09:11 30/09/2011

Khẩn trương đối phó với cơn bão số 5

Hiện nay, các tỉnh Hải Phòng, Phú Thọ, Thái Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Ninh, Hà Nội, Ninh Bình, Hà Tĩnh, Lạng Sơn, Tuyên Quang, đang nỗ lực triển khai các hoạt động ứng phó với bão số 5.

 

Sáng 30/9, Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo Phòng chống lụt bão Trung ương cho biết: Tại tỉnh Quảng Ninh, các tàu thuyền đã vào nơi trú ẩn an toàn, tàu du lịch đã cấm biển từ 6 giờ ngày 29/9 và đã được di dời vào nơi trú tránh; lồng bè nuôi trồng thủy sản đã đưa vào nơi neo đậu. Đối với nhân dân ở các vùng nguy hiểm, tỉnh đã có phương án sẵn sàng di dời và hiện đang theo dõi chặt chẽ để di dời khi cần thiết. Người già và trẻ em trên các lồng bè, làng chài đã được đưa vào đất liền song vẫn còn người ở lại. Vì vậy, Đoàn công tác đã đề nghị tỉnh di dân triệt để tới nơi an toàn. Tỉnh Quảng Ninh cũng đã quyết định cho học sinh nghỉ học ngày 30/9. Đối với các khu vực có nguy cơ sạt lở, khu vực hầm lò, tỉnh chỉ đạo kiểm tra, rà soát và triển khai các biện pháp đối phó. Trong ngày 29/9, UBND tỉnh đã họp trực tuyến với UBND các huyện để chỉ đạo đối phó với bão; Ban Chỉ huy PCLB&TKCN tỉnh đã cử các đoàn công tác xuống các địa phương chỉ đạo tại các huyện Vân Đồn, thị xã Cẩm Phả.


Tại Hải Phòng, tính đến 22 giờ ngày 29/9, tất cả các tàu thuyền vào nơi trú tránh an toàn. Thành phố đã quyết định cho học sinh nghỉ học ngày 30/9. Tại Thái Bình, tàu thuyền đã vào nơi trú tránh an toàn, chỉ còn có 2 chiếc nằm ở cảng cá nhưng ở khu vực nguy hiểm, Đoàn công tác đã chỉ đạo trong sáng 30/9 phải đưa vào nơi an toàn phải hoàn thành công tác di dời dân trước 9 giờ ngày 29/9.

Bộ Tham mưu - Bộ đội Biên phòng cho biết, đến 6 giờ ngày 30/9 đã thông báo kêu gọi được 39.917 tàu, thuyền với 179.679 lao động và 3.006 lồng bè, lều chòi nuôi trồng thủy sản với 5.694 người. Hoạt động, neo đậu tại Vịnh Bắc Bộ (tàu các tỉnh từ Quảng Ninh đến Quảng Bình) là 28.866 tàu, thuyền với 111.557 người; hoạt động ven bờ, vùng biển khác và neo đậu tại các bến là 11.051 tàu, thuyền với 68.122 lao động. Về tình hình tàu Đức Minh 18 bị tai nạn, lực lượng cứu hộ cứu nạn của BĐBP Thanh Hóa đã tiếp cận được tầu nhưng do nước cạn nên không kéo tầu ra khỏi vị trí bị mắc cạn. Lực lượng cứu hộ đã giúp đỡ tầu Đức Minh 18 neo đậu tầu tại vị trí bị nạn và đưa 39 thuyền viên vào bờ an toàn lúc 3 giờ ngày 30/9.

Các tỉnh Hải Phòng, Phú Thọ, Thái Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Ninh, Hà Nội, Ninh Bình, Hà Tĩnh, Lạng Sơn, Tuyên Quang đã có công điện chỉ đạo các cấp, ngành tại địa phương triển khai các hoạt động ứng phó với bão số 5. Các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Ninh Bình, Hà Nội tích cực chỉ đạo việc thu hoạch lúa hè thu, lúa mùa theo phương châm “xanh nhà hơn già đồng”. Tỉnh Thanh Hóa cho học sinh các trường PTTH trên địa bàn tỉnh nghỉ học 2 ngày để giúp gia đình thu hoạch lúa.


* Tính đến thời điểm này, lũ ở đồng bằng sông Cửu Long đã làm 8 người chết, trong đó, tỉnh An Giang có 4 người chết, Đồng Tháp có 1 người , Long An có 2 trẻ em tử vong và 1 người chết đuối tại huyện Cờ Đỏ, thành phố Cần Thơ.

An Giang là tỉnh bị thiệt hại nặng nhất do mưa lũ với gần 3.500 nhà dân bị ngập và hiện còn trên 100 hộ dân cần phải di dời khỏi nơi nguy hiểm; khoảng 3.500 ha lúa vụ 3 bị ngập và có khoảng 66.000 ha đang bị uy hiếp; gần 100 km đường giao thông bị ngập; thủy sản bị thiệt hại khoảng 10 tấn cá thịt và 1,8 triệu cá giống. Tỉnh Đồng Tháp cũng có 700 ha lúa vụ 3 bị ngập, 24 ha đang bị uy hiếp, giao thông tại tỉnh lộ 848 bị ách tắc, gần 70 km đường giao thông nông thôn bị ngập. Thành phố Cần Thơ cũng có 324 nhà và gần 60 km đường giao thông nông thôn bị ngập.

Lưu Thanh Tuấn