06:05 16/06/2014

Khai thác cá ngừ đại dương theo chuỗi

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang dần hoàn thiện dự thảo đề án Tổ chức khai thác, thu mua, chế biến, tiêu thụ cá ngừ theo chuỗi.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang dần hoàn thiện dự thảo đề án Tổ chức khai thác, thu mua, chế biến, tiêu thụ cá ngừ theo chuỗi. Việc chọn đối tượng cá ngừ đại dương để tổ chức sản xuất theo chuỗi không chỉ nhằm phát triển hiệu quả và bền vững nghề khai thác này mà còn tạo sự đột phá, làm tiền đề nhân rộng đối với các đối tượng và nghề khai thác hải sản xa bờ khác.

 

Ngư dân Bình Định đưa cá ngừ đại dương lên bờ tại Cảng cá Quy Nhơn.


Năm 2013, xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam đạt hơn 526 triệu USD với 112 thị trường, đứng thứ ba (sau cá tra và tôm) trong số các mặt hàng xuất khẩu thủy sản chính. Tuy được mở rộng thêm 16 thị trường so với năm 2012, nhưng tổng kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này lại sụt giảm hơn 7%. Đặc biệt, ba thị trường lớn là Mỹ, Nhật Bản và ASEAN giảm nhập khẩu cá ngừ Việt Nam.


Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam, hiện các tổ chức quốc tế và các nhà tiêu dùng sản phẩm cá ngừ trên thế giới ngày càng đòi hỏi khắt khe hơn về tiêu chuẩn, nguồn gốc xuất xứ, tính khai thác bền vững của sản phẩm. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng phải cạnh tranh với các quốc đảo như Philippines, Ecuador, Mauritius... với những lợi thế và điều kiện địa lý cũng như năng lực khai thác cá ngừ.


Nhận định về nghề khai thác cá ngừ đại dương, ông Vũ Đình Đáp, Chủ tịch Hiệp hội Cá ngừ Việt Nam cho biết, nghề này vẫn mang tính tự phát, nhỏ lẻ, manh mún; ý thức của người dân về khai thác bền vững vẫn chưa cao. Ngư dân quá tập trung vào sản lượng khai thác, doanh thu mà chưa quan tâm nhiều đến chất lượng cá sau thu hoạch.


Để khai thác, chế biến cá ngừ trở thành ngành sản xuất phát triển tương xứng với tiềm năng, đáp ứng được nhu cầu của thị trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã xây dựng đề án Tổ chức khai thác, thu mua, chế biến, tiêu thụ cá ngừ theo chuỗi.


Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Vũ Văn Tám, ngành khai thác, chế biến cá ngừ sẽ được định hướng phát triển theo hướng công nghiệp, hiện đại, gắn với bảo đảm an ninh quốc phòng và bảo vệ chủ quyền trên biển.


Đề án sẽ được thực hiện tại 3 tỉnh: Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa. Theo đề án, đến năm 2017, toàn bộ tàu câu cá ngừ đại dương và 50% số tàu khai thác bằng nghề lưới vây cá ngừ hoạt động trên biển sẽ được giám sát, quản lý. Tổn thất sau thu hoạch đối với sản phẩm cá ngừ đại dương giảm xuống dưới 10%. Sản phẩm cá ngừ được kiểm soát và truy xuất nguồn gốc.


Bộ sẽ thực hiện mô hình thí điểm khai thác, chế biến cá ngừ theo chuỗi. Hoạt động khai thác cá ngừ được tổ chức lại bằng việc cấp hạn, đóng mở ngư trường khai thác phù hợp theo mùa vụ.


Bên cạnh đó, các mô hình hợp tác xã, tổ ngư dân đoàn kết trong khai thác cá ngừ được xây dựng và nhân rộng. Những công nghệ khai thác và bảo quản sản phẩm tiên tiến để nâng cao chất lượng sản phẩm sẽ được chuyển giao cho các tàu khai thác, tàu dịch vụ thu mua trên biển.


Bên cạnh việc trang bị những loại máy móc, thiết bị hiện đại cho các tàu khai thác cá ngừ, dự án này sẽ đầu tư xây dựng một cảng cá ngừ chuyên dụng (gồm hệ thống kho lạnh, nhà lạnh, chợ đấu giá sản phẩm...) tại cảng cá Quy Nhơn, Bình Định. Ngoài ra, đề án cũng đưa ra một số giải pháp về chính sách hỗ trợ tín dụng thương mại để ngư dân nâng cấp hoặc đóng mới tàu vỏ thép; giảm tổn thất sau thu hoạch thông qua việc hỗ trợ kinh phí đầu tư máy móc, trang thiết bị, hầm bảo quản…


Theo Tiến sĩ Ngô Anh Tuấn, nguyên Vụ trưởng Vụ Tài chính, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, nghề khai thác cá ngừ đại dương phải được xây dựng thành nghề cá công nghiệp. Nội dung quyết định cho công việc này là đào tạo, xây dựng lực lượng lao động đánh cá. Do đó, cần có một dự án đào tạo lao động khai thác ngừ đại dương theo mô hình công nghiệp. Ngư dân sẽ được đào tạo về công nghệ khai thác, bảo quản cá ngừ và các kiến thức về an ninh quốc phòng trên biển, về bảo vệ chủ quyền biển đảo.

 

Bích Hồng