vật vụ vận chuyển động vật hoang dã trái phép tại Sóc Trăng tháng 9/2013. Ảnh: Trung Hiếu-TTXVN.


Còn nhiều vi phạm

Nằm khuất trong một ngõ nhỏ trên đường Tây Sơn (Đống Đa, Hà Nội), nhưng Tửu Tài Quán vẫn được nhiều người biết đến nhờ thông tin đăng rao về những món ăn “đặc sản núi rừng”. Khi tôi đến, nhân viên của cửa hàng đon đả giở menu ra mời chào, ngay trang đầu tiên là danh sách các loại rượu: rượu gấu, rượu nội tạng gấu, rượu hổ mang chúa, rượu kỳ đà… Để khẳng định chất lượng sản phẩm, nhân viên này đã nhiệt tình dẫn tôi lên tầng 2 để được tận mắt kiểm tra. Ngay cạnh cửa ra vào là bình rượu ngâm một rắn hổ chúa còn nguyên dạng, một bình rượu tắc kè và một bình kỳ đà còn nguyên con, các bình đều có dung tích khoảng 30 - 50 lít. Đây đều là những loài ĐVHD, nằm trong danh mục các loài nguy cấp, quý hiếm được ưu tiên bảo vệ và nhóm IIB theo Nghị định 32 của Chính phủ về quản lý thực, động vật rừng nguy cấp, quý hiếm. Nhân viên ở đây cho biết, giá các loại rượu này tùy thuộc vào thời gian, khi có nhiều hay ít “hàng”.

Nhà hàng Anh em Quán (Đống Đa, Hà Nội) có trưng bày rượu ngâm chân tay gấu, tê tê, rắn hổ mang chúa, kỳ đà. Quảng cáo bán rượu kỳ đà, tắc kè, rắn trên thực đơn. Cơ quan chức năng cũng đã nhiều lần nhắc nhở nhưng phải đến đầu tháng 12 này thì hầu hết các vi phạm mới được gỡ bỏ nhưng vẫn còn bình rượu ngâm bìm bịp.

Năm 2013, ENV (Trung tâm giáo dục thiên nhiên) đã thực hiện khảo sát các vi phạm về ĐVHD tại 1.428 cơ sở kinh doanh trong 4 quận Ba Đình, Đống Đa, Hoàn Kiếm và Tây Hồ (Hà Nội) thì 17% cơ sở có các dấu hiệu vi phạm về ĐVHD. Theo đó, các vi phạm chủ yếu ở cửa hàng thú cảnh, hiệu thuốc y học cổ truyền, nhà hàng.

“Tất cả  những thông tin này đều được ENV gửi tới UBND các quận và các cơ quan chức năng liên quan để xử lý. Tuy nhiên, tỷ lệ xử lý thành công của các cơ quan chức năng đối với những vi phạm này chỉ đạt 39%”, đại diện của ENV cho biết.              
                                                                    
Cùng với những vi phạm tại các cơ sở kinh doanh, tình trạng buôn bán ĐVHD vẫn rất phức tạp. Đầu tháng 11 vừa qua, cơ quan chức năng đã phát hiện 3 hành khách cất giấu trong người 6 miếng sừng động vật có tổng trọng lượng gần 7 kg, nghi có nguồn gốc từ sừng tê giác tại Sân bay quốc tế Nội Bài. Số sừng này đều không được khai báo hải quan và hành khách không xuất trình được giấy tờ liên quan. Hải quan Nội Bài đã lập biên bản tạm giữ, niêm phong tang vật để xử lý theo quy định.

Theo đánh giá của các tổ chức bảo vệ ĐVHD, hàng năm có khoảng 4.000 tấn ĐVHD và các sản phẩm của ĐVHD quý hiếm được các đối tượng người Việt Nam và nước ngoài thu gom, vận chuyển, buôn bán trái phép xuyên biên giới.

Cần tăng tính răn đe

Đại tá Trần Trọng Bình, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường (Bộ Công an) cho biết, việc xử lý bằng hình sự đối với các vi phạm liên quan đến ĐVHD còn ít so với các vụ được phát hiện. Nguyên nhân một phần là do những vướng mắc trong quy định luật liên quan đến vấn đề này.
Một số loài thuộc nhóm IIB (theo Nghị định 32/2006/NĐ-CP) như tê tê, cầy, linh trưởng thường xuyên được phát hiện vi phạm quy định về buôn bán, vận chuyển với số lượng lớn. Tuy nhiên, để khởi tố hình sự những vụ vi phạm này rất khó do các loài thuộc nhóm IIB không được quy định trong Bộ Luật Hình sự. Còn theo Nghị định 157/2013 của Chính phủ về xử phạt hành chính trong lĩnh vực quản lý rừng, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản quy định các vi phạm liên quan đến loài IIB có thể xem xét khởi tố hình sự nếu gây hậu quả vượt quá mức tối đa xử phạt hành chính là 500 triệu đồng. Song căn cứ để xác định giá trị tang vật lại không được quy định dẫn đến bất cập trong việc xử lý triệt để các vi phạm về vận chuyển số lượng lớn các loài IIB.

Ví dụ như ngày12/12/2013, cơ quan chức năng tỉnh Quảng Bình đã phát hiện một vụ vận chuyển trái phép một cá thể Voọc chà vá chân đỏ. Đây là loài nằm trong danh mục loài nguy cấp, quý hiếm được ưu tiên bảo vệ theo Nghị định 160 của Chính phủ. Cơ quan chức năng đã tịch thu tang vật và chỉ xử phạt 15 triệu đồng thay vì phải xử lý nặng hơn, đủ tính răn đe hơn.

Do đó, theo ông Bình, cần rà soát sửa đổi các quy định về tội phạm liên quan đến ĐVHD. Đặc biệt, cần sửa đổi quy định trong Bộ luật Hình sự cũng như các văn bản luật liên quan theo hướng tăng nặng hình phạt lên mức cao hơn để đảm bảo tính răn đe tội phạm và giữa các quy định cần có sự thống nhất với nhau.
Các cơ quan chức năng cần tăng cường và hoàn thiện cơ chế phối hợp giữa các lực lượng, đặc biệt là Công an, Hải quan, Kiểm lâm, Bộ đội biên phòng, cơ quan quản lý Cites Việt Nam… để các bên cùng trao đổi, phối hợp xử lý thông tin về các đối tượng cũng như tương trợ tư pháp về điều tra hình sự đối với các tội phạm môi trường.

“Cần đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong phòng chống tội phạm và các vi phạm pháp luật về bảo tồn ĐVHD. Phối hợp với các cơ quan ngoại giao, Cảnh sát các nước và các tổ chức phi chính phủ để triển khai các điều ước quốc tế, tham gia vào chiến dịch bảo vệ các loài quý hiếm”, ông Bình đề xuất.


Thu Trang