10:07 02/10/2022

Khẳng định uy tín của Giải thưởng Sách Quốc gia

Tối 3/10, Lễ trao Giải thưởng Sách Quốc gia lần thứ 5 năm 2021 sẽ được tổ chức.

Đây là giải thưởng cấp Nhà nước được tổ chức hằng năm, nhằm tôn vinh những cuốn sách (bộ sách) có giá trị nổi bật về nội dung, tư tưởng, tri thức, thẩm mỹ; có tác động mạnh mẽ đến cộng đồng hoặc đóng góp sâu rộng về chuyên môn, được công chúng đón nhận, giới chuyên môn đánh giá cao ở các lĩnh vực. Giải thưởng cũng tôn vinh những người sáng tác, những nhà hoạt động trong lĩnh vực xuất bản sách Việt Nam, góp phần phát hiện, lưu giữ, quảng bá những tác phẩm có giá trị đến với đông đảo bạn đọc, tạo động lực thúc đẩy sự nghiệp xuất bản phát triển theo đúng định hướng, phù hợp với xu hướng hội nhập.

Giải thưởng Sách Quốc gia gồm 3 mức giải: A, B, C được trao cho 5 mảng sách: Chính trị, kinh tế; Khoa học tự nhiên và công nghệ; Khoa học xã hội và nhân văn; Văn hóa, văn học và nghệ thuật; Thiếu nhi. Ngoài ra còn có giải thưởng đặc biệt cho cuốn sách, bộ sách xuất sắc nhất trong các mảng sách; tùy theo chất lượng sách tham gia dự giảicó thể tăng số lượng giải thưởng. Sách tham gia giải thưởng được chấm qua ba hội đồng: Hội đồng chấm Sơ khảo, Hội đồng chấm Chung khảo và Hội đồng Giải thưởng Sách Quốc gia. Từ mùa giải thứ 4, Ban tổ chức đã nâng số thành viên với đa dạng độ tuổi, đạt tiêu chuẩn về kiến thức chuyên môn, điều kiện, sức khỏe để thẩm định. Các Hội đồng Sơ khảo, Hội đồng Chung khảo và Hội đồng Giải thưởng Sách Quốc gia đã làm việc khẩn trương, thận trọng, nghiêm túc, khách quan để lựa chọn được những cuốn sách tiêu biểu, có giá trị cao để trao giải. 

Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Trịnh Thị Thủy nhận định: 2022 là năm thứ 5 thực hiện Giải thưởng Sách quốc gia nên quy trình xét ngày càng bài bản hơn, đảm bảo chặt chẽ, khách quan, minh bạch. Các thành viên hội đồng có trách nhiệm trên nhiều lĩnh vực chuyên môn cùng trao đổi, thảo luận, đánh giá, nhận xét công khai, minh bạch... khẳng định uy tín của giải thưởng. Quy trình chấm giải ngày càng thận trọng hơn, đã thu thập được ý kiến của dư luận và người có chuyên môn để xét giải.

Theo thông tin từ Ban Tổ chức, tham dự giải thưởng Sách Quốc gia năm nay có 48/57 nhà xuất bản tham gia (tăng 1 nhà xuất bản so với Giải lần thứ tư) với 298 tên sách và bộ sách, bao gồm 386 cuốn (tăng 14 tên sách và bộ sách, 21 cuốn sách). Hội đồng Giải thưởng Sách Quốc gia lần thứ năm đã thống nhất trao giải cho 26 cuốn sách, bộ sách (1 giải A, 9 giải Ba, 16 giải C). Các cuốn sách, bộ sách đoạt giải được đánh giá là những tác phẩm giàu tính sáng tạo, mang tinh thần nhân văn sâu sắc, những công trình nghiên cứu khoa học hết sức công phu, nghiêm túc, có nhiều giá trị khoa học, xã hội và thực tiễn cao. Tuy nhiên, giải thưởng nay chỉ có mảng sách Khoa học xã hội và nhân văn có giải A, bốn mảng sách Chính trị, kinh tế; Khoa học tự nhiên và công nghệ; Văn hóa, văn học và nghệ thuật; Thiếu nhi đều không có giải A.

Lý giải về việc này, Phó chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam Hoàng Phong Hà cho biết: Nguyên nhân là các tác phẩm không hội tụ đủ mọi tiêu chí về nội dung, hình thức để đoạt giải cao nhất. Nhiều cuốn được Hội đồng giám khảo phản biện, đưa lên giải A rồi lại hạ xuống giải B, C. "Tùy theo chất lượng sách mà hội đồng có thể tăng số lượng giải thưởng. Tuy nhiên, đến nay, chưa có mùa giải nào ban tổ chức tìm được đủ năm giải A cho năm hạng mục sách" - ông Hoàng Phong Hà nói.

Đối với giải B, năm nay, hai mảng sách Văn hóa, văn học và nghệ thuật và Thiếu nhi cũng không "vắng mặt", trong khi mảng sách Khoa học tự nhiên và công nghệ có tới 3 tác phẩm.

Nét mới trong Giải thưởng Sách quốc gia năm nay là đây cũng là lần đầu tiên Ban Tổ chức đã công bố trước tên các tác phẩm được đề cử, khác với việc giữ kín tới lễ trao giải như mọi năm. Theo Ban tổ chức, thông qua sự thay đổi này, Hội đồng mong nhận được những góp ý từ cộng đồng, để kiểm định giải được công tâm, trao giải được chính xác hơn nữa.

Chia sẻ về sự thiếu vắng mảng sách Văn học, Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành Nguyễn Nguyên cho biết, Ban Tổ chức đã khuyến khích các hội văn học, hội chuyên ngành, các công ty phát hành sách liên kết giới thiệu sách dự giải thưởng nhưng chưa nhận được nhiều sách từ các đơn vị này. Đây cũng là lý do mảng sách văn học được quan tâm và yêu thích nhất nhưng lại không có đủ đại diện tham gia giải. 

Cũng theo Phó Chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam Hoàng Phong Hà, nguyên nhân của việc này là do hai năm 2020-2021, nước ta chịu ảnh hưởng nặng nề từ dịch COVID-19, các nhà xuất bản gặp rất nhiều khó khăn. Trong hai năm, hầu hết các nhà xuất bản lựa chọn tái bản các cuốn sách cũ, không có nhiều đầu sách văn học mới. Thêm một lý do nữa là quy chế của giải nhận sách được nộp lưu chiểu từ 31/10/2020 đến 31/10/2021, sách nộp lưu chiểu ngoài thời điểm này đều không đạt yêu cầu. Rất nhiều cuốn sách hay, chất lượng được các đơn vị xuất bản giới thiệu nhưng không đạt tiêu chuẩn này nên đã bị loại. Vì thế mảng sách Văn hóa, văn học nghệ thuật năm nay chưa đủ số lượng sách. Đây là điều hết sức đáng tiếc - ông Hoàng Phong Hà chia sẻ.

Là giải thưởng uy tín của ngành xuất bản, tôn vinh giá trị và người làm sách trong cả nước, Giải thưởng Sách Quốc gia cũng là cơ hội để các nhà xuất bản nhìn lại những thành quả lao động trong suốt một năm; bạn đọc cả nước có thêm kênh thông tin để cùng tìm kiếm sự đồng cảm sâu sắc qua cách chấm giải thưởng có sự tương đồng với chính người đọc. Sau 4 lần tổ chức, Giải thưởng ngày càng được dư luận, xã hội quan tâm, chú ý, có tác động đến giới xuất bản cùng độc giả. Sau mỗi mùa giải, Hội đồng Giải thưởng Sách quốc gia đều họp lại để ghi nhận những góp ý với tinh thần xây dựng, tìm cách hoàn thiện quy chế, nâng tầm giải thưởng qua các năm. 

Hội đồng Giải thưởng Sách Quốc gia mong muốn có thêm cơ chế, chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện để các nhà xuất bản có nhiều sách hay, đề tài hay, gửi được nhiều sách tham gia tranh giải; tạo điều kiện tổ chức lớp bồi dưỡng tác giả sách, cho các tác giả có cơ hội trải nghiệm để viết được sách chất lượng; kiến nghị tăng phần thưởng trao giải để khuyến khích những cá nhân, tập thể làm sách. - ông Hoàng Phong Hà nêu ý kiến.

Phúc Hằng (TTXVN)