12:00 17/12/2012

Khách hàng kỳ vọng dịch vụ bán lẻ của ngân hàng

Do kinh tế khó khăn, việc đẩy mạnh tín dụng ở các ngân hàng đạt thấp so với kế hoạch đầu năm. Theo dự báo của các chuyên gia tài chính, sang năm 2013 khả năng tăng trưởng tín dụng cũng không mấy cải thiện.

Do kinh tế khó khăn, việc đẩy mạnh tín dụng ở các ngân hàng đạt thấp so với kế hoạch đầu năm. Theo dự báo của các chuyên gia tài chính, sang năm 2013 khả năng tăng trưởng tín dụng cũng không mấy cải thiện. Tuy nhiên, phát triển ngân hàng bán lẻ vẫn hứa hẹn mang nhiều lợi nhuận trong bối cảnh hiện nay. Theo đó, rất nhiều khách hàng đang kỳ vọng dịch vụ bán lẻ của ngân hàng sẽ có nhiều cải thiện và phát triển để đem lại nhiều tiện ích cho người tiêu dùng.

 

Tiềm năng nhưng thiếu sức hút


Trong nhiều năm qua, các chuyên gia kinh tế tài chính đã đánh giá cao tiềm năng dịch vụ bán lẻ của ngân hàng. Tuy nhiên, do các mảng huy động và cho vay vẫn là kênh đem lại nhiều lợi nhuận, nên các mảng dịch vụ bán lẻ của ngân hàng còn đơn điệu, thiếu sức hút. Theo đó, các sản phẩm dịch vụ của các ngân hàng gần như giống nhau, trong đó chủ yếu là tập trung đẩy mạnh phát triển thẻ ghi nợ và cạnh tranh về phí.


 

Khách hàng làm thủ tục vay vốn tại HDBank chi nhánh Hoàn Kiếm (Hà Nội).

 

Thực tế, phát triển mô hình ngân hàng bán lẻ hiện đại không tập trung khai thác lợi nhuận từ tín dụng truyền thống mà là hướng đến nguồn thu từ dịch vụ, nhất là trong điều kiện tăng trưởng tín dụng những năm gần đây có xu hướng chững lại. Chính vì vậy, việc dựa vào lãi suất để cạnh tranh trong mảng dịch vụ tiền gửi không còn bền vững. Bởi khi khách hàng gửi tiền, họ luôn dao động bởi những lời chào mời hấp dẫn hơn. Điều đó khiến cho lợi nhuận bị thu hẹp, cơ cấu nguồn vốn tiềm ẩn những rủi ro.


Ông Trần Xuân Hoàng, Phó Tổng Giám đốc BIDV, thừa nhận: “Mặc dù chủ thẻ ATM của ngân hàng phát triển mạnh nhưng số lượng giao dịch lại rất thấp. Điều này đã làm cho chi phí hoạt động của ngân hàng tăng cao, gây kém hiệu quả kinh doanh, thậm chí không thu được lợi nhuân, tạo áp lực cho năm sau”. Mặt khác, tiền gửi khách hàng có tăng nhanh nhưng cũng rút nhanh, khiến ngân hàng kém chủ động trong kế hoạch lợi nhuận.


Tuy nhiên, ông Lê Thanh Tâm, Tổng Giám đốc IDG Asean, cho rằng để tăng thu từ dịch vụ không dễ dàng. Hiện ngay cả với những ngân hàng lớn, thu từ dịch vụ mới chỉ chiếm khoảng 20 - 30% tổng nguồn thu và ngân hàng bán lẻ buộc phải tăng cường đầu tư công nghệ, cải thiện năng lực quản trị, hướng đến cạnh tranh bằng chất lượng dịch vụ.


Đồng tình quan điểm, ông Phạm Anh Tuấn, Phó Tổng Giám đốc Vietinbank, cho biết ngân hàng đang nâng cao vai trò của ngân hàng bán lẻ qua việc xây dựng niềm tin khách hàng bằng chiến lược bảo mật thông tin toàn diện. Còn BIDV chú trọng đến hai yếu tố cốt lõi của ngân hàng bán lẻ là gia tăng chất lượng dịch vụ, tăng số lượng khách hàng thân thiết. Theo ông Trần Xuân Hoàng, với 5 triệu khách hàng cá nhân nhưng ngân hàng vẫn chưa có nhiều khách hàng trung thành. Đây là bài học rút ra được từ cạnh tranh bằng lãi suất.

 

Internet và mobile banking sẽ là tất yếu


Theo các chuyên gia tài chính, ngoài việc nâng cao chất lượng dịch vụ, các ngân hàng còn phải nắm bắt được xu hướng phát triển của thị trường. Theo đó, dịch vụ Internet banking và mobile banking được các ngân hàng xác định chú trọng đẩy mạnh, sau dịch vụ cho vay tiêu dùng và thẻ ghi nợ.


Ông Lê Thanh Tâm cho rằng, đây là xu hướng hoàn toàn phù hợp khi công nghệ 3G, Internet, thiết bị di động như smartphone, máy tính bảng... tăng lên chóng mặt. Số lượng người sử dụng các dịch vụ này để giao dịch với ngân hàng cũng gia tăng nhanh chóng. Theo đó, từ năm 2010 đến nay đã có 40 ngân hàng phát triển dịch vụ Internet banking và 18 ngân hàng phát triển dịch vụ mobile banking. Hiện dịch vụ mobile, Internet banking được khách hàng sử dụng chủ yếu để thực hiện kiểm tra số dư, giao dịch tài khoản, thanh toán, các ứng dụng tín dụng và các giao dịch ngân hàng khác.


Ông Nguyễn Văn Dũng, Phó Giám đốc NHNN chi nhánh TP Hồ Chí Minh, cũng cho rằng để phát triển bền vững thị trường dịch vụ ngân hàng điện tử bán lẻ hiện đại cần thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt. Theo đó, các ngân hàng cần có sự liên kết, liên thông với nhau để dịch vụ Internet và mobile banking không chỉ dừng ở việc giao dịch và chuyển khoản, truy vấn số dư tài khoản, tự động nhắn tin báo số dư khi có sự thay đổi tài khoản mà còn có thể sử dụng để chuyển tiền, thanh toán hóa đơn... . Đồng thời, việc hợp tác với các đơn vị cung cấp dịch vụ bảo mật sẽ tạo được mức độ bảo mật cao, đảm bảo an toàn tài sản cho khách hàng và ngân hàng. Ngoài ra, cần hỗ trợ đa dạng các thiết bị di động trên thị trường để khách hàng có thể dễ dàng cài đặt và sử dụng tiện ích này.


Hải Yên