09:07 19/09/2014

Khai mạc Hội nghị thường niên Mạng thông tin châu Á

Chiều 18/9, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã tiếp các nhà báo tham dự Hội nghị thường niên Mạng thông tin châu Á được tổ chức tại Hà Nội do báo Vietnam News thuộc Thông tấn xã Việt Nam đăng cai tổ chức.

Chiều 18/9, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã tiếp các nhà báo tham dự Hội nghị thường niên Mạng thông tin châu Á được tổ chức tại Hà Nội do báo Vietnam News thuộc Thông tấn xã Việt Nam đăng cai tổ chức.

 

Thủ tướng và các nhà báo tại buổi tiếp.


Chào mừng các nhà báo đến Hà Nội dự Hội nghị thường niên Mạng thông tin châu Á, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đánh giá cao các nội dung Hội nghị đã trao đổi, đồng thời mong muốn các thành viên Mạng thông tin châu Á thường xuyên hợp tác trao đổi thông tin, chia sẻ kinh nghiệm để mỗi nhà báo làm tốt hơn sứ mạng cao cả của mình là thông tin kịp thời, khách quan, chính xác các sự việc vì mục tiêu chung là hợp tác, hòa bình, hữu nghị và phát triển.


Thay mặt các nhà báo, ông Pana Janviroj - Chủ tịch Mạng thông tin châu Á cho biết, Mạng có 21 thành viên của 19 quốc gia với phương châm luôn phản ánh khách quan về tình hình của các nước, tạo uy tín của độc giả trong khu vực và thế giới. Ông Pana Janviroj đề nghị Thủ tướng cho biết triển vọng phát triển kinh tế của Việt Nam, quan điểm của Việt Nam trong xây dựng Cộng đồng ASEAN, về vấn đề Biển Đông và tự do báo chí ở Việt Nam.


Trả lời các nội dung mà cộng đồng báo chí trong khu vực quan tâm, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết, Việt Nam đang tích cực cùng các thành viên xây dựng Cộng đồng ASEAN; tin tưởng với sự nỗ lực chung, việc xây dựng Cộng đồng sẽ hoàn thành vào cuối năm 2015. Thủ tướng cho biết, việc hoàn thành xây dựng Cộng đồng ASEAN tạo ra thuận lợi nhưng cũng đặt ra không ít khó khăn thách thức cho Việt Nam, nhất là việc nâng cao năng lực cạnh tranh. Do vậy, Việt Nam đang triển khai đồng bộ các giải pháp phát triển nhanh và bền vững, trong đó tập trung cải cách thể chế, huy động các nguồn lực đầu tư phát triển, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực…


Chia sẻ quan điểm của Việt Nam về vấn đề Biển Đông, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông không chỉ là mối quan tâm chung của ASEAN mà của cả khu vực và thế giới. Về Biển Đông, lập trường của ASEAN là rất rõ ràng thể hiện trong Tuyên bố 6 điểm về Biển Đông, trong đó yêu cầu các bên tuân thủ Luật pháp quốc tế, Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982, thực hiện đầy đủ, nghiêm túc Tuyên bố Ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và thương lượng thực chất về Bộ Quy tắc ứng xử (COC).


Trao đổi về quyền tự do báo chí, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu rõ Việt Nam thực hiện quyền con người và quyền công dân đã được cộng đồng quốc tế thừa nhận. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định quyền tự do báo chí là quyền cơ bản của quyền công dân, tự do báo chí là xu thế chung của thế giới. Tuy nhiên tự do báo chí phải theo quy định của luật pháp để bảo đảm tự do của người này, tổ chức này không xâm phạm đến tự do và lợi ích của tổ chức và cá nhân khác. Hiến pháp Việt Nam mới thông qua cũng bảo đảm tự do trên tinh thần đó.

 

* Trước đó, sáng 18/9, Hội nghị Mạng Thông tin châu Á (ANN) đã được khai mạc tại Hà Nội. Phát biểu tại hội nghị, ông Pana Janviroj, Giám đốc điều hành ANN, đồng thời là Tổng Biên tập tờ nhật báo The Nation (Thái Lan), cho biết ANN đã lên kế hoạch nâng cấp website chung của mạng lưới và tìm những phương thức tân tiến nhằm giúp các thành viên dễ dàng chia sẻ hình ảnh và video.


Để có được một thế hệ nhà báo hiện đại có khả năng đảm trách mảng tin khu vực, ANN cũng sẽ lên kế hoạch hợp tác với các cơ sở đào tạo báo chí trong khu vực và phát triển các dự án đa phương tiện nhằm khai thác tận gốc rễ những vấn đề nổi cộm trong khu vực. Theo đó, đến năm 2015, các tờ báo thành viên của mạng lưới sẽ cộng tác chặt chẽ với nhau trong việc đưa tin sâu về những vấn đề trong khu vực bao gồm lao động di cư, sự thành lập của Cộng đồng Kinh tế ASEAN vào năm 2015 sẽ có ảnh hưởng đến các nước thành viên như thế nào, nạn buôn bán người, an toàn thực phẩm hay những dự án hạ tầng lớn ở châu Á.


Tại hội nghị thường niên lần này, các đại điện cũng chia sẻ những thông tin và kinh nghiệm từ tòa soạn báo của mình liên quan đến các giải pháp cho tình trạng sụt giảm số lượng độc giả và thu nhập trong quảng cáo của báo in trong bối cảnh thế hệ trẻ ngày càng có xu hướng quan tâm nhiều hơn đến mạng xã hội và báo chí điện tử.


Ông Asif Ullah Khan, Phó Tổng biên tập tờ Brunei Times, cho biết tờ báo đã áp dụng một số hình thức công nghệ cao để thu hút thêm độc giả cho trang báo điện tử qua những bản tin đa phương tiện bao gồm cả phát thanh và truyền hình bằng ba thứ tiếng Anh, Trung Quốc và Mã Lai đến với bạn đọc. Tờ báo cũng gửi tin nhắn đến độc giả thông báo mỗi khi có tin nóng hổi.


Đại diện của tờ Korea Herald (Hàn Quốc) cho biết tờ báo đã dành một phần nội dung nhất định cho những tin, bài liên quan đến giới âm nhạc và phim ảnh Hàn Quốc nhằm cạnh tranh với các trang thông tin trên mạng xã hội và những cây bút phê bình cá nhân.


TTN