07:08 24/07/2012

Khai thác khoáng sản ở Đồng Nai thách thức pháp luật

Hàng đêm, trên sông Đồng Nai “cát tặc” sử dụng máy hút cát với công suất lớn. Khi bị phát hiện, chúng sẵn sàng chống trả người thi hành công vụ hoặc đánh chìm ghe, thuyền xuống dòng sông để tẩu thoát.

Tình trạng khai thác cát trái phép trên sông Đồng Nai diễn biến hết sức phức tạp trong thời gian qua, với mức độ ngày càng tinh vi, thách thức lực lượng bảo vệ pháp luật. Hậu quả của việc khai thác cát trái phép đã gây sạt lở một số đoạn thuộc sông Đồng Nai, sông La Ngà.

 

Hàng đêm, trên sông Đồng Nai “cát tặc” sử dụng máy hút cát với công suất lớn. Khi bị phát hiện, chúng sẵn sàng chống trả người thi hành công vụ hoặc đánh chìm ghe, thuyền xuống dòng sông để tẩu thoát. Riêng trên các đoạn sông ở thành phố Biên Hòa, "cát tặc" hoành hành cả ngày lẫn đêm. Khu vực các đối tượng chủ yếu bơm hút cát trái phép là tại các đoạn ở các phường, xã thuộc địa bàn TP Biên Hòa.


Trong khai thác đá, hầu hết ở các mỏ có công nghệ khai thác, chế biến lạc hậu gây nhiều tiếng ồn, bụi trong quá trình nghiền, sàng và vận chuyển, gây ô nhiễm môi trường và các hộ dân cư dọc tuyến đường. Ông Lê Viết Hưng, Giám đốc Sở Tài Nguyên và Môi trường (TN&MT) Đồng Nai, cho biết, qua kết quả thanh kiểm tra định kỳ hàng năm cho thấy, vi phạm phổ biến trong lĩnh vực khai thác khoáng sản tập trung vào khai thác vượt độ sâu, khai thác ngoài khu vực được cấp phép, thực hiện chưa đầy đủ nội dung cải tạo phục hồi môi trường và chưa lập đề án đóng cửa mỏ theo đúng quy định.


 

Phương tiện khai thác cát trái phép trên sông Đồng Nai bị cơ quan chức năng thu giữ. Nguồn: Giaothongvantai.com.vn

 

Thời gian qua, Thanh tra sở TN&MT Đồng Nai đã tiến hành thanh, kiểm tra và xử lý vi phạm 70 trường hợp, với tổng số tiền nộp phạt gần 700 triệu đồng; truy thu hơn 5 tỷ đồng đối với 4 trường hợp vi phạm khai thác vượt độ sâu, khai thác ra ngoài khu vực được cấp phép…


Đáng kể là theo quy định, sau khi hết hạn khai thác, doanh nghiệp phải lập phương án cải tạo, phục hồi môi trường bằng cách làm hàng rào, trồng cây xanh và san gạt đáy hố đá để tạo thành hồ chứa nước. Song, các mỏ đá ở khu vực Hóa An giờ đây vẫn là... mỏ đá với những hồ sâu thẳm.


Về chất lượng môi trường nước mặt, nước ngầm, môi trường không khí tại các mỏ, theo Sở TN&MT, hiện tại mạng lưới quan trắc môi trường chỉ mới bố trí được một vài điểm quan trắc để theo dõi các khu vực này. Trong đó, chất lượng môi trường không khí bên ngoài cụm mỏ đá Hóa An, cụm mỏ Thiện Tân có chỉ số bụi chưa đạt tiêu chuẩn cho phép (8,3% mẫu quan trắc vượt từ 1,2 - 1,6 lần).


Nhiều hộ dân sống ở ấp Cầu Hang, gần mỏ đá Hóa An thuộc xã Hóa An (TP Biên Hòa) cho biết thường xuyên phải gánh chịu cảnh ồn ào, bụi mù mịt do máy nghiền đá và xe chở đá, các thành viên trong gia đình cũng thường xuyên bị bệnh về đường hô hấp. Nhiều người dân ở xã Thiện Tân (huyện Vĩnh Cửu) cho hay, khai thác mỏ đá ở đây người dân chẳng được hưởng lợi gì mà còn phải chịu cảnh đường sá xuống cấp, bụi bặm, xe ra vào mỏ chạy ào ào rất nguy hiểm.


Để tăng cường công tác quản lý khoáng sản và chấn chỉnh hoạt động khoáng sản trên địa bàn, Chủ tịch UBND tỉnh vừa có văn bản chỉ đạo: Giám đốc Sở Tài nguyên Môi trường, Công Thương, Xây dựng, Công an tỉnh và các cơ quan chức năng, căn cứ nhiệm vụ được giao theo Quyết định số 30/2010/QĐ-UBND ngày 21/5/2010 về quy định trách nhiệm quản lý tài nguyên khoáng sản trên địa bàn. Tăng cường sự phối hợp trong công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động khoáng sản, xử lý nghiêm, kiên quyết theo đúng quy định của pháp luật đối với hoạt động khoáng sản không phép trên địa bàn. Yêu cầu Chủ tịch UBND các huyện, thị xã Long Khánh, TP Biên Hòa chỉ đạo các địa phương cấp phường, xã thực hiện nghiêm quy định về trách nhiệm trong công tác quản lý hoạt động khoáng sản.

Tăng cường công tác giám sát việc khai thác tài nguyên khoáng sản tại địa phương mình. Chịu trách nhiệm kiểm tra các quy định về bảo vệ trật tự công cộng, về quản lý nhân khẩu của các tổ chức, cá nhân hoạt động khai thác tài nguyên khoáng sản trên địa bàn. Tổ chức lực lượng, chủ động trong công tác kiểm tra, ngăn chặn và kiên quyết xử lý nghiêm, theo đúng quy định của pháp luật đối với hoạt động khoáng sản không phép, không đúng phương án được cấp có thẩm quyền phê duyệt tại địa phương mình quản lý.

 

Lê Hiền