02:23 20/02/2012

Khẩn trương dập dịch cúm gia cầm

Trước tình hình dịch cúm gia cầm diễn biến phức tạp, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT kiêm Trưởng ban chỉ đạo Chương trình Quốc gia phòng chống cúm gia cầm Cao Đức Phát nhấn mạnh, cần phải gia tăng nỗ lực để nhanh chóng khống chế dịch, trước hết vì sức khỏe của nhân dân.

Trước tình hình dịch cúm gia cầm diễn biến phức tạp, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT kiêm Trưởng ban chỉ đạo Chương trình Quốc gia phòng chống cúm gia cầm Cao Đức Phát nhấn mạnh, cần phải gia tăng nỗ lực để nhanh chóng khống chế dịch, trước hết vì sức khỏe của nhân dân.

Tiêm phòng vắc xin cho đàn gia cầm ở huyện Cam Lộ (Quảng Trị). Ảnh: Hồ Cầu-TTXVN


Theo ông Phát, nếu để virút cúm gia cầm phát tán rộng, không chỉ gây thiệt hại cho ngành chăn nuôi mà đe dọa sức khỏe của cả cộng đồng.

Số liệu thực tế cho thấy từ năm 2003 – 2011 cả nước có 121 trường hợp mắc cúm gia cầm, trong đó có 61 người tử vong, chiếm trên 50%. Tuy nhiên, từ đầu năm 2012 đến nay cả nước có 2 trường hợp nhiễm cúm và đều đã tử vong. Như vậy, độc lực của virút cúm đã cao hơn rất nhiều.

Do vậy, Bộ trưởng yêu cầu Cục Thú y, các đơn vị liên quan và địa phương cần huy động mọi biện pháp để xử lý và chống dịch hiệu quả hơn. Trong đó, cần thay thế vắcxin ở những vùng không còn hiệu quả.

Giải đáp những thắc mắc của dư luận về vắcxin, Cục Thú y khẳng định, việc ngừng tiêm vắcxin H5N1 tại các tỉnh phía Bắc từ tháng 6/2011 không phải là nguyên nhân gây bùng phát dịch cúm gia cầm. Bởi, mặc dù vẫn nằm trong chương trình quốc gia về tiêm phòng nhưng kết quả so sánh 3 năm (2009 – 2011), số xã có dịch cúm gia cầm ở đồng bằng sông Cửu Long vẫn nhiều hơn ở đồng bằng sông Hồng.

Theo Cục Thú y, chủng virút cúm gia cầm ở các tỉnh phía Bắc (clade 2.3.2) đã phân thành hai nhánh 2.3.3A và 2.3.2B. Trong đó, thử nghiệm với vắcxin H5N1 Re - 5 hiện hành, hiệu quả bảo hộ với nhánh A tối đa là 70% trong phòng thí nghiệm, còn ngoài thực địa là 40 – 50%, nhánh B không được bảo hộ.

Cục trưởng Cục Thú y Hoàng Văn Năm cho biết, virút cúm gia cầm H5N1 đã phát tán rộng trên toàn quốc, nếu nơi nào quản lý dịch bệnh không tốt, gặp điều kiện thích hợp sẽ dễ bùng phát thành dịch.

Để có vắcxin cúm gia cầm tiêm phòng cho các tỉnh phía Nam và bao vây ổ dịch tại các tỉnh phía Bắc, Bộ NN&PTNT vừa có văn bản đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép nhập 100 triệu liều vắcxin H5N1 Re - 5. Trước mắt, giao cho Cục Thú y mua 50 triệu liều vắcxin H5N1 Re - 5 do Công ty TNHH Một thành viên Thuốc thú y Trung ương (Navetco) cung ứng theo hình thức mua sắm trực tiếp theo kết quả đấu thầu. Tổng số tiền là 13 tỷ đồng, đơn giá 260 đồng/liều.

Ngày 18/2, dịch cúm gia cầm tiếp tục bùng phát tại xã Sông Khoai, thị xã Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh làm 300 gia cầm ốm, chết. Như vậy, cả nước đã có 12 tỉnh nhiễm cúm gia cầm, trong đó có tỉnh Kiên Giang đã qua 21 ngày, còn lại 11 tỉnh có dịch chưa qua 21 ngày. Tổng số gia cầm bị nhiễm bệnh và buộc phải tiêu hủy là hơn 34.000 con.

Ông Hoàng Kim Giao, Cục trưởng Cục Chăn nuôi cho biết, mật độ tái đàn gia súc, gia cầm đang tăng nhanh. Do vậy, cần tăng cường giám sát để việc mua bán, giết mổ gia cầm theo đúng tinh thần chỉ đạo, quy định của Bộ NN&PTNT.

Theo ông Giao, số gia súc, gia cầm trong thời kỳ giết thịt rất lớn, nếu không giám sát chặt thì sẽ là nguồn lây lan dịch bệnh. Thời điểm này, dịch tai xanh cũng đã xuất hiện, dịch lở mồm long móng cũng có thể tái phát. Vì vậy, cần giám sát chặt chẽ trên cơ sở lấy mẫu cả ở đàn gia súc, gia cầm khỏe mạnh.

Hữu Vinh