07:11 22/07/2012

Khẳng định vai trò trung tâm của ASEAN trong khu vực

Các nước ASEAN đã thống nhất được “Nguyên tắc 6 điểm của ASEAN về vấn đề Biển Đông” - một văn bản khẳng định sự đoàn kết trong ASEAN cũng như tạo cơ sở đảm bảo cho các bên liên quan tôn trọng, tuân thủ trong cách hành xử ở Biển Đông.

Sau những nỗ lực ngoại giao “con thoi” của Marty Natalegawa, Ngoại trưởng Indonesia (Inđônêxia), đặc biệt là các cuộc tham vấn trực tiếp với các Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam, Philippines (Philíppin) và Cambodia (Campuchia), ngày 20/7 vừa qua, các nước ASEAN đã thống nhất được “Nguyên tắc 6 điểm của ASEAN về vấn đề Biển Đông” - một văn bản khẳng định sự đoàn kết trong ASEAN cũng như tạo cơ sở đảm bảo cho các bên liên quan tôn trọng, tuân thủ luật pháp quốc tế và những thỏa thuận của ASEAN trong vấn đề Biển Đông.


Vấn đề biển đông hiện là mối quan tâm chính trong hợp tác của các nước ASEAN. Ảnh Internet.


Các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN đã tái khẳng định cam kết của các nước thành viên đối với 6 nguyên tắc gồm: Thực hiện đầy đủ Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC); hướng dẫn thực hiện DOC; sớm đạt được Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC); hoàn toàn tôn trọng các nguyên tắc đã được công nhận của Luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS); tất cả các bên tiếp tục kiềm chế và không sử dụng vũ lực; giải quyết hòa bình các tranh chấp, phù hợp với các nguyên tắc đã được công nhận của Luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS.


Văn bản trên đã khẳng định lại các nguyên tắc căn bản của ASEAN trong vấn đề Biển Đông, qua đó một lần nữa thể hiện sự đoàn kết, nhất trí của ASEAN và việc Hiệp hội tiếp tục phát huy vai trò trung tâm của mình trong các vấn đề "nóng" của khu vực, trong đó có vấn đề Biển Đông.


Rõ ràng, sự ra đời của “Nguyên tắc 6 điểm về vấn đề Biển Đông” chứng tỏ rằng hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn hàng hải ở Biển Đông là mối quan tâm chung của các nước ASEAN cũng như của các nước trong khu vực và trên thế giới, vấn đề Biển Đông không phải chỉ là vấn đề song phương giữa một vài nước ASEAN với Trung Quốc.


Trong bối cảnh tình hình Biển Đông ngày càng diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn và tự do hàng hải ở khu vực, việc ra tuyên bố “Nguyên tắc 6 điểm của ASEAN về vấn đề Biển Đông” tái khẳng định lập trường của ASEAN, yêu cầu các bên liên quan tôn trọng, tuân thủ các cam kết mang tính khu vực và Luật pháp quốc tế trong hành xử ở Biển Đông. Các hành vi vi phạm những nguyên tắc trên sẽ gây ảnh hưởng tới tất cả các nước thành viên ASEAN. Với nguyên tắc ASEAN coi Biển Đông là vấn đề chung của khối, tất cả các nước thành viên phải có trách nhiệm giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, tôn trọng luật pháp quốc tế và UNCLOS 1982, thực hiện đầy đủ DOC, sớm xây dựng COC để bảo đảm hiệu quả hòa bình, ổn định và an ninh ở Biển Đông.


Kể từ khi trở thành thành viên của ASEAN đến nay, Việt Nam luôn nỗ lực, đóng góp tích cực và có trách nhiệm trong việc duy trì sự đoàn kết và giữ vững vai trò trung tâm của ASEAN. Việt Nam đã tích cực đóng góp vào việc phát huy vai trò của ASEAN trong triển khai các mục tiêu trọng tâm, ưu tiên của Hiệp hội và khu vực như xây dựng Cộng đồng ASEAN, tăng cường liên kết và kết nối khu vực, thu hẹp khoảng cách phát triển, phát triển bền vững và đồng đều; tăng cường quan hệ với các đối tác; phát huy vai trò trung tâm của ASEAN trong cấu trúc khu vực đang định hình. Cùng với các nước khác, Việt Nam đề cao vai trò chủ động và tích cực của ASEAN trong việc xây dựng môi trường hòa bình, an ninh, ổn định và hợp tác ở khu vực, nhất là việc bảo đảm tôn trọng các nguyên tắc của luật pháp quốc tế; giải quyết hòa bình các tranh chấp, không sử dụng vũ lực.


Lập trường của Việt Nam về vấn đề Biển Đông phù hợp với lập trường chung của ASEAN.


Hơn bao giờ hết, các nước ASEAN cần phải nêu cao tinh thần trách nhiệm, duy trì và củng cố sự đoàn kết ASEAN, phát huy vai trò và đóng góp chủ đạo của ASEAN trong các vấn đề ưu tiên và thiết yếu của ASEAN và khu vực, nhất là về xây dựng Cộng đồng; thúc đẩy liên kết và kết nối khu vực; xây dựng môi trường hòa bình, ổn định, an ninh và hợp tác; tăng cường quan hệ với các đối tác; ứng phó có hiệu quả với các thách thức đang nổi lên,… vì hòa bình, ổn định, an ninh, hợp tác và phát triển ở khu vực. Việt Nam hy vọng và tin tưởng rằng trên cương vị Chủ tịch ASEAN 2012, Campuchia sẽ có những nỗ lực và đóng góp tích cực nhằm duy trì sự đoàn kết trong ASEAN cũng như phát huy vai trò trung tâm của ASEAN trong các vấn đề khu vực.



Tuyết Nhung