07:22 19/07/2012

Khó hạn chế bệnh nhân vượt tuyến

“Thắt chặt” việc bệnh nhân chuyển viện vượt tuyến là một trong những giải pháp mà Bộ Y tế đang xây dựng nhằm góp phần giảm tình trạng quá tải bệnh viện tuyến trên và nâng cao chất lượng dịch vụ khám chữa bệnh cho tuyến dưới.

“Thắt chặt” việc bệnh nhân chuyển viện vượt tuyến là một trong những giải pháp mà Bộ Y tế đang xây dựng nhằm góp phần giảm tình trạng quá tải bệnh viện tuyến trên và nâng cao chất lượng dịch vụ khám chữa bệnh cho tuyến dưới. Tuy nhiên, ngay chính những “người trong cuộc” cũng còn có những ý kiến khác nhau về vấn đề này.

 

 

Nhiều bệnh nhân vượt tuyến lên khám bệnh viện tuyến trung ương, gây ra tình trạng quá tải. Ảnh: Phương Vy-TTXVN

 

“Bệnh nhân chuyển viện vượt tuyến là một trong những nguyên nhân dẫn đến quá tải bệnh viện. Hiện nhiều bệnh có thể điều trị được ở tuyến tỉnh, tuyến huyện nhưng người dân không yên tâm, cứ thích lên thẳng bệnh viện tuyến trung ương, gây ra tình trạng quá tải ảo. Do đó, việc chuyển tuyến phải được thực hiện rất chặt chẽ thì mới hạn chế được tình trạng quá tải bệnh viện”, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Xuyên cho biết tại cuộc họp lấy ý kiến cho dự thảo Thông tư chuyển tuyến trong lĩnh vực khám, chữa bệnh do Bộ Y tế tổ chức cuối tuần qua, tại Hà Nội.


Nhưng theo bác sĩ (BS) Đinh Công Toàn, Phó Giám đốc Bệnh viện K, việc phân tuyến đối với bệnh viện đa khoa không phức tạp bằng bệnh viện chuyên khoa, nhất là những chuyên khoa sâu như ung thư. “Hiện nay, do hệ thống chuyên khoa ung thư còn rất mỏng nên rất khó áp dụng quy định phân tuyến. Bệnh viện K quá tải trầm trọng như hiện nay một phần là do năng lực khám chữa bệnh và điều trị tuyến dưới chưa đáp ứng yêu cầu. Thậm chí có bệnh nhân chỉ bị một cái u nhỏ nhưng cũng đòi chuyển từ Điện Biên về Hà Nội để điều trị bằng được. Vì thế, việc phân tuyến phải căn cứ trên mạng lưới bệnh viện mà chúng ta đang có”, BS Toàn chia sẻ.


Theo BS Toàn, việc Bộ Y tế quy định hạ một bậc về xét danh hiệu thi đua đối với bệnh viện tiếp nhận những bệnh nhân vượt tuyến là một vấn đề cần xem xét. Thực tế, dù đã có phân tuyến kỹ thuật nhưng nếu trình độ của bác sĩ các tuyến chưa đúng như mức độ Bộ Y tế phân thì sẽ vẫn khó khăn. Ví dụ, đối với u lành, u thường, tuyến huyện có thể làm được nhưng chẳng hạn nếu là polyp đại trực tràng thì ranh giới u lành - u ác rất khó phân định. Bình thường biết là u lành, nhưng khi đã có polyp thì luôn luôn hướng tới có khả năng ung thư. Nếu các BS tuyến dưới không có đủ trình độ chuyên môn thì việc xác định bệnh tương đối khó.


“Muốn phân tuyến thì các BS tuyến dưới phải có đủ trình độ để phân loại bệnh nhân. Ví dụ, hiện nay khá nhiều chị em bị u vú, có u lớn 5 - 7 cm cũng chỉ là lành tính nhưng có u nhỏ lại là ác tính. Nếu là u lành tính thì việc xử lý ở tuyến dưới là rất nhẹ nhàng, nhưng nếu không đủ trình độ để chẩn đoán, phân loại bệnh nhân, sẽ xảy ra tình trạng giữ bệnh nhân có u nhỏ ở tuyến dưới điều trị nhưng sau 5 - 6 tháng thì ung thư đã di căn. Nhưng nếu sàng lọc tốt, chuyển trường hợp này lên BV K thì bệnh nhân sẽ được điều trị thành công”, BS Toàn chia sẻ.


Ngoài ra, khi nói đến chuyển tuyến nhiều người chỉ nghĩ đến chuyển từ tuyến dưới lên tuyến trên mà chưa nghĩ đến chiều ngược lại. Chẳng hạn tuyến dưới khó phân biệt u vú lành thì ở tuyến trên hoàn toàn có thể xác định rõ ràng, Trong trường hợp này trách nhiệm của tuyến trên khi phát hiện là u lành thì phải chuyển ngược bệnh nhân về tuyến dưới điều trị. Việc chuyển tuyến cũng phải chú trọng về chuyển ngược bệnh nhân về tuyến dưới.


Cùng quan điểm với BS Toàn, BS Khương Anh Tuấn, Viện Chiến lược và Chính sách y tế cho biết, việc chuyển bệnh nhân từ tuyến trên cho tuyến dưới cần phải được đẩy mạnh để nâng cao chất lượng khám chữa bệnh cho tuyến dưới. Tuy nhiên, hiện nay chưa có quy định nào bắt buộc các bác sỹ tuyến trên phải chuyển lại bệnh nhân về tuyến dưới nên chất lượng tuyến dưới chưa được cải thiện.


ThS Tống Thị Song Hương, Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm y tế, cho rằng cần làm rõ khái niệm chuyển tuyến vì lý do “vượt quá khả năng chuyên môn” hay vì lý do “cấp cứu” vì đây cũng là vấn đề gây tranh cãi giữa các bệnh viện. Đồng thời, Thông tư về chuyển tuyến mà Bộ Y tế đang xây dựng cũng phải có các quy định cụ thể và rõ ràng hơn về việc bệnh nhân được phép chuyển tuyến.


“Thông tư về chuyển tuyến cần quan tâm đến việc chuyển tuyến đối với các bệnh thông thường và chuyển tuyến đối với các bệnh cấp cứu, đồng thời phải quy định rõ hơn về thủ tục hành chính và cơ chế chi trả BHYT của bệnh nhân chuyển tuyến. Không nên quy định không cho phép bệnh viện trung ương không làm những kỹ thuật của tuyến dưới mà quan trọng hơn là phải đầu tư năng lực cho tuyến tỉnh và tuyến huyện để giữ chân người bệnh. Vì thực tế, không ai muốn lên tuyến trên điều trị nếu chất lượng tuyến dưới được đảm bảo”, ThS Lưu Thị Hồng, Phó Vụ trưởng Vụ Sức khỏe sinh sản, Bộ Y tế khẳng định.


Theo Thứ trưởng Nguyễn Thị Xuyên, Thông tư chuyển tuyến nếu chặt chẽ quá sẽ gây bức xúc cho người bệnh, nếu mở rộng quá bệnh viện trung ương sẽ vẫn quá tải. Do đó, Dự thảo Thông tư về chuyển tuyến phải làm rõ điều kiện bệnh nhân được chuyển tuyến; thủ tục chuyển tuyến và quy định về tiếp nhận bệnh nhân và phản hồi cho tuyến dưới. Sắp tới, Bộ Y tế cũng hoàn thiện Danh mục kỹ thuật và phân tuyến kỹ thuật làm cơ sở cho việc chuyển tuyến. Thứ trưởng Nguyễn Thị Xuyên cũng cho biết, trong kiểm tra bệnh viện năm nay sẽ xem xét yếu tố chuyển tuyến của các bệnh viện để xét danh hiệu thi đua của các bệnh viện.


Lê Hảo