08:14 19/08/2012

Khẩn trương khắc phục hậu quả bão số 5

Sáng 19/8, Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo Phòng chống lụt bão Trung ương và Văn phòng Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm Cứu nạn cho biết: Tính đến 8h sáng nay đã có thêm 4 người chết ở Bắc Giang và Thái Nguyên, nâng tổng số người chết trong đợt bão số 4 lên 14 người.

Sáng 19/8, Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo Phòng chống lụt bão Trung ương và Văn phòng Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm Cứu nạn cho biết: Tính đến 8h sáng nay đã có thêm 4 người chết ở Bắc Giang và Thái Nguyên, nâng tổng số người chết trong đợt bão số 4 lên 14 người.

Ngày hôm qua (18/8), do ảnh hưởng của bão số 5 và hoàn lưu vùng áp thấp ở các tỉnh Bắc Bộ có mưa vừa, mưa to đến rất to gây dông lốc, sạt lở đất và lũ ống tiếp tục gây hậu quả về người và tài sản.

Cây đổ tại ngã tư Phan Bội Châu - Lý Thường Kiệt. Ảnh: Trọng Đạt-TTXVN



Bão, gió lốc và mưa lớn đã làm đổ sập 166 căn nhà; hơn 11.500 nhà bị tốc mái, hư hại, trong đó Yên Bái thiệt hại nặng nhất với gần 6.800 căn nhà bị hư hại; trên 20.500 ha lúa và 2.328,7 ha hoa màu bị ngập; diện tích nuôi trồng thủy sản bị ngập là 1.346 ha; đường quốc lộ, tỉnh lộ bị sạt lở với khối lượng 900 m3 (Phú Thọ: 200 m3; Lào Cai: 400 m3; Hà Giang: 300 m3).

Văn phòng UBQG Tìm kiếm Cứu nạn tiếp tục yêu cầu Trung tâm TKCN Hàng hải Việt Nam phát thông báo hàng hải, đề nghị đối tác Trung Quốc hỗ trợ TKCN, tính toán lại phương án tìm kiếm cứu nạn, tàu SAR 273 sau khi tiếp nhiên liệu xong sẵn sàng quay trở lại tìm kiếm; Bộ đội Biên phòng chỉ đạo Biên phòng các tỉnh huy động các tàu cá đang hoạt động gần khu vực tham gia cứu nạn tàu QB 92760/06LĐ; Quân chủng Hải quân, Cục Cảnh sát biển sẵn sàng lực lượng phương tiện đi cứu nạn khi có lệnh.

Do ảnh hưởng của mưa bão số 5 đã gây ra một số sự cố đê điều. Cụ thể là tại Bắc Giang, mưa bão đã tiếp tục làm sạt lở bãi sông khu vực đê tả Thương (trước đó đã bị sạt lở từ ngày 8/8/2012 với phạm vi 90m). Sạt lở phát sinh kéo dài thêm 20m về phía thượng lưu, sạt sâu thêm vào bãi 2,5m, đỉnh cung sạt điểm gần nhất cách chân đê 5m.

Tại Nam Định, mưa bão đã tiếp tục gây sạt lở kè Quy Phú đê hữu Hồng, huyện Nam Trực bị sạt lở. Trước đây đã bị sạt lở với chiều dài khoảng130m, nay mở rộng thêm thành 180m.

Tại Hà Nội mưa lớn đã gây sạt lở mái thượng lưu đê tả Cà Lồ đoạn K5+500-K5+550, dài 50m. Đây là đoạn đê được tu bổ từ năm 2010 nhưng chưa nghiệm thu, bàn giao.

Ngay trong ngày 18/8, Văn phòng Ban Chỉ đạo PCLBTW đã cử các Đoàn công tác đến kiểm tra hiện trường các vị trí đê xảy ra sự cố để cùng địa phương có giải pháp xử lý phù hợp. Hiện các địa phương đang khẩn trương triển khai phương án hộ đê - đảm bảo an toàn cho đê và khu vực.

* Sáng 19/8, ông Trần Văn Thao, Phó phòng NN-PTNT huyện Hạ Hòa (Phú Thọ) cho biết: Do ảnh hưởng của cơn bão số 5, đêm 18 rạng sáng ngày 19/8 trên địa bàn huyện đã có mưa to, rất to kèm theo gió lốc đã làm sạt lở đất, vùi lấp làm chết bà Bùi Thị Loan, 70 tuổi, ở khu 8, xã Lệnh Khanh.

Tại xã Minh Hạc, sạt lở đất đã làm đổ tường nhà, khiến bà Đặng Thị Xuyên, 83 tuổi, ở khu 4 bị chết tại chỗ.

Ngay sau khi sự việc diễn ra, chính quyền và các lực lượng thường trực phòng chống lụt bão huyện, xã đã khẩn trương tiến hành công tác cứu hộ, đồng thời tổ chức động viên, thăm hỏi thân nhân gia đình có người bị nạn.

Theo thống kê chưa đầy đủ của Ban chỉ huy PCLB tỉnh Phú Thọ, đến 10h ngày 19/8, mưa, bão lốc cũng đã làm 57 nhà bị đổ xập, 200 ngôi nhà bị tốc mái; hơn 1.100ha lúa, hoa màu bị ngập úng; 72 ha diện tích thủy sản bị tràn vở; 1.890m kênh mương, đường giao thông bị sạt lở. Ngoài ra, mưa lốc còn làm đổ gãy 39 cột điện hạ thế; gần 1.000 cây công nghiệp, cây ăn quả bị đổ, gãy; 1.275m tường rào bị đổ.


Thanh Tuấn, Vũ Bắc