06:10 06/06/2012

Khai quật được “ma cà rồng” ở Bungari

Bạn nghĩ rằng ma cà rồng chỉ là những chuyện huyền bí tưởng tượng và chỉ có trong phim kinh dị? Hãy nghĩ lại sau khi đọc những thông tin dưới đây.

Bạn nghĩ rằng ma cà rồng chỉ là những chuyện huyền bí tưởng tượng và chỉ có trong phim kinh dị? Hãy nghĩ lại sau khi đọc những thông tin dưới đây.

 

Các nhà khảo cổ ở Bungari vừa khai quật được hai bộ xương người từ thời Trung Cổ bị một thanh sắt đâm xuyên qua ngực để ngăn họ trở thành bất tử. Hai bộ xương này là bằng chứng mới nhất trong hàng loạt bằng chứng cho thấy người dân ở khu vực tây và trung Âu thời xưa coi ma cà rồng là có thật.

 

Khu vực phát hiện thấy hai bộ xương "ma cà rồng" ở Bungari. Ảnh: Internet

 

Hai bộ xương trên có tuổi khoảng 800 năm, được phát hiện trong một cuộc khai quật gần tu viện ở thành phố Sozopol ven Biển Đen. Giám đốc Bảo tàng lịch sử quốc gia Bungari, ông Bozhidar Dimitrov, nhận định: “Hai bộ xương bị đâm bằng thanh sắt này cho thấy tập tục này vẫn phổ biến ở một số làng Bungari mãi đến những năm đầu của thế kỷ 20”.

 

Cận cảnh một bộ xương "ma cà rồng". Ảnh: Internet

 

Theo những người ngoại giáo, một người bị coi là xấu trong khi còn sống có thể biến thành ma cà rồng sau khi chết nếu không bị đâm một thanh sắt hoặc thanh gỗ qua ngực trước khi chôn. Người ta tin rằng thanh sắt/gỗ đó sẽ đóng chặt người này dưới mộ để ngăn người này ra khỏi mộ vào ban đêm và làm hại người sống. Trong suốt những năm qua, người ta tìm thấy hơn 100 xác chết bị đâm như vậy trên khắp Bungari. Có một điều đáng lưu ý là Bungari không có một “ma cà rồng” nữ nào.

 

Tuy nhiên, hồi tháng 5, các nhà nghiên cứu Italia đã phát hiện ra xác một nữ “ma cà rồng” ở Venice, được chôn với một viên gạch đặt giữa hàm để ngăn “ma cà rồng” truyền một loại bệnh phổ biến ở Venice trong thế kỷ 16. Theo nhà khảo cổ Matteo Borrini thuộc trường Đại học Florence (Italia), phát hiện này cho thấy người Trung Cổ tin rằng ma cà rồng chính là thủ phạm gieo rắc bệnh dịch. Theo ông Borrini, đây là lần đầu tiên giới khảo cổ thành công trong tái hiện lại nghi lễ khử ma cà rồng.

 

Một viên gạch chặn giữa hàm răng của nữ "ma cà rồng" tại Venice. Ảnh: Internet

 

 Thùy Dương