Đại lễ Phật đản Liên hợp quốc - VESAK 2019 sẽ diễn ra từ ngày 12 - 14/5 tại Trung tâm văn hóa Phật giáo Tam Chúc, huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam với chủ đề “Cách tiếp cận của Phật giáo về sự lãnh đạo toàn cầu và trách nhiệm cùng chia sẻ vì xã hội bền vững”.
Đây là thông tin được Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam thông báo đến các cơ quan thông tấn, báo chí vào chiều 18/4 tại Hà Nội.
Sau 2 lần đăng cai và tổ chức thành công Đại lễ Phật đản Liên hợp quốc VESAK năm 2008 và 2014 tại Hà Nội và Ninh Bình, Việt Nam đã để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng bạn bè thế giới về hình ảnh đất nước, con người, văn hóa và đời sống tôn giáo.
Theo Hòa thượng Thích Gia Quang, Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Phó Chủ tịch Ủy ban Tổ chức quốc tế Đại lễ Phật đản VESAK 2019, đây không chỉ là hoạt động đối ngoại của Phật giáo Việt Nam mà còn là sự kiện văn hóa tôn giáo quốc tế của Liên hợp quốc.
Thượng tọa Thích Đức Thiện, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Ủy ban Tổ chức quốc tế Đại lễ Phật đản VESAK 2019 cho biết: Đến nay, tất cả các khâu chuẩn bị cho Đại lễ Phật đản VESAK 2019 cơ bản đã sẵn sàng.
Sẽ có hơn 500 phái đoàn quốc tế và cá nhân, 1.500 đại biểu từ 105 nước và vùng lãnh thổ, gồm: Tăng vương, Tăng thống, chủ tịch và lãnh đạo các giáo hội, hệ phái Phật giáo, các giáo sư, tiến sĩ, nhà nghiên cứu, nhân sĩ trí thức học giả Phật giáo tham gia. Số lượng đại biểu trong nước sẽ có từ 15.000 - 20.000 người, đại diện các Hội Phật tử Việt Nam ở nước ngoài, Phật tử Việt kiều tiêu biểu; lãnh đạo các tôn giáo bạn và đồng bào phật tử, nhân dân cả nước cũng sẽ tham dự đại lễ.
Nội dung chủ đạo xuyên suốt VESAK Liên hợp quốc 2019 sẽ có các diễn đàn gồm: Sự lãnh đạo có trách nhiệm vì xã hội bền vững, cách tiếp cận của Phật giáo về gia đình hòa hợp, cách tiếp cận của Phật giáo về giáo dục, Phật giáo và cách mạng công nghiệp 4.0, cách tiếp cận của Phật giáo về tiêu thụ có trách nhiệm.
Trong những ngày diễn ra đại lễ còn có các hoạt động văn hóa tâm linh diễn ra tại khu vực chùa Tam Chúc (Điện Tam Thế, Điện Thích Ca, Điện Quan Âm, Quảng trường Tam Quan) gồm: Lễ tắm Phật truyền thống. Đàn lễ cầu nguyện âm siêu dương thái, quốc thái dân an, đất nước hội nhập phát triển theo nghi lễ ba miền Bắc, Trung, Nam. Đêm hoa đăng cầu nguyện hòa bình thế giới. Các triển lãm ảnh chùa di sản thế giới và Việt Nam, triển lãm cổ vật Phật giáo tại Điện Tam Thế và Tòa Hội thảo quốc tế. Đêm giao lưu nghệ thuật Phật giáo quốc tế, dự kiến phát sóng trực tiếp trên VTV vào lúc 20 giờ ngày 12/5.
Theo Ban Tổ chức, để bảo đảm an toàn cho du khách và các Phật tử trong và ngoài nước, các đoàn khách quốc tế về tham dự đại lễ, các khách sạn, các tour du lịch văn hóa lịch sử và tình nguyện viên đã sẵn sàng. Công tác đảm bảo an ninh, hậu cần, thông tin truyền thông cũng được chuẩn bị chu đáo, an toàn và sẵn sàng phục vụ.
Đại lễ Phật đản Liên hợp quốc - VESAK 2019 mang ý nghĩa khẳng định nỗ lực và thành tựu của Việt Nam về bảo đảo quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo; thúc đẩy giao lưu, hợp tác quốc tế về tôn giáo; khẳng định vai trò một thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế và sự ủng hộ của Việt Nam đối với nỗ lực của Liên hợp quốc trong thúc đẩy hòa bình, hòa hợp giữa các tôn giáo và các nền văn hóa; thể hiện trách nhiệm của Việt Nam đối với Liên hợp quốc.
Đại lễ cũng sẽ giới thiệu hình ảnh đất nước, con người Việt Nam, văn hóa truyền thống và lịch sử, văn hóa Phật giáo Việt Nam với các đại biểu quốc tế tham dự. Phát triển tiềm năng du lịch tâm linh góp phần vào sự phát triển hợp tác toàn diện của Việt Nam với thế giới.