12:10 27/12/2010

Khai mạc Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ VIII

Sáng 27/12, Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ VIII chính thức khai mạc tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia Mỹ Đình (Hà Nội) với 1.500 đại biểu tham dự. Trước giờ khai mạc, các đoàn đại biểu vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh và dâng hương tại Đài tưởng niệm các anh hùng, liệt sỹ.

Sáng 27/12, Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ VIII chính thức khai mạc tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia Mỹ Đình (Hà Nội) với 1.500 đại biểu tham dự. Trước giờ khai mạc, các đoàn đại biểu vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh và dâng hương tại Đài tưởng niệm các anh hùng, liệt sỹ.


Trong cái rét đậm của những ngày cuối năm 2010, Hà Nội - trái tim của cả nước dường như được sưởi ấm bởi những tình cảm nồng nàn, những niềm vui, phấn khởi của 1.500 đại biểu là các Anh hùng, Chiến sỹ thi đua toàn quốc, các điển hình tiên tiến, tiêu biểu xuất sắc trên các lĩnh vực đời sống, xã hội, lần lượt tề tựu về Thủ đô để dự Đại hội thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ VIII.

Mỗi gương mặt đại biểu là một đóa hoa tươi thắm trong vườn hoa người tốt của dân tộc Việt Nam, với những việc làm tuy nhỏ bé nhưng có ý nghĩa lớn đối với sự phát triển của đất nước.

Nỗ lực của “ông vua” tôm giống

Là một đại biểu tham dự Đại hội thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ VIII, ông vua tôm giống Dương Hùng (Dương Văn Hùng, thị trấn Gành Hào, huyện Đông Hải, tỉnh Bạc Liêu) được mọi người biết đến vì những thành công trong lĩnh vực nuôi trồng thủy sản.


Không thể kể hết khó khăn trong những ngày đầu xây dựng và vận hành trại sản xuất tôm giống của mình, ông Hùng cho biết với quyết tâm cao độ trong suốt hơn 8 năm qua, ông đã chèo lái trại sản xuất tôm giống Dương Hùng ở ấp 2, thị trấn Gành Hào, huyện Đông Hải vượt qua mọi khó khăn, hiện đã trở thành một trong bốn doanh nghiệp sản xuất tôm giống lớn nhất tỉnh Bạc Liêu.


Năm 2002, ông đã xây dựng trại sản xuất tôm giống đầu tiên với tổng quy mô 16 hồ/trại. Đến năm 2007, ông Hùng quyết định cho ngưng toàn bộ hoạt động sản xuất của trại để tập trung đầu tư xây mới thêm 24 trại, nâng cấp vệ sinh 30 trại cũ để có đủ các điều kiện thực hiện sản xuất tôm giống theo quy trình sinh học, tôm có chất lượng cao.


Đến năm 2009, quá trình xây dựng và vệ sinh trại hoàn thành, ông Hùng bắt tay vào sản xuất và đã thành công với 1 tỷ tôm post sạch bệnh, giá bán cao (60 - 100 đồng/post), lợi nhuận thu về trên 6 tỷ đồng.

Gương mẫu để vận động bà con

"Chúng tôi, bà con dân tộc thiểu số Chu Ru và các dân tộc thiểu số gốc Tây Nguyên luôn biết ơn Đảng, Nhà nước, biết ơn Bác Hồ đã đem lại cuộc sống cho đồng bào chúng tôi được như ngày hôm nay.


Tại Đại hội này, tôi xin hứa sẽ đoàn kết cùng các dân tộc tiếp tục nỗ lực vươn lên, lập được nhiều kết quả, nhiều thành tích hơn nữa trong phong trào thi đua yêu nước trong thời gian tới" - đó là những lời tâm huyết của ông Ya Loan, 63 tuổi, sinh sống tại thôn Kahót, xã Tu Tra, huyện Đơn Dương, tỉnh Lâm Đồng. Là người con của núi rừng Tây Nguyên, ông hiểu giá trị của rừng và rất yêu quý thiên nhiên.


Ông kể: "Nhà tôi là một trong những hộ của xã đi đầu tham gia nhận khoán quản lý bảo vệ 36 ha rừng tự nhiên xung quanh trang trại để thêm thu nhập, bảo vệ gìn giữ sinh thái rừng.


Trong khuôn viên trang trại gia đình, hàng năm tôi đều trồng thêm nhiều cây xanh tự nhiên như cây sung, vả, trâm, sanh, si... để chim muông bay liệng đến lấy trái, ca hót và ong bướm đến lấy mật, thụ phấn cho hoa cây trồng". Mô hình kinh tế trang trại gắn với phát triển rừng bền vững của gia đình ông Ya Loan đã được nhiều bà con xa gần đến học hỏi kinh nghiệm.


Là người được bà con tin tưởng, ông Ya Loan đã phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể hòa giải nhiều vụ tranh chấp ở địa phương. Ông cho biết, trong công tác hòa giải luôn tâm đắc một điều là bà con trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số chỉ tin vào những gì họ thấy yên cái bụng, vì thế muốn bà con tin mình thì bản thân phải là người gương mẫu trong cuộc sống; lấy tấm gương của mình để giảng giải và vận động bà con.

An toàn cho những chuyến tàu

Đến từ Xí nghiệp Đầu máy Đà Nẵng, anh Lê Ngọc Sơn - Đội trưởng Đội lái tàu 6, Phân đoạn vận dụng Xí nghiệp Đầu máy Đà Nẵng, Liên hiệp sức kéo đường sắt, Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam, mang niềm tự hào là người lái tàu đảm bảo an toàn trong suốt 27 năm công tác.

Trong niềm hạnh phúc xen lẫn tự hào được tham dự Đại hội thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ VIII, anh Sơn tâm sự: “Ai cũng biết nghề lái tàu là một nghề vô cùng vất vả, do tính chất đặc thù công việc, khi thức suốt đêm, tay "chèo" cả ngày, tất tả giữa nắng nóng gắt hay những đêm đông gió mưa rít gầm gào trên núi đèo.


Tôi luôn ý thức được rằng, nghề lái tàu chính là mang đến niềm vui sum vầy cho mọi người, mọi nhà, bởi vậy việc đảm bảo ATGT được đặt lên hàng đầu.


Là người lái tàu, tôi luôn tâm niệm phải sống hết mình hay nói đúng hơn là cống hiến hết mình cho mỗi đoàn tàu, đầu máy, xem từng khoang tàu như từng đứa con của mình. Tâm niệm ấy thực sự không hề đơn giản, phải mất hàng chục năm kinh qua mới thực sự thấm thía, thấu hiểu; và muốn làm tốt được điều ấy chỉ có thể bằng sự nghiêm túc tuyệt đối trước công việc được giao...”.

Gương mặt trẻ trong vườn hoa thi đua yêu nước

Đối với Hồ Thị Hiếu Hiền, học sinh lớp 7 trường THCS Tây Sơn, thành phố Đà Nẵng, xen trong niềm vinh dự được đi dự Đại hội thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ VIII là sự bỡ ngỡ, bồi hồi bởi đây là lần đầu tiên Hiền được ra thăm thủ đô Hà Nội, được vào Lăng viếng Bác.


Bảng thành tích học tập "đáng nể" của Hiền với 6 năm liền đạt danh hiệu học sinh giỏi, đạt giải khuyến khích môn văn, môn toán; học sinh giỏi cấp thành phố năm 2008-2009… và đặc biệt là giải nhất cuộc thi UPU cấp quốc tế lần thứ 39, đã đưa Hiền trở thành một trong hai gương mặt trẻ nhất tại Đại hội lần này.

Hiền tâm sự: Đến dự Đại hội thi đua yêu nước, cháu nhận thấy những thành tích mà mình đạt được so với sự cống hiến của các cô bác, các anh chị đi trước còn rất khiêm tốn và nhỏ bé.


Cháu biết rằng trên khắp cả nước Việt Nam, còn rất nhiều tấm gương các bạn thiếu nhi, các anh chị thanh niên đang vượt khó, miệt mài học tập chuẩn bị hành trang xây dựng quê hương.


Cháu tin rằng những năm tới Việt Nam sẽ có nhiều học sinh, sinh viên, nhà khoa học đạt giải thưởng quốc tế, đất nước ta có nhiều nhân tài hơn nữa, để cống hiến công sức, trí tuệ, tài năng cho đất nước sánh vai các cường quốc năm châu như Bác Hồ sinh thời hằng mong muốn.

Thủy-Hoa-Vân - TTXVN