08:00 30/08/2012

Khát vọng được là chính mình của người chuyển giới

“Khi các bạn ở lớp biết em là người chuyển giới, mọi người tỏ ra rất coi thường. Bài kiểm tra điểm cao của em bị các bạn xé. Các bạn còn tổ chức đánh hội đồng em. Em đã phải trốn học một tuần.

“Khi các bạn ở lớp biết em là người chuyển giới, mọi người tỏ ra rất coi thường. Bài kiểm tra điểm cao của em bị các bạn xé. Các bạn còn tổ chức đánh hội đồng em. Em đã phải trốn học một tuần. Và khi bố mẹ em biết chuyện, họ còn đánh chửi em nhiều hơn”, câu chuyện không liền mạch xen lẫn nước mắt của bạn NL (một người chuyển giới từ nam sang nữ) khiến nhiều người không khỏi xúc động.

 

Nỗi niềm khó nói ra


Tại hội thảo về người chuyển giới do Viện Nghiên cứu Xã hội, Kinh tế và Môi trường (iSEE) tổ chức ngày 29/4 tại Hà Nội, đại diện những người chuyển giới tại Việt Nam đã có mặt để chia sẻ những khó khăn mà mình gặp phải trong cuộc sống. Ngoài sự kì thị từ xã hội, ngay cả gia đình, bạn bè, người thân cũng gây nhiều áp lực cho người chuyển giới về cả thể xác, tinh thần. Người chuyển giới còn gặp rất nhiều khó khăn trong tiếp cận các cơ hội về học tập, việc làm và phải chịu cả rủi ro về sức khỏe khi họ phải dùng các loại thuốc, hóa chất để thay đổi cơ thể mình theo giới tính mong muốn.


 

Những người chuyển giới đã dũng cảm chia sẻ với mọi người về khó khăn mà mình gặp phải trong cuộc sống.

 

Câu chuyện của bạn CT (một người chuyển giới từ nam sang nữ) là một ví dụ. CT đã phải đi tàu hỏa từ TP Hồ Chí Minh ra Hà Nội để chia sẻ với các đại biểu dự hội thảo về nỗi khổ của người chuyển giới. CT không thể đi máy bay do vẻ bề ngoài của em không trùng với giới tính ghi trên chứng minh thư. Từ trước năm 2007, CT vẫn còn là một chàng trai. Nhưng khát vọng trở thành con gái đã nung nấu trong em từ rất lâu đã khiến em quyết tâm bằng mọi giá phải trở về với giới tính thật của mình. CT đã tiêm hoóc môn và bơm silicôn vào cơ thể. “Khi bơm silicôn vào người, em đau đến nỗi phải cắn răng vào gối. Nhưng dù đau đớn, em vẫn thấy hạnh phúc khi mình được làm con gái. Vì em tuy mang thân xác của đàn ông nhưng bản chất thật sự của em là con gái”, CT chia sẻ.


Thứ hoóc môn mà CT tiêm vào người do em mua lại của những người chuyển giới đã đi Thái Lan về. Nó không rõ nguồn gốc và cũng không có bác sĩ nào nhận tiêm giúp CT cả. Do vậy những người chuyển giới như CT phải tự tiêm. Điều đó tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ đối với sức khỏe.


AT, một người chuyển giới từ nữ sang nam thì kể về câu chuyện của mình khi đi khám sức khỏe: “Sau khi nhìn giấy tờ, chị y tá quay sang nhìn mình đầy khinh bỉ và nói: Đây là loại bệnh hoạn của xã hội, tự về mà chữa đầu óc đi”. Trong số những nghiên cứu do iSEE thực hiện, câu nói của một người chuyển giới 19 tuổi tại TP.HCM thể hiện khát vọng được là chính mình đã khiến nhiều người phải suy ngẫm: “Em muốn được phẫu thuật rồi em sống một giờ thôi em cũng chịu, chỉ cần chết trong thân xác của người phụ nữ”.

 

Thay đổi để chống kì thị


Hiện chưa có cuộc điều tra nào về số lượng hoặc tỉ lệ người chuyển giới ở Việt Nam. Nghiên cứu trên thế giới cho các kết quả khác nhau từ 0,1 đến 0,5% dân số là người chuyển giới. Trên mạng Internet, diễn đàn thegioithu3.vn thu hút người chuyển giới từ nam sang nữ và đồng tính nam với hơn 100.000 thành viên. Diễn đàn lesking.com.vn dành cho người chuyển giới từ nữ sang nam và đồng tính nữ có hơn 25.000 thành viên. Con số này là không hề nhỏ.


Ông Trần Thất, Vụ trưởng Vụ Hành chính tư pháp (Bộ Tư pháp) cho rằng: “Không cần thiết phải nắm rõ số lượng người chuyển giới trong xã hội. Dù đó là nhóm nhỏ nhưng quyền lợi của họ vẫn phải được đảm bảo vì đây là vấn đề liên quan đến quyền con người”. Theo ông Thất, sắp tới các bộ Luật về Hộ tịch, Dân sự, Hôn nhân Gia đình sẽ được sửa đổi để công nhận quyền lợi hợp pháp của người chuyển giới. Việt Nam hiện chưa cho phép người chuyển giới thay đổi giới tính của mình nên họ gặp nhiều khó khăn trong công việc làm ăn, đi lại, đăng kí hộ tịch.


Việc xác định lại giới tính được quy định tại điều 36 Luật Dân sự và Nghị định số 88/2008/NĐ-CP về Xác định lại giới tính chỉ cho phép người có khuyết tật bẩm sinh mới được phẫu thuật và xác định lại giới tính. Điều 5 Nghị định này quy định tiêu chuẩn y tế xác định khuyết tật bẩm sinh về giới tính là phải có “những bất thường về bộ phận sinh dục” và nhiễm sắc thể, thậm chí Điều 4, khoản 1 còn nghiêm cấm thực hiện việc chuyển đổi giới tính đối với những người đã hoàn thiện về giới tính. Như vậy những quy định này đã đóng lại cơ hội phẫu thuật chuyển đổi giới tính cho người muốn chuyển giới. Pháp luật hiện nay mới chỉ quan tâm đến quyền chuyển giới của bộ phận người có những khiếm khuyết về thể chất, sinh học mà chưa đề cập đến những khiếm khuyết về mặt giới tính, vì thế rất cần được sửa đổi để đáp ứng nguyện vọng của những người chuyển giới.


Để hạn chế những kì thị với cộng đồng người chuyển giới, không chỉ cần thay đổi về mặt luật pháp mà toàn xã hội cũng cần phải có những nhận thức đúng đắn về người chuyển giới. Để làm được điều đó, chị Hoài Anh, giảng viên Khoa Công tác xã hội (ĐH Sư phạm Hà Nội) đề xuất: Cần đưa những kiến thức đúng đắn về người chuyển giới vào nội dung giảng dạy để tác động đến nhận thức của cả giảng viên và học viên. “Sau những buổi nói chuyện với sinh viên về người đồng tính, chuyển giới do chúng tôi và iSEE tổ chức, sinh viên đã thay đổi nhận thức rất nhiều, sự kì thị giảm đi rõ rệt”.


Bài và ảnh: Hoàng Dương