02:11 24/02/2011

Khi nông dân mất đất sản xuất(Bài 4)

Khi đất nông nghiệp ở vùng đô thị ngày càng thu hẹp thì một bộ phận nông dân đã chuyển sang sản xuất theo cách nâng cao giá trị trên cùng diện tích; đồng thời một bộ phận không nhỏ nông dân vùng ĐBSCL sẽ từ sản xuất nhỏ lẻ chuyển sang liên kết, hợp tác cùgn sản xuất lớn.

Khi đất nông nghiệp ở vùng đô thị ngày càng thu hẹp thì một bộ phận nông dân đã chuyển sang sản xuất theo cách nâng cao giá trị trên cùng diện tích; đồng thời một bộ phận không nhỏ nông dân vùng ĐBSCL sẽ từ sản xuất nhỏ lẻ chuyển sang liên kết, hợp tác cùgn sản xuất lớn.

 Bài 4: Hình thành xu hướng sản xuất mới

Tìm mô hình sản xuất hiệu quả

Trước đây, gia đình anh Nguyễn Trung Hiếu (phường An Lợi Đông, quận 2, TP.HCM) sống bằng nghề trồng lúa trên diện tích gần 3.500 m2. Đến năm 2001, diện tích đất của anh được thu hồi để làm dự án. “Khi có tiền đền bù, tôi về phường Long Bình (quận 9) mua 200 m2 đất nền và 3.000 m2 đất vườn để xây dựng mô hình nuôi cá sấu thương phẩm” - anh Hiếu cho biết.

Anh Trần Thanh Huy đang tưới nước cho vườn lan giống. Ảnh: Thuyết-Yên


Với diện tích đó, anh đã xây dựng 10 chuồng nuôi cá sấu, mỗi chuồng có khoảng 50 con cá sấu thương phẩm. Sau thời gian nuôi cá sấu thành công, gia đình anh còn nuôi thêm heo rừng. “Từ một gia đình nông dân suốt ngày làm mà không đủ ăn đến giờ nhà tôi đã có được cuộc sống dư giả, con cái được học hành. Tất cả là do mạnh dạn chuyển đổi sản xuất và có mô hình chăn nuôi phù hợp với tự nhiên của vùng đất ngoại thành” - anh Hiếu thổ lộ. Hiện nay, gia đình anh đã có thu nhập từ 300 - 500 triệu đồng/năm.

Khác với anh Hiếu, anh Trần Thanh Huy (ngụ tại B11/8 Phan Hoàng Thái, ấp 2, xã Bình Chánh, huyện Bình Chánh) lại làm giàu nhờ mô hình trồng hoa lan. “Với số vốn 200 triệu đồng ban đầu từ nguồn vốn tích lũy của gia đình và nguồn vay từ Quỹ hỗ trợ nông dân TP, tôi đã tận dụng hết diện tích đất trồng lúa không có hiệu quả của gia đình để đầu tư vào xây dựng vườn lan kiểng” - anh Huy nói về khởi nghiệp của mình.

Hiện nay, không chỉ dừng lại ở việc trồng lan bán nhánh, anh còn xây dựng phòng cấy mô để tạo lan giống cung cấp cho người trồng lan. “Tới giờ phút này tôi đã “bao trọn gói” được từ cây giống đến thu hoạch hoa.


Tại vườn ươm và phòng thí nghiệm, tôi đã thực hiện nhân giống rất nhiều giống lan đẹp, đang thịnh hành trên thị trường với lan truyền thống thuần Việt để cung cấp nguồn giống hoa lan chất lượng cho bà con nông dân. Mỗi tháng, phòng thí nghiệm của tôi có thể tạo ra khoảng 10.000 cây giống để cung cấp cho thị trường trong nước, lợi nhuận thu tính được hàng chục triệu đồng” - anh cho biết.


Hiện nay, với vườn hoa lan rộng hơn 3.000 m2 và vườn ươm cây giống, sau khi trừ mọi chi phí, một năm anh có thể thu lợi hơn 100 triệu đồng.

Theo Hội Nông dân TP.HCM, nhiều mô hình nuôi ba ba, nuôi thỏ, nuôi dế, trồng hoa lan… được nông dân TP.HCM áp dụng chuyển đổi khi bị thu hồi đất nông nghiệp đã mang lại hiệu quả rất cao. Theo đó, hàng trăm mô hình chuyển đổi đã có thu nhập từ 100 triệu đến vài trăm triệu đồng/năm chỉ trên diện tích vài trăm mét vuông. Sau 5 năm chuyển đổi, TP.HCM đã có 10.000 ha đất nông nghiệp có mức thu nhập trên 100 triệu đồng/ha/năm.

Xu hướng sản xuất lớn

Anh Bảy Thi ở Gò Công (Tiền Giang), có hơn 1 ha đất nông nghiệp trồng lúa 3 vụ, nhưng hiện anh không canh tác nữa mà cho thuê. Anh cho biết: “Hiện nay mọi chi phí từ phân bón, thuốc trừ sâu, nhân công, làm đất... đều tăng. Nếu tính toán kĩ thì may ra mới có lãi, còn không thì chỉ hòa vốn. Cho thuê đỡ phải tính toán lời lỗ, trong khi mình có thể đi làm thuê hoặc vào nhà máy làm công nhân”.

Hiện tại các tỉnh ĐBSCL như Long An, An Giang, Đồng Tháp đã xuất hiện các mô hình làm ăn mới theo hướng tích tụ ruộng đất. Theo đó, để giảm chi phí sản xuất, đảm bảo có lời thì nông dân phải có ruộng với quy mô từ vài chục hécta trở lên. Điều này đã xuất hiện nhu cầu cho thuê hoặc bán đất (nằm cùng một vùng hoặc cùng một “dây” ruộng) để hình thành những cánh đồng lớn từ vài chục đến vài trăm ha.

Ở Long An có một ví dụ là hàng chục hộ dân có đất sản xuất lúa liền kề với ruộng của anh Trần Hùng Tráng (Tân Hưng, Long An) đã quyết định cho anh Tráng thuê lại toàn bộ đất lúa rồi trở thành người “làm công” cho anh. Anh Trần Văn Tới, một người đã cho anh Tráng thuê ruộng, cho biết: “Nhà tôi chỉ có gần 1 ha đất nên sản xuất không có lời. Cho thuê mỗi năm ăn chắc hơn 10 triệu đồng, trong khi làm lúa thì chưa chắc được ngần ấy trong 1 năm. Ruộng thì cho thuê, bây giờ hai vợ chồng tôi đi làm thuê lại cho chủ thuê, xem như mình làm cho mình mà còn được tiền lương hàng tháng hoặc là tiền nhân công hàng ngày”.

Tại các huyện Chợ Mới, Tri Tôn (An Giang), nhiều mô hình sản xuất tập trung bằng hình thức này cũng đã “mọc” lên rất nhiều. Theo các chủ điền trang này, việc mở rộng diện tích sản xuất sẽ giúp họ dễ đưa cơ giới hóa vào các khâu sản xuất từ làm đất cho tới lúc ra hạt gạo, từ đó giảm chi phí sản xuất, mang lại nhiều lợi nhuận hơn. Hơn nữa, việc sản xuất tập trung như thế sẽ giúp họ chuyên canh trong việc sản xuất lúa hàng hóa và tận dụng triệt để khả năng sinh lợi của đất.


Theo Hội Nông dân tỉnh An Giang, những nông dân có đất ít, thiếu máy móc và vốn có thể cho người khác thuê đất để phát triển sản xuất, bởi hiện nay chi phí sản xuất lúa rất cao, độ rủi ro lớn. Anh Nguyễn Văn Phát, một nông dân ở Đồng Tháp, đang làm công nhân tạp vụ cho Công ty Le Long (cụm công nghiệp Đức Hòa Đông, Long An), cho biết: “Tôi có gần 6.000 m2 đất lúa, nhưng làm hoài mà không khá giả nổi nên đã cho thuê lại với giá 12 triệu đồng/năm. Hiện vợ tôi đi làm thuê, còn tôi thì lên đây làm công nhân tạp vụ (chăm sóc cây, sân vườn) với mức lương 800.000 đồng/tháng. Với mức thu nhập ổn định này, gia đình tôi sống khá hơn so với phải làm lúa ở quê”.

Thuyết - Yên - Tuyết