04:08 03/04/2012

Khó đầu ra, nông dân nản với sản xuất nông sản GAP

Tổ chức sản xuất theo tiêu chí GAP là động lực để đưa nền nông nghiệp Tiền Giang hội nhập với xu thế thị trường quốc tế. Đầu tư sản xuất cây trồng theo hướng này đòi hỏi nhiều công sức và tiền của. Nhưng việc tìm đầu ra cho sản phẩm gặp nhiều khó khăn đang khiến nông dân nản lòng.

Tổ chức sản xuất theo tiêu chí GAP (thực hành sản xuất nông nghiệp tốt) là động lực để đưa nền nông nghiệp Tiền Giang hội nhập với xu thế thị trường quốc tế. Đầu tư sản xuất cây trồng theo hướng này đòi hỏi nhiều công sức và tiền của. Nhưng việc tìm đầu ra cho sản phẩm gặp nhiều khó khăn đang khiến nông dân nản lòng.

Nở rộ Global GAP, VietGAP trên cây trồng chủ lực

HTX vú sữa lò rèn Vĩnh Kim được sự hỗ trợ của Viện Nghiên cứu Cây ăn quả Miền Nam (SOFRI) đã chuyển giao quy trình Global GAP cho xã viên. HTX cũng đã xoay xở để có nguồn kinh phí đầu tư xây dựng nhà đóng gói đạt tiêu chuẩn xuất khẩu sang Mỹ và thị trường nhiều nước trên thế giới.


Trồng rau, củ, quả theo tiêu chuẩn VietGAP tại Công ty Dalat G.A.P. Ảnh: Phương Vy-TTXVN


Sau vú sữa Vĩnh Kim, lúa gạo Mỹ Thành cũng được sản xuất theo tiêu chuẩn Global GAP thành công. Đầu năm 2009, HTX nông nghiệp Mỹ Thành (xã Mỹ Thành Nam, Cai Lậy) vinh dự đón nhận chứng nhận Global GAP đầu tiên trên lĩnh vực sản xuất lúa gạo của cả nước. Lúa gạo Global GAP Mỹ Thành được Công ty TNHH ADC bao tiêu với giá cao hơn giá thị trường cùng thời điểm 20%.

Tiến sĩ Lê Hữu Hải, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cai Lậy, cho biết: Thành công của mô hình lúa gạo Global GAP Mỹ Thành là kết quả của HTX có cán bộ am hiểu và tâm huyết về chương trình Global GAP, Nhà nước tích cực hỗ trợ HTX và xã viên vượt qua trở ngại, có doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm.

Cho đến nay, tỉnh Tiền Giang tiếp tục chuyển giao qui trình sản xuất theo hướng GAP cho một số nông sản quan trọng khác như: Chôm chôm Tân Phong, nhãn tiêu da bò Nhị Quí, thanh long. Ngày càng nhiều nông sản được chứng nhận GAP đã khích lệ các cán bộ khoa học và nông dân tâm huyết với việc phát triển nền nông nghiệp hàng hóa chất lượng cao, phù hợp xu thế đổi mới và hội nhập, góp phần mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Con đường gập ghềnh của nông sản GAP

Khó khăn lớn đối với nông dân Tiền Giang là việc tìm đầu ra của nông sản GAP. Thực tế, chỉ trừ HTX nông nghiệp Mỹ Thành được Công ty ADC bao tiêu lúa gạo Global GAP với giá cao hơn giá thị trường cùng thời điểm, còn lại các cây trái khác đều chưa có doanh nghiệp nào nhận bao tiêu. Đầu ra do vậy hết sức bấp bênh.

Trong khi đó để đạt tiêu chí VietGAP, Global GAP cho các nông sản, nông dân phải tuân thủ hàng loạt quy định nghiêm ngặt như: Đầu tư kinh phí để được kiểm tra, công nhận và tái công nhận. Đơn cử như để sản xuất lúa gạo theo tiêu chuẩn VietGAP, xã viên HTX nông nghiệp Mỹ Thành phải tuân thủ đến 370 điểm kiểm soát, trong đó có 206 điểm phải tuân thủ tuyệt đối 100%. Tất cả các điểm kiểm soát không chỉ thực hiện đầy đủ mà phải thể hiện trên văn bản và được lưu hồ sơ ít nhất 2 năm. Giấy chứng nhận Global GAP, VietGAP chỉ có giá trị một năm.


Thu hoạch mướp đắng tiêu chuẩn VietGAP tại một nông hộ ở xã Xuân Thới Thượng, huyện Hóc Môn (TP Hồ Chí Minh). Ảnh: Mạnh Linh - TTXVN

Sản xuất theo tiêu chí GAP đòi hỏi những nỗ lực lớn về công sức, tiền của như vậy nhưng đầu ra còn bấp bênh nên thu nhập người nông dân không cao hơn so với sản xuất thông thường là mấy. Không ít nông dân đang nản chí với các chứng nhận này. Ông Nguyễn Văn Ngàn, Chủ nhiệm HTX vú sữa lò rèn Vĩnh Kim cho biết, thất vọng lớn của những hộ xã viên tham gia sản xuất theo tiêu chí Global GAP là sản phẩm vẫn trong tình trạng “tự sản, tự tiêu” với giá bán không cao hơn vú sữa sản xuất trong điều kiện bình thường. Tính toán sơ bộ với diện tích vùng dự án trên 55 ha, mỗi năm cho sản lượng đến 500 tấn sản phẩm nhưng thực tế từ năm 2008 đến nay HTX chỉ xuất khẩu được vỏn vẹn chừng chục tấn mà phải qua trung gian còn lại tiêu thụ nội địa. Hiện giấy chứng nhận Global GAP cho trái vú sữa lò rèn Vĩnh Kim mà HTX sở hữu đã hết hạn nhưng đến nay vẫn chưa có kinh phí để tái chứng nhận.

Ông Trương Văn Bảy, Chủ nhiệm HTX nông nghiệp Mỹ Thành cũng cho biết, giấy chứng nhận Global GAP đã hết hạn từ tháng 7/2011 nhưng các xã viên đi đến quyết định không xin cấp lại chứng nhận trong vụ hè thu chính vụ 2011 mà đợi đến vụ đông xuân 2011 – 2012. Hiện nay, vụ đông xuân 2011 – 2012 đã gần dứt điểm nhưng việc tái chứng nhận tiếp tục phải dời đến vụ hè thu 2012 tới. Hậu quả trong vụ đông xuân 2011 – 2012 thay vì sản xuất lúa hạt dài vốn bán được giá trên thị trường, không ít xã viên chọn “hạ sách” là quay lại sản xuất giống lúa IR 50404 chất lượng không tốt, vừa mất giá vừa tiêu thụ không được. HTX và Công ty ADC đang ngồi lại để tiếp tục bàn thảo cho tương lai lúa gạo Global GAP Mỹ Thành.

Như vậy, sản xuất cây trái GAP đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức lớn, trong đó có việc thiếu sự liên kết 4 nhà chặt chẽ và vai trò của doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm chưa được phát huy.

Ông Cao Văn Hóa, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh cho biết, sản xuất nông sản GAP vẫn là ưu tiên số một của tỉnh. Vấn đề trước mắt cần tích cực hỗ trợ các đơn vị, địa phương, HTX tháo gỡ khó khăn để xã viên an tâm nhân rộng các mô hình; kêu gọi các doanh nghiệp tích cực tham gia hợp đồng bao tiêu sản phẩm, liên doanh liên kết tạo vùng nguyên liệu.

Minh Trí