03:09 14/03/2012

Khắc phục hậu quả bom mìn: Bài 2: Công tác tuyên truyền phải đặt lên hàng đầu

Trải qua nhiều cuộc chiến tranh, đất đai và con người Việt Nam đã bị ảnh hưởng nặng nề của bom mìn vật nổ (BMVN). Theo số liệu tổng kết, riêng số lượng đạn bom do Mỹ sử dụng trong chiến tranh Việt Nam là 15,35 triệu tấn. Số lượng BMVN còn sót lại ước tính khoảng 800.000 tấn.

Trải qua nhiều cuộc chiến tranh, đất đai và con người Việt Nam đã bị ảnh hưởng nặng nề của bom mìn vật nổ (BMVN). Theo số liệu tổng kết, riêng số lượng đạn bom do Mỹ sử dụng trong chiến tranh Việt Nam là 15,35 triệu tấn. Số lượng BMVN còn sót lại ước tính khoảng 800.000 tấn.
 
Do nguồn ngân sách của Chính phủ còn hạn hẹp, nguồn hỗ trợ của quốc tế còn ít, nên đến nay cả nước mới chỉ làm sạch được khoảng 300.000 ha ô nhiễm BM, chiếm hơn 5% diện tích bị ô nhiễm BM toàn quốc; công tác tuyên truyền phòng tránh BM và hỗ trợ nạn nhân BM cũng đã được quan tâm nhưng vẫn còn hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu.

Việt Nam là một trong những quốc gia bị rải bom nhiều nhất trên thế giới, và cũng là nước có nhiều vùng bị ảnh hưởng nặng nề bởi mìn do các cuộc chiến tranh. Những tỉnh bị ảnh hưởng nặng nề nhất là Quảng Trị, Quảng Bình và Thừa Thiên-Huế. Tất cả đều nằm trên hoặc gần giới tuyến cũ chia cắt miền Bắc và miền Nam trong thời kỳ 1954-1975.


Công tác dò, gỡ bom, mìn trên những diện tích đồi, vườn của xã Hưng Phú, huyện Nam Đông (Huế). Ảnh: Trọng Đức - TTXVN.


Trẻ em đặc biệt dễ bị tổn thương bởi BMVN vì sự tò mò tự nhiên khiến trẻ thường rất hay chơi với các đồ vật mới, trong đó có BM, mà các em tìm thấy. Hơn thế, các công việc gia đình hàng ngày (chăn trâu, cắt cỏ), việc chạy nhảy, chơi đùa ở những nơi còn nhiều BM đã đặt trẻ em vào các nguy cơ thương vong rất cao. Vào năm 2002, một khảo sát do Chương trình giáo dục phòng tránh BM (Dự án RENEW) thực hiện tại tỉnh Quảng Trị cho thấy, phần lớn các tai nạn do BMVN thường xảy ra với trẻ em và thanh, thiếu niên, hơn một nửa số thương vong xảy ra với trẻ ở độ tuổi dưới 21. Các hậu quả của tai nạn do BMVN gây ra đối với trẻ em rất trầm trọng và hầu hết những trẻ này đã không thể sống sót. Trường hợp sống sót thì các vết thương thân thể thường bị trầm trọng hơn nhiều do khả năng tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe và phục hồi chức năng hạn chế. Hơn thế, những em bị thương hay cơ thể bị biến dạng dễ bị xa lánh, cô đơn và rất nhiều em đã không thể tiếp tục đến trường.

Trường hợp của Lê Văn Hồng, sinh năm 1994 ở thị trấn Hồ Xá, Vĩnh Linh (Quảng Trị) là một ví dụ. Vào một buổi chiều mùa đông năm 2005, sau khi ra chơi trước bãi đất hoang gần nhà, vô tình Hồng nhặt được một quả đạn tròn trĩnh đã rỉ sét. Hiếu kỳ và thích thú với “chiến lợi phẩm”, em đã mang ra nghịch và dùng đá đập, quả đạn nổ khiến em ngất lịm. Khi tỉnh lại, Hồng thấy mình đang nằm trong bệnh viện với bàn tay trái đã mất, cơ thể băng bó nhiều vết thương. Lê Văn Hồng cho biết: “Vùng đất quê em bom đạn còn sót lại sau chiến tranh rất nhiều. Bố mất khi em mới lên 4 tuổi, cuộc sống gia đình với 4 anh, chị em ăn học bây giờ chỉ nhìn vào mấy sào ruộng, mẹ thì già yếu nên kinh tế gia đình cũng rất khó khăn”. Hiện nay Hồng đang là sinh viên năm thứ nhất Khoa Hội họa, Trường Trung cấp Văn hóa nghệ thuật Thừa Thiên - Huế. Do có năng khiếu hội họa từ nhỏ nên em rất đam mê vẽ. “Nghịch dại nên tai họa này em phải gánh chịu, em ân hận lắm. Em mong sao các bạn trẻ cần tỉnh táo khi gặp BMVN sót lại sau chiến tranh, hãy báo cho các cơ quan chức năng để tránh gây ra những tai nạn đáng tiếc như em” - Hồng chia sẻ. Dẫu khuyết tật nhưng Hồng rất chịu khó, chăm ngoan, học giỏi, có năng khiếu hội họa và vẽ rất đẹp. Chàng trai trẻ rất lạc quan và có nguyện vọng sẽ tiếp tục thi vào Đại học Mỹ thuật trong năm nay.

Nhìn chung, khi các gia đình nghèo có một em nhỏ hay các thành viên khác trong gia đình bị thương do BMVN gây ra thì không những họ sẽ phải chi dùng nhiều hơn cho các chi phí y tế, mà còn mất đi sự đóng góp của những thành viên này vào thu nhập gia đình. Rất nhiều gia đình đã không thể đáp ứng được những chi phí này vì điều kiện kinh tế vốn đã khó khăn nên dễ rơi vào tình trạng bần hàn, cơ cực. Đơn cử như nạn nhân Nguyễn Xuân Thiết, 51 tuổi ở thôn Long Hưng, xã Hải Phú, huyện Hải Lăng (Quảng Trị) trong lúc rà tìm phế liệu đã bị mìn nổ làm cụt 2 chân, mất 4 ngón tay bên trái. Tai nạn đau thương xảy ra vào tháng 9/2011 đã xô đẩy anh và gia đình vào sự túng quẫn, ngôi nhà vừa xây cất còn nợ ngân hàng cả gốc lẫn lãi gần 70 triệu đồng bây giờ chưa biết lấy gì trả nợ. Hay nạn nhân Trần Văn Hiếu, sinh năm 1978 ở khu phố Hòa Lý, thị trấn Cửa Tùng, huyện Vĩnh Linh, bị tai nạn BM vào tháng 9/2010 cũng có hoàn cảnh tương tự.

Trước những tai nạn BM thương tâm kể trên, thời gian qua, Hội Chữ thập đỏ Quảng Trị đã phối hợp với Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh, Sở Giáo dục và Đào tạo, phổ biến các kiến thức về phòng tránh tai nạn BM để tuyên truyền cho người dân biết, chủ động phòng tránh hậu quả do BM gây ra. Các địa phương nghiêm cấm và yêu cầu các hộ làm nghề tìm kiếm và buôn bán phế liệu ký cam kết không rà phá, cưa đục, vận chuyển và mua bán BMVN. Đưa kiến thức phòng tránh thương tích tai nạn BM vào giảng dạy ở các nhà trường, qua đó giúp học sinh biết phát hiện, tránh xa các vật liệu nổ, không đùa nghịch, sử dụng vật liệu nổ làm đồ chơi. Hiện nay, trên địa bàn Quảng Trị có các dự án, tổ chức phi Chính phủ tham gia khắc phục BM góp phần làm giảm tỷ lệ các vụ tai nạn do BMVN gây ra và cách phòng tránh tai nạn BM. Cụ thể như Tổ chức SODI (Đoàn kết quốc tế - CHLB Đức), Tổ chức MAG (Nhóm cố vấn BM), Dự án RENEW (Phục hồi môi trường và khắc phục hậu quả sau chiến tranh), Tổ chức Cây hòa bình Việt Nam… giáo dục nguy cơ BM và tuyên truyền vận động nhân dân về cách phòng chống tai nạn BM.

Anh Ngô Xuân Hiền, cán bộ phát triển và quan hệ công chúng của Dự án RENEW cho rằng: “Cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục về phòng tránh BM trong trường học, cộng đồng dân cư, tăng cường nhận thức cho người dân tích cực triển khai, góp phần giảm dần số vụ tai nạn BM. Những người dân chịu hậu quả do BM gây ra cần được hỗ trợ trong điều trị, phục hồi chức năng và tái hòa nhập cộng đồng”.

Để nâng cao nhận thức cho người dân phòng chống tai nạn BM đáng tiếc có thể xảy ra, các cấp, các ngành và địa phương cần nâng cao kiến thức và kỹ năng về giáo dục nguy cơ BM, nâng cao hiểu biết cho công chúng trong nước và quốc tế về tình hình BMVN ở Việt Nam. Củng cố mối liên kết giữa giáo dục nguy cơ BM và các hoạt động phòng tránh tai nạn BM. Ở những địa bàn bị ô nhiễm BMVN, trẻ em cần được trang bị kiến thức về mức độ nguy hiểm của BM và được trao quyền để thực hiện những biện pháp phòng ngừa thông qua các chương trình giáo dục và đào tạo trên các phương tiện truyền thông; chương trình giáo dục nguy cơ BM tại cộng đồng, nhà trường và đánh dấu các khu vực còn BM.

Giáo dục về nguy cơ BM giúp tăng cường nhận thức và kiến thức của công chúng về nguy cơ BM, giúp họ thực hiện các biện pháp phòng tránh. Chiến lược sẽ được tiến hành thông qua nhiều phương thức khác nhau bao gồm các chương trình truyền thông đại chúng, các hoạt động giáo dục nguy cơ BM tại cộng đồng, lồng ghép vào chương trình giáo dục nguy cơ BM, hướng tới việc đưa các bài giảng giáo dục nguy cơ BM vào chương trình học chính khóa; và đưa những thông điệp nguy cơ BM vào các hoạt động ngoại khóa trong nhà trường, thông tin cho cộng đồng về các hoạt động rà phá BM.

Nguyễn Viết Tôn

Bài 3: Trả lại màu xanh cho vùng “đất chết”