03:01 18/03/2011

Khéo xử chuyện bé mầm non đánh nhau

Là cha mẹ, ai cũng yêu thương con mình hơn tất thảy mọi thứ trên đời. Vì thế, thật không dễ chịu khi phải nghe những lời phàn nàn từ giáo viên, từ cha mẹ các học sinh cùng lớp về con mình hay phải xót xa nhìn vết sây xước trên người con mỗi chiều tan học.

Là cha mẹ, ai cũng yêu thương con mình hơn tất thảy mọi thứ trên đời. Vì thế, thật không dễ chịu khi phải nghe những lời phàn nàn từ giáo viên, từ cha mẹ các học sinh cùng lớp về con mình hay phải xót xa nhìn vết sây xước trên người con mỗi chiều tan học.

Vòng luẩn quẩn mẹ đánh, đánh bạn

Gần như chiều nào đến đón con chị Hòa cũng nhận được những câu: “Hôm nay Thái An lại đánh bạn chị ạ” hay “Mẹ bạn A, bạn B muốn gặp chị…”. Thoạt đầu, chị cũng không để ý lắm vì cho rằng trẻ con đánh nhau là chuyện bình thường. Tuy nhiên, khi việc đánh bạn của cậu quý tử lên đến mức như cơm bữa thì chị lo lắng thực sự. “Tôi cảm thấy rất ngại khi nghe giáo viên liên tục “mách” tội con. Lần đầu, tôi nhẹ nhàng khuyên bảo cháu, những lần sau đó tôi tăng dần mức độ xử lý, thậm chí phạt roi con rất nghiêm khắc nhưng hình như không mấy tác dụng. Con tôi vẫn đánh bạn và tôi không biết làm thế nào”, chị Hòa nhớ lại.

Chị Hòa để ý, sau mỗi lần bị chị “lên lớp” có kèm roi, Thái An tỏ ra rất hiểu chuyện và ngoan ngoãn vâng lời, nhưng chỉ được một vài ngày thì đâu lại vào đấy, các lời phàn nàn lại tiếp tục xuất hiện. Chị đã phải trao đổi với một số nhà tâm lý để tìm hiểu thêm về lứa tuổi của con mình. “Rồi tôi hiểu ra, Thái An đánh bạn vì muốn độc quyền món đồ chơi chung, hoặc không vừa ý với bất kỳ hành động nào đó của bạn. Có lẽ, đó là do gia đình chúng tôi quá chiều cháu, để cho cháu muốn gì được nấy từ nhỏ. Từ đó, bên cạnh việc tiếp tục khuyên bảo con, tôi cũng nghiêm khắc hơn trong việc dạy dỗ con hàng ngày. Sau đó hai tháng, cháu nhà tôi dần biết nhường nhịn và chơi với bạn hòa thuận hơn”, chị Hòa nói và thở phào.

Nếu như Thái An hay đánh bạn thì Kim Chi lại “quanh năm” bị bạn đánh. Chị Phương mẹ cháu phát bực khi con mình thường bị một bạn cùng lớp bắt nạt. Những chiều đi làm về, nhìn những vết sây xước trên mặt, trên tay chân của con, chị rất xót xa. “Tôi bảo con khi nào bị bạn đánh thì phải mách cô. Nhưng con tôi bảo, sau khi mách cô, cô giáo chỉ ừ. Và bạn kia vẫn đánh con tôi như cũ”, chị Phương kể.

“Tôi đã phải rất bình tĩnh và cố gắng tìm hiểu xem tại sao con mình hay bị bạn đánh, cùng với việc nhờ giáo viên trao đổi với phụ huynh của bé hay đánh con tôi để cùng tìm ra nguyên nhân. Tất cả những cố gắng của tôi đã mang lại kết quả tốt, con tôi đã không bị bạn đánh nữa và hai đứa lại trở nên thân thiết”, chị Phương cho biết.

Tránh “Chuyện trẻ con mất lòng người lớn”

Tuy nhiên, không phải ai cũng có cách giải quyết vấn đề bình tĩnh và hợp lý như chị Hòa và chị Phương. Hải Yến, một giáo viên có thâm niên của trường Mầm non Tuổi Hoa (quận Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết: “Có trường hợp phụ huynh nổi xung khi thấy con mình bị bạn đánh. Họ không trao đổi với giáo viên mà tìm gặp phụ huynh để nặng nhẹ, thậm chí có trường hợp dọa nạt trực tiếp, gây tổn thương tâm lý cho trẻ”.

“Lúc này, giáo viên phải hết sức khéo léo, kiên nhẫn giải thích để phụ huynh hiểu và đề nghị không nên làm như thế với trẻ. Có phụ huynh sau khi nghe giải thích cảm thấy rất áy náy và đã xin lỗi trẻ. Tùy từng trường hợp mà giáo viên có cách xử trí khác nhau. Nhưng sự phối hợp giữa giáo viên và cha mẹ các em là rất cần thiết”, Hải Yến nói thêm.

Nếu chỉ vì tranh giành đồ chơi, lời khuyên của giáo viên lúc này có thể là “Con trai nên nhường con gái”, hay “Con chơi lâu rồi, hãy chơi trò khác và nhường cho bạn”. Nhưng có những trường hợp khi tìm hiểu rõ thì mới thấy, nguyên nhân hết sức đơn giản: Vì quá quý mến nhau, nhiều trẻ thể hiện tình cảm với bạn bằng cách véo vào má, vào mặt bạn. Trẻ không ý thức được hành động của mình và đôi khi đã để lại vết thương trên cơ thể bạn. Với những trường hợp như thế này, giáo viên phải hết sức để ý và can thiệp kịp thời.

Cô Nguyễn Thị Vượng, Hiệu trưởng trường Mầm non Tuổi Hoa chia sẻ kinh nghiệm: “Sự thông cảm của phụ huynh với giáo viên là vô cùng quan trọng. Lớp học đông, nhiều trẻ rất nghịch ngợm và hiếu động, việc xô xát giữa các trẻ là khó tránh. Vì thế, để hạn chế tối đa rắc rối giữa các trẻ, nhà trường luôn chú trọng trong việc tìm hiểu tâm lý trẻ để có phương pháp dạy dỗ hiệu quả”.

Một chuyên gia tâm lý nhận định cách xử lý mà cô Vượng đưa ra rất khoa học. Chẳng hạn, với những trường hợp như bé Thái An, thay vì đánh mắng, đầu tiên, bố mẹ hãy kiềm chế cảm xúc. Việc nổi giận sẽ ảnh hưởng đến tâm lý của trẻ. Sau đó phụ huynh hãy sử dụng các cách khác nhau để giúp con nhận ra rằng con sẽ được thưởng khi đúng, bị phạt khi sai. Bố mẹ cũng cần tỏ rõ thái độ không đồng tình với hành động của con và tìm ra nguyên nhân để ngăn chặn.

Để tránh không bị rơi vào những tình huống khó xử, các bậc cha mẹ hãy luôn cố gắng làm như mong muốn sau đây của cô hiệu trưởng Nguyễn Thị Vượng: “Quan trọng nhất vẫn là sự dạy dỗ, uốn nắn của cha mẹ, hãy dạy con những bài học về tình bạn và các mối quan hệ yêu thương để tâm hồn trẻ luôn luôn hướng thiện, giúp trẻ tự tin khi đối mặt với những khó khăn sau này”.

Trang An