08:06 19/08/2014

Khó khăn chờ đợi tân Thủ tướng Iraq

Mạng tin "As-Saut Al-Arabi" (Tiếng nói Arab) cho rằng việc Tổng thống Iraq Fouad Massoud bổ nhiệm ông Haidar Al-Abadi làm thủ tướng mới hôm 11/8 vừa qua đã khiến nhiều người, ở cả trong và ngoài Iraq, hết sức ngạc nhiên và hoan nghênh.

Mạng tin "As-Saut Al-Arabi" (Tiếng nói Arab) cho rằng việc Tổng thống Iraq Fouad Massoud bổ nhiệm ông Haidar Al-Abadi làm thủ tướng mới hôm 11/8 vừa qua đã khiến nhiều người, ở cả trong và ngoài Iraq, hết sức ngạc nhiên và hoan nghênh.

 

Tân Thủ tướng Haidar Al-Abadi (phải) trong buổi họp báo phát trên truyền hình nhà nước ngày 11/8. Ảnh: AFP/TTXVN

 

Nguồn trên cho rằng trong bối cảnh cuộc khủng hoảng chính trị, kinh tế, quân sự và xã hội ở Iraq ngày càng nghiêm trọng, cũng như bước tiến của phiến quân “Nhà nước Hồi giáo” (IS), sự kiện này được coi là giải pháp khả dĩ nhất, ít ra là vào lúc này. Tuy nhiên, cho dù có thành lập được một chính phủ đoàn kết dân tộc trong 30 ngày tới điều hành đất nước theo quy định của Hiến pháp, thì ông Abadi cũng vẫn sẽ phải đối phó với những thách thức vô cùng lớn.


Thứ nhất, Iraq đang phải chịu nạn tham nhũng trên qui mô lớn, các dịch vụ cơ bản như điện và nước không được bảo đảm, chia rẽ tôn giáo và sắc tộc sâu sắc không dễ gì hàn gắn.


Thứ hai, Iraq đang bị chia năm xẻ bảy. Để giải quyết tình trạng này, trước hết ông Abadi phải thành lập được một chính phủ theo đúng nghĩa "đoàn kết dân tộc" với đại diện của các nhóm sắc tộc, tôn giáo chứ không chỉ gồm toàn những người thân cận và theo dòng Shi'ite như chính phủ của Thủ tướng hết quyền Nouri


Al-Maliki. Ngay khi thành lập được chính phủ "đoàn kết dân tộc", tân Thủ tướng phải tập hợp được sức mạnh của các thành viên theo hướng mọi ý kiến đều phải được tôn trọng như nhau, không được để xuất hiện bất cứ mầm mống bè phái, tôn giáo hay vùng miền nào trong chính phủ.


Thứ ba, cũng là thách thức lớn nhất và trách nhiệm nặng nề nhất, là tái thiết lập an ninh để đối phó với cuộc tấn công của IS, lực lượng đang kiểm soát những khu vực rộng lớn thuộc năm tỉnh của Iraq. Nếu cứ để tình trạng trung bình có hàng trăm người dân vô tội thiệt mạng mỗi tháng kể từ khi tổ chức này nổi lên cách đây chưa lâu thì chính phủ mới sẽ lại đi vào vết xe đổ của chính phủ tiền nhiệm, mất uy tín, mất khả năng điều hành đất nước. Việc này cũng đồng nghĩa với việc sẽ có thêm nhiều vùng lãnh thổ nữa rơi vào tay IS và không loại trừ khả năng, đến một lúc nào đó sẽ có cái tên Baghdad trong số các vùng đất bị mất quyền kiểm soát.


Thứ tư, sau khi được thành lập và đi vào hoạt động, tân chính phủ phải có những biện pháp thật cụ thể, rõ ràng và hiệu quả để ổn định và phát triển nền kinh tế đất nước, trước hết là phải khôi phục và phát triển mạnh mẽ hoạt động của ngành công nghiệp dầu khí. Nếu không làm được như vậy, nền kinh tế Iraq tiếp tục suy giảm, cộng thêm những hoạt động khủng bố gây chết người và phá hoại các cơ sở hạ tầng của IS, chính phủ sẽ khó trụ vững.


Hiện Tổng thống Mỹ Barack Obama đã đặt toàn bộ niềm tin vào tân Thủ tướng Abadi, kêu gọi ông thành lập một chính phủ mới ngay khi có thể, và cho biết đấy là cơ sở cho việc tăng cường viện trợ chính trị, kinh tế và quân sự của Mỹ cho Iraq. Nhà Trắng yêu cầu ông Abadi phải thành lập một chính phủ rộng rãi và công khai, có thể chống lại được mối đe dọa của IS và xây dựng một tương lai tốt đẹp hơn cho tất cả các cộng đồng người Iraq.


Washington đã chính thức hoan nghênh “giai đoạn chủ chốt” trong tiến trình chính trị mới ở Iraq với việc Tổng thống Fouad Massoum bổ nhiệm ông Abadi làm Thủ tướng, và cam kết tăng cường phối hợp với chính phủ mới cũng như lực lượng an ninh của Iraq để chống lại IS. Tuy nhiên, nhiều chính khách Mỹ cũng phải thừa nhận rằng việc chỉ thay đổi người đứng đầu chính phủ không phải là đôi đũa thần có thể cứu chữa, làm thay đổi theo hướng tích cực toàn bộ tình hình bi đát hiện nay ở Iraq.


Theo Washington, nếu không chìa tay ra với người Sunni và không dành cho họ một sự tham gia có ý nghĩa trong đời sống chính trị của đất nước này, thì tân chính phủ Iraq sẽ cực kỳ khó khăn trong việc đưa đất nước ổn định trở lại.


Phạm Phú Phúc