06:09 27/06/2011

Khẩn trương khắc phục hậu quả bão lũ

Theo thống kê của Văn phòng Ban Chỉ đạo Phòng chống lụt bão Trung ương, cơn bão số 2 vừa qua đã gây thiệt hại đáng kể về người và tài sản, mùa màng. Các địa phương nơi bão lũ đi qua đang khẩn trương khắc phục mọi hậu quả, ổn định đời sống của người dân.

Theo thống kê của Văn phòng Ban Chỉ đạo Phòng chống lụt bão Trung ương, cơn bão số 2 vừa qua đã gây thiệt hại đáng kể về người và tài sản, mùa màng. Các địa phương nơi bão lũ đi qua đang khẩn trương khắc phục mọi hậu quả, ổn định đời sống của người dân.

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương, bão số 2 đã gây một đợt mưa lớn kéo dài 3 ngày ở Bắc bộ và Bắc Trung bộ với lượng mưa phổ biến từ 100-250 mm, riêng một số nơi ở Nghệ An trên 300 mm như: Quỳnh Lưu: 325 mm, Quỳ Châu: 372 mm, Quỳ Hợp: 344 mm, Tây Hiếu: 552 mm…

Mưa đã gây một đợt lũ lớn và đặc biệt lớn trên các sông suối ở hai tỉnh Thanh Hóa và Nghệ An. Đến sáng 26/6, mưa ở các địa phương đã chấm dứt hoặc giảm đáng kể, mực nước các sông đã xuống. Riêng mực nước trung và hạ nguồn sông Cả còn đang lên nhanh và dự báo sẽ lên đỉnh vào trưa ngày 27/6 với mực nước đỉnh tại Nam Đàn khoảng 5,9 m, trên báo động I khoảng 0,5 m. Bão số 2 đã gây ra thiệt hại khá lớn về người và của.

Về người: 18 người chết, trong đó Hải Phòng: 7, Nam Định và Thanh Hóa mỗi tỉnh 4; Nghệ An và Yên Bái mỗi tỉnh 1. Phần lớn số người chết do sét đánh khi đi làm đồng và do lốc xoáy. 4 người mất tích, trong đó 3 người bị lũ cuốn trôi ở Yên Bái và 1 người ở Nghệ An do chìm tàu. 63 người bị thương, phần lớn do lốc xoáy ở Hải Phòng và sét đánh ở Thái Bình và Nghệ An.

Phần đường quốc lộ 7 bị nước lũ đánh sập, ăn sâu vào lòng từ 1-3m. Ảnh: dan tri.com.vn


Về tài sản: 88 nhà bị đổ và lũ cuốn, trong đó Hải Phòng có 28 nhà bị đổ sập do lốc xoáy, Nghệ An có 37 nhà dân và 23 phòng học bị đổ hoặc lũ cuốn. Gần 2.000 nhà và phòng học bị tốc mái, ngập tập trung ở Hải Phòng: 890, Nghệ An: 1.050, Thanh Hóa: 70…

Về mùa màng: Diện tích lúa bị ngập úng, đổ: 10.150 ha, tập trung ở các tỉnh: Ninh Bình: 1.200 ha, Thái Bình: 600 ha, Thanh Hóa: 2.030 ha, Nghệ An: 3.535 ha. Hoa màu bị ngập, dập nát: 4.070 ha, tập trung ở các tỉnh: Thái Bình: 1.150 ha, Thanh Hóa: 1.100 ha, Nghệ An: 1.220 ha. Diện tích mạ bị trôi: 2.315 ha, tập trung ở các địa phương: Phú Thọ: 926 ha, Ninh Bình: 28 ha, Thái Bình: 1.340 ha, Nghệ An: 21 ha.

Diện tích nuôi trồng thủy sản bị tràn: 165 ha, tập trung chủ yếu ở Thanh Hóa.

Sạt lở đê điều: ở Nam Định đê biển tại Cồn Xanh, Nghĩa Hưng sạt lở khoảng 3.000 m3; ở Thanh Hóa 1.700 m đê sông, đê bao bị tràn và sạt lở.

Giao thông bị gián đoạn: Nhiều tuyến đường quốc lộ, tỉnh lộ thuộc các huyện vùng cao Thanh Hóa và Nghệ An bị ngập cục bộ từ 0,5 đến 2 m, đất đá sạt lở gây ách tắc giao thông nghiêm trọng.

Sáng 26/6, ông Nguyễn Văn Ngữ, Chủ tịch UBND xã Ngư Lộc, huyện Hậu Lộc (Thanh Hóa) cho biết: Khoảng 4 giờ sáng 26/6, gia đình và chính quyền địa phương đã liên lạc được với chiếc tàu cá mang số hiệu TH 90526TS, công suất 170CV của gia đình ông Nguyễn Văn Hạnh (thôn Chiến Thắng, xã Ngư Lộc) bị mất liên lạc từ ngày 23/6. Được biết, sau 4 ngày vật lộn với sóng gió của cơn bão số 2, 10 ngư dân trên tàu vẫn an toàn. Hiện tàu cá này đang nằm ở vùng biển cách thị xã Sầm Sơn 60 hải lý về phía Đông và đang trên đường trở về đất liền. Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão tỉnh Thanh Hóa đã cử một đoàn công tác xuống địa phương nắm bắt tình hình và có phương án kịp thời hỗ trợ cho tàu cá của ông Nguyễn Văn Hạnh vào bờ an toàn. Trước đó, ngày 23/6, khi đang trên đường vào đất liền tránh bão, tàu cá này bị sóng gió đánh dạt ra khơi, các thiết bị liên lạc bị hư hỏng nên không thể liên lạc được với đất liền.

Trong 2 ngày qua, tại nhiều huyện miền núi Nghệ An đã xuất hiện lũ quét bất ngờ, với cường độ lớn, tuy không gây thiệt hại về người, nhưng đã gây thiệt hại khá lớn về tài sản, trong đó có hạ tầng giao thông, trường học, nhà dân, cây nông nghiệp... Hàng năm, tại các huyện miền núi trong tỉnh Nghệ An luôn xảy ra lũ quét, sạt lở đất đá, cuốn trôi nhà dân; tuy nhiên, đợt lũ quét này lại xảy ra đúng vào mùa hè. Đây đang là bài học cho các địa phương trong việc chuẩn bị sẵn các phương án đối phó với tình huống bất thường của thời tiết trong mùa hè.

Đến 19 giờ ngày 26/6, bão số 2 đã làm cho Nghệ An thiệt hại trên 996 tỷ đồng.

Tại Nghệ An, bão số 2 cộng với mưa lớn ở thượng nguồn đã gây ra lũ ống, lũ quét và ngập sâu ở các huyện vùng cao Kỳ Sơn, Tương Dương, Con Cuông, Quế Phong, Quỳ Châu, Quỳ Hợp, Nghĩa Đàn, Tân Kỳ và các huyện ở khu vực phía bắc tỉnh. Đến 19 giờ ngày 26/6, quốc lộ 7 vẫn ách tắc từ km 180 lên huyện Kỳ Sơn; quốc lộ 48C ách tắc tại xã Yên Hòa (huyện Tương Dương); các đường tỉnh lộ 598A, 543 và các tuyến đường nội huyện ở Kỳ Sơn, Tương Dương, Quỳ Châu vẫn ách tắc nhiều đoạn. Trong ngày 26/6, Sở Giao thông Vận tải Nghệ An phối hợp với các ngành, địa phương liên quan đã huy động lực lượng, phương tiện, khẩn trương triển khai các biện pháp nhằm sớm khôi phục lại giao thông tại các điểm đang bị ách tắc. Tuy nhiên, hiện nay việc khắc phục để thông đường đang gặp rất nhiều khó khăn do điểm sạt lở nằm ngay bên mé sông, gần núi, với vùng sạt lở rộng lớn, nước chảy xiết.

Tại Nghệ An, đến chiều tối 26/6, hiện mực nước lũ thượng nguồn sông Cả đang rút, hạ nguồn sông Cả tiếp tục lên. Chiều 26/6, tỉnh Nghệ An cử 2 đoàn đi kiểm tra, chỉ đạo công tác khắc phục hậu quả mưa lũ tại các huyện miền núi. Ngành giao thông Nghệ An triển khai các phương án nhằm đảm bảo an toàn tại các vị trí hiện đang bị ngập lụt và chủ động phân luồng đảm bảo giao thông, an ninh trật tự khu vực bị ngập lụt.

BMT-TTN