02:12 21/02/2011

Khi nông dân mất đất sản xuất(Bài 1)

Người nông dân vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) xưa nay gắn liền với đồng ruộng giờ đang phải đối mặt với việc từ làm chủ sang làm thuê, khi đất nông nghiệp ngày càng bị thu hẹp để sử dụng cho các mục đích khác.

Người nông dân vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) xưa nay gắn liền với đồng ruộng giờ đang phải đối mặt với việc từ làm chủ sang làm thuê, khi đất nông nghiệp ngày càng bị thu hẹp để sử dụng cho các mục đích khác.

Bài 1: Mất dần đất nông nghiệp


Việc đô thị hóa và công nghiệp hóa đã mất khá nhiều đất sản xuất nông nghiệp của TP.HCM và các tỉnh như Long An, Đồng Nai... Việc lấy đất nông nghiệp làm thành khu công nghiệp hay các dự án nhà ở, đô thị và các công trình hạ tầng khác đã khiến một bộ phận nông dân mất đất sản xuất.

Những mặt bằng xây dựng KCN như thế này đều sử dụng đất nông nghiệp (mặt bằng KCN nhựa tại xã Đức Hòa Hạ, Đức Hòa, Long An). Ảnh: PV

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP.HCM, mỗi năm diện tích đất nông nghiệp của thành phố bị mất khoảng 1.400 ha và trong vòng 15 năm trở lại đây, 18.000 ha đất nông nghiệp của thành phố đã bị chuyển đổi mục đích. Hiện TP.HCM còn 116.000 ha đất nông nghiệp, tập trung ở 5 huyện ngoại thành: Củ Chi, Hóc Môn, Bình Chánh, Nhà Bè và Cần Giờ.

Tuy nhiên, tốc độ đô thị hóa tăng nhanh đã ảnh hưởng không nhỏ tới sản xuất nông nghiệp ở các khu vực này và nguy cơ mất đất nông nghiệp vẫn tiếp tục diễn ra. Đến thời điểm này, ngoài diện tích đất đã mất, chỉ tính riêng 3 huyện Củ Chi, Hóc Môn và Bình Chánh đã có trên 3.000 ha đất bị bỏ hoang chỉ vì quy hoạch “treo” và ô nhiễm môi trường. Trong khi đó tại Long An, nông dân bị mất đất nông nghiệp nhiều nhất do thu hồi để mở các KCN ở các huyện giáp ranh TP.HCM như Đức Hòa (5 KCN), Bến Lức (5 KCN), Cần Giuộc (6 KCN).

Ông Phan Thành Phi, Trưởng ban quản lý các khu công nghiệp tỉnh Long An, cho biết toàn tỉnh đã quy hoạch 23 KCN với khoảng 9.762 ha. Trong đó, 14 KCN đã có quyết định thành lập của Chính phủ; theo đó, một lượng lớn đất nông nghiệp bị chuyển đổi.


Theo ông Phi, vị trí của các KCN này chủ yếu là nằm trên vùng đất trước đây chỉ sản xuất một vụ lúa có năng suất thấp hoặc vùng đất nhiễm mặn ở Cần Giuộc, vùng đất bưng ở Đức Hòa hay vùng đất nhiễm phèn ở Bến Lức. Tuy nhiên, việc hình thành quá nhiều KCN đã chiếm nhiều đất nông nghiệp dẫn đến hệ quả là nhiều hộ dân mất đất. Theo thống kê sơ bộ, từ năm 2004 đến nay, huyện Đức Hòa có 5.300 hộ dân mất đất, huyện Bến Lức có 4.700 hộ và Cần Giuộc có 4.100 hộ mất đất.

Tính bình quân cứ 1 ha đất nông nghiệp bị thu hồi thì có 3 hộ dân bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, theo ông Phi, hiện các dự án đầu tư vào các KCN này mới chiếm hơn 30% diện tích.


Xã Long Hậu (Cần Giuộc, Long An) là địa phương giáp ranh TP.HCM nên được UBND tỉnh Long An quy hoạch từ xã thuần nông lên thành đô thị, chỉ trong thời gian ngắn, các nhà đầu tư đã biến toàn bộ 1.500 ha đất nông nghiệp của xã thành các dự án khu biệt thự, nhà vườn, sân golf, khu công nghiệp... khiến 9.000 hộ dân mất đất, mất nhà. Tuy nhiên, đến nay nhiều dự án vẫn chưa triển khai hết, đất để hoang hoá, trong khi người dân không còn đất sản xuất.

Được kỳ vọng sẽ là một khu đô thị vệ tinh đầy tiềm năng và có vị trí chiến lược trong tam giác kinh tế của khu kinh tế trọng điểm phía Nam, khu đô thị Nhơn Trạch (tỉnh Đồng Nai) hiện có những lô đất hoang hóa, cỏ mọc um tùm và những dãy biệt thự để “chim làm tổ”.

Điển hình là khu dân cư Long Thọ - Phước An được Tổng Công ty Đầu tư phát triển nhà và đô thị (HUD) triển khai từ đầu năm 2002 với tổng diện tích 223 ha. Trong đó gồm 115,68 ha dành cho các loại nhà phố và 4,2 ha xây dựng chung cư cao tầng và khu công cộng như trường học, bệnh viện, ngân hàng, bưu điện, trung tâm hành chính, khu vui chơi giải trí, thể dục thể thao… nhằm phục vụ cho khoảng 25.000 dân sinh sống.


Sau 8 năm triển khai, khu dân cư này đã hoàn chỉnh hạ tầng, đường sá thênh thang, có bảng tên đường nhưng vẫn chưa có ai đến ở dù đất phân lô đã được sang bán hết. Hàng ngàn ha đất nông nghiệp giờ đây trở nên xơ xác, khô cằn trong những vùng đất dự án.

Trong khi đó, những nông dân bị lấy đất để làm dự án đang tìm kiếm kế mưu sinh ở khắp nơi. Nông dân Nguyễn Văn Tý cho biết mảnh đất 3 ha của gia đình anh canh tác mỗi năm cũng nuôi đủ gia đình 9 người, nhưng từ khi có dự án, gia đình phải đi mỗi người một ngả để tìm kế sinh nhai. Số tiền đền bù ít ỏi cũng chỉ mua được một miếng đất ở vùng sâu hơn để tiếp tục canh tác nông nghiệp.

Có một thực tế khác, là ngoài những diện tích đất nông nghiệp đã bị thu hồi do dự án thì có rất nhiều khu đất lân cận cũng bị ảnh hưởng, hoặc bị bỏ hoang hoặc được người dân chuyển đổi mục đích bằng việc phân lô bán nền. Điều này có thể nhận thấy được khi trên những tuyến đường ngoại thành hoặc tỉnh giáp ranh địa bàn TP.HCM, các điểm “giao dịch” đất nền mọc lên như nấm.

Mặc dù chưa có số liệu thống kê chính thức, nhưng những diện tích “ăn theo” này ở mỗi địa phương không phải là nhỏ.

Nhóm PV

Bài 2: May rủi từ những dự án