10:05 15/10/2011

Khai quật công trường khai thác đá cổ Thành nhà Hồ

Nhằm nghiên cứu, đánh giá giá trị, đề xuất phương án bảo vệ, bảo tồn và bổ sung tư liệu phát huy giá trị Di sản văn hóa thế giới Thành nhà Hồ, góp phần phục vụ kế hoạch tổ chức Lễ đón nhận bằng Di sản văn hóa thế giới Thành nhà Hồ (dự kiến diễn ra vào tháng 6/2012)...

Nhằm nghiên cứu, đánh giá giá trị, đề xuất phương án bảo vệ, bảo tồn và bổ sung tư liệu phát huy giá trị Di sản văn hóa thế giới Thành nhà Hồ, góp phần phục vụ kế hoạch tổ chức Lễ đón nhận bằng Di sản văn hóa thế giới Thành nhà Hồ (dự kiến diễn ra vào tháng 6/2012), tỉnh Thanh Hóa vừa quyết định khai quật công trường khai thác đá cổ Thành nhà Hồ thuộc địa phận núi An Tôn, xã Vĩnh Yên, huyện Vĩnh Lộc. Dự án khai quật công trường khai thác đá cổ Thành nhà Hồ sẽ thực hiện trong vòng 3 năm.

Những chứng tích để xây dựng và bảo vệ Thành nhà Hồ được trưng bày phía trước cổng phía Nam. Ảnh: Anh tuấn - ttxvn


Theo đó, Trung tâm Bảo tồn Di sản Thành nhà Hồ sẽ tiến hành khai quật trên diện tích 300 m2, bằng phương pháp thủ công: Đào từng lớp đất dày khoảng 20 cm theo diễn biến của từng lớp văn hóa, từ đó làm rõ vị trí di tích, di vật và thu lượm; đồng thời xử lý bảo quản di tích, di vật theo nguyên trạng, sau đó sẽ hoàn trả mặt bằng. Từ các tư liệu khai quật được sẽ tiếp tục tiến hành chỉnh lý tư liệu, lập hồ sơ khoa học, đề xuất các giải pháp trùng tu, tôn tạo và phát huy giá trị di tích.

Được biết, vào đầu tháng 8/2011, Trung tâm Bảo tồn di sản Thành nhà Hồ và các nhà khảo cổ học đã phát hiện được công trường khai thác đá cổ. Thành nhà Hồ, trong đó đặc biệt là 21 phiến đá lớn ở xung quanh khu vực dãy núi An Tôn, xã Vĩnh Yên, huyện Vĩnh Lộc, cách Di sản văn hóa thế giới Thành nhà Hồ 2 km (theo đường chim bay) về phía tây nam. Các viên đá này được phân bố trên một phạm vi rất rộng, chạy dọc chân và sườn phía đông - nam của dãy Phù Lưu, bắt đầu từ Kênh Nam (kênh tưới tiêu) đến tận đầu làng Phù Lưu, song song với con đường chống bão lụt của làng, với diện tích khoảng 6 ha.

Căn cứ vào các dấu vết bóc tách và chế tác thủ công hiện còn rất rõ trên các mặt của phiến đá, đồng thời qua việc phân tích đối sánh với các phiến đá tại tường Thành nhà Hồ, các nhà nghiên cứu đã đưa ra nhận định: Các phiến đá được phát hiện tại dãy núi An Tôn chính là các phiến đá được nhà Hồ cho khai thác với mục đích xây dựng kinh đô xưa. Phát hiện này đã từng bước tìm ra câu trả lời chính thức cho câu hỏi: Đá xây thành được lấy ở đâu?, mà nhiều năm nay, các nhà nghiên cứu trong và ngoài nước đã kỳ công tìm hiểu.

Việc tỉnh Thanh Hóa bắt tay vào khai quật công trường khai thác đá cổ Thành nhà Hồ sẽ góp phần quan trọng trong công tác quản lý, bảo tồn, nghiên cứu và phát huy giá trị di sản Thành nhà Hồ, đồng thời sẽ là căn cứ khoa học đáng tin cậy bổ sung vào hồ sơ khoa học di sản Thành nhà Hồ báo cáo mở rộng vùng đề cử, như cam kết của Việt Nam đối với UNESCO.

Hoa Mai