11:06 10/11/2011

Khai mạc SEA Games 26: Có thể bạn chưa biết?

Ngọn lửa SEA Games 26 sẽ chính thức bùng cháy tại thành phố Palembang, thủ phủ tỉnh Nam Sumatra (Inđônêxia). Không còn quá xa lạ với người hâm mộ, khi đây là đấu trường quen thuộc của Thể thao Việt Nam (TTVN) trong hơn 3 thập kỷ qua...

Tối 11/11/2011, ngọn lửa SEA Games 26 sẽ chính thức bùng cháy tại thành phố Palembang, thủ phủ tỉnh Nam Sumatra (Inđônêxia). Không còn quá xa lạ với người hâm mộ, khi đây là đấu trường quen thuộc của Thể thao Việt Nam (TTVN) trong hơn 3 thập kỷ qua, nhưng có thể vẫn còn những điều bạn chưa biết về sân chơi thể thao lớn nhất khu vực kỳ này.

Ra đời với cái tên SEAP Games (Đại hội thể thao bán đảo Đông Nam Á) vào năm 1959 với kỳ Đại hội đầu tiên diễn ra ở Băngcốc (Thái Lan), đến nay SEA Games (năm 1977 được đổi tên thành Đại hội Thể thao Đông Nam Á) đã là lần thứ 26 được tổ chức (gián đoạn vào năm 1963 do Campuchia từ chối). Dù là nền thể thao phát triển vào loại hàng đầu của khu vực, nhưng SEA Games 26 mới chỉ là lần thứ 4, Inđônêxia đứng ra đăng cai tổ chức (dẫn đầu vẫn là Thái Lan với 7 lần), nhưng bù lại, mỗi kỳ đại hội diễn ra tại xứ vạn đảo xinh đẹp đều ghi những dấu mốc kỷ lục.

Ngọn lửa SEA Games 26 đã tới Palembang để sẵn sàng cho ngày khai mạc.

Ngoại trừ hai lần đầu tiên là SEA Games 9 năm 1979 và SEA Games 14 năm 1987 khi nhiều quốc gia trong khu vực, kể cả Việt Nam vẫn còn vắng mặt, thì tới SEA Games 19 năm 1997, với tiềm lực của mình Inđônêxia đã tổ chức đại hội có quy mô lớn nhất trong lịch sử với 490 bộ huy chương của 36 môn. Kỷ lục đó, lại được tái lập vào năm 2011 này, khi SEA Games có đến 545 bộ huy chương của 44 môn cùng hơn 6.000 thành viên của đủ 11 quốc gia trong khu vực góp mặt. Thế nhưng những kỷ lục này lại không phản ánh sự phát triển mà trở thành thứ gây tranh cãi về tính hội làng của thể thao Đông Nam Á khi xuất hiện nhiều "món lạ" như: Đánh bài, dù lượn...

Sau Thái Lan (Chiang Mai 1995 và Nakhon Ratchasima 2007), Inđônêxia cũng là quốc gia thứ 2 không còn tổ chức chính SEA Games tại thủ đô mà đưa về Palembang, thủ phủ của tỉnh Sumatra. Theo thống kê ban đầu, kinh phí đầu tư cho công tác tổ chức là 268 triệu USD; Logo chính thức của SEA GAmes 26 là Garuda, cũng là biểu tượng quốc gia của Inđônêxia. Trong đó, phần cơ thể của Garuda đại diện cho sức mạnh, còn những đôi cánh biểu hiện cho vinh quang và sự tráng lệ. Linh vật chính thức là Modo và Modi, một cặp rồng đất Komodo. Khá thú vị, Modo là tên gọi tắt của Komodo, trong khi "Modo-Modi" là phiên âm của từ Muda-Mudi nghĩa là "tuổi trẻ" trong tiếng Inđônêxia (pemuda - nam thanh viên và pemudi - nữ thanh niên). Việc chọn rồng Komodo làm biểu tượng cho SEA Games còn là cách để Inđônêxia tuyên truyền và kêu gọi sự ủng hộ trong việc công nhận Komodo National Park trở thành một trong 7 kỳ quan thế giới.

Giống như Olympic Bắc Kinh 2008, BTC SEA Games 26 đã quyết định chọn ngày 11/11/2011 làm ngày khai mạc đại hội với những con số thời gian trùng lặp "có 1 không 2". Lễ bế mạc diễn ra vào lúc 19 giờ 00 (giờ Việt Nam) tại khu cảng Kuto Besak trên bờ sông Musi của thành phố Palembang, South Sumatra với kịch bản mà theo các nhà tổ chức là mang đậm dấu ấn văn hóa của xứ vạn đảo cũng như khu vực ASEAN. Lễ bế mạc được tổ chức vào tối 22/11 tại SVĐ Gelora Sriwijaya (Palembang). Tại cả hai buổi lễ sẽ đều vang lên bài hát chính thức của SEA Games 26 có tên “Kita Bisa” (“Chúng tôi có thể”) được nam ca sỹ rất nổi tiếng của Inđônêxia, Yovie Widianto sáng tác và thể hiện cùng rất nhiều ca sỹ nổi tiếng khác.

Thể thao Việt Nam: Từ Giacácta 1997 đến Palembang 2011

14 năm và 7 kỳ đại hội, đoàn TTVN lại tới với xứ vạn đảo Inđônêxia và có một chi tiết trùng hợp khá thú vị khi đây đều là những lần, thể thao nước nhà lập kỷ lục về số thành viên tham dự. Tại SEA Games 19 năm 1997 diễn ra ở Giacácta, đoàn TTVN có 540 thành viên, trong đó có 340 VĐV thuộc 29 đội tuyển tham gia tranh tài ở 24/34 môn thi của Đại hội và giành được 35 HCV - 48 HCB - 50 HCĐ để vươn lên xếp thứ 5 trong tổng số 10 quốc gia tham dự. Còn tới SEA Games 26, gồm 857 thành viên, trong đó có 602 VĐV, tranh tài ở 37 môn và 6 phân môn trên tổng số 42 môn của đại hội, đoàn TTVN cũng có số lượng đông đảo nhất cùng quy mô tranh tài lớn nhất trong 12 kỳ đã tham dự với mục tiêu đứngtrong tốp đầu.

Hoàng Hà