04:00 14/04/2011

Khi “lâm tặc” thành người giữ rừng

Ông Mwakitau Kaleghe ở làng Maungu (Kênia) từng kiếm sống bằng nghề chặt cây trong rừng Rukinga để đốt lấy than đem bán. Những người như ông đã khiến những cánh rừng tươi tốt ở miền nam Kênia trở thành những vùng đất hoang tàn, cằn cỗi.

Ông Mwakitau Kaleghe ở làng Maungu (Kênia) từng kiếm sống bằng nghề chặt cây trong rừng Rukinga để đốt lấy than đem bán. Những người như ông đã khiến những cánh rừng tươi tốt ở miền nam Kênia trở thành những vùng đất hoang tàn, cằn cỗi.

Nhưng giờ đây, ông Kaleghe không còn là “lâm tặc” nữa mà đã trở thành người giữ rừng Rukinga và bảo vệ môi trường bằng cách tham gia vào dự án hạn ngạch khí thải cácbon. Công việc của ông Kaleghe là chăm sóc cây giống và bán cho một dự án hạn ngạch khí thải cácbon do Liên hợp quốc bảo trợ.

Cây bị chặt và đốt thành than.


Theo sáng kiến giảm khí thải do phá rừng và thoái hóa đất (REDD), những công ty thải nhiều khí CO2 ở các nước công nghiệp có thể bù lại hành động gây ô nhiễm của mình bằng cách bảo tồn rừng nhiệt đới hoặc trồng cây xanh ở những khu vực đất trống. Theo tổ chức bảo tồn của Mỹ mang tên Wildlife Works, tổ chức này quản lý 30.000 ha rừng Rukinga ở làng Maungu theo sáng kiến REDD. Wildlife Works đã ký với tổ chức Nedbank của Nam Phi hợp đồng mua bán 200.000 tấn CO2 với giá khoảng 1 triệu USD.

Một phần trong số tiền này sẽ được dành cho các dự án địa phương nhằm tạo nguồn thu nhập thay thế cho người dân, để họ không phá rừng lấy đất canh tác và không đốt cây lấy than.

Ông Kaleghe cho biết, nếu bán được cây giống với giá cao, họ có thể đủ sống. Ông tâm sự: “Tôi từng kiếm được nhiều tiền từ nghề bán than nhưng tôi sẽ không làm lại nghề đó vì nó phá hủy rừng”.

Ngoài trồng cây, dự án còn điều hành một nhà máy dệt may sản xuất quần áo để xuất khẩu và dự định làm đường ống dẫn nước sinh hoạt cho cộng đồng.

Ông James Mwakina Mboga, một thành viên hội đồng địa phương, kể: “Với nhiều dự án sắp được thực hiện như vậy, người dân rất vui và đang sống trong hi vọng”.

Các dự án hạn ngạch khí thải cácbon đòi hỏi phải tính toán chi tiết về độ bao phủ rừng, thành phần đất và thời gian nhằm xác định được lượng CO2 thải ra từ phá rừng và thoái hóa đất. Các dự án cũng phải được giám sát chặt chẽ để đảm bảo không phải là dự án lừa đảo.

Dự án hạn ngạch khí thải cácbon ở Rukinga là một bước ngoặt. Đây là dự án đầu tiên được đưa ra theo tiêu chuẩn mới mang tên Tiêu chuẩn cácbon tự nguyện (VSC) – gồm tiêu chí về tính bền vững, an toàn cho sinh thái và hỗ trợ cộng đồng địa phương. Wildlife Works hi vọng sẽ giảm được 30 triệu tấn CO2 trong vòng 20 năm.

Ông Rob Dodson, Giám đốc tổ chức Wildlife Works ở Rukinga, cho biết người dân địa phương hỗ trợ dự án rất nhiều. Họ đã từng bước ý thức được tác hại của thoái hóa đất và ảnh hưởng đối với cuộc sống của họ. Ông nói với phóng viên AFP: “Họ nhận thấy lượng mưa giảm hàng năm. Họ nhận ra du canh không hiệu quả. Họ là người dễ tiếp thu và sẵn lòng làm bất kỳ điều gì để thay đổi điều đó”.

Quốc Thịnh