10:00 08/10/2014

Khắc phục hạn chế trong khiếu nại tố cáo

Chiều 7/10/2014, tiếp tục phiên họp thứ 32, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nghe nghe Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao báo cáo về giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân năm 2014.

Chiều 7/10/2014, tiếp tục phiên họp thứ 32, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nghe nghe Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao báo cáo về giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân năm 2014.


Khiếu kiện kéo dài liên quan đến tranh chấp đất đai

Trình bày báo cáo của Chính phủ, Tổng thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh cho biết, trong năm 2014 tình hình khiếu nại tố cáo (KNTC) có xu hướng giảm cả về số lượng đơn thư cũng như vụ việc. Trong tổng số 44.426 vụ việc thuộc thẩm quyền (giảm 9,54%), đã giải quyết 37.716 vụ việc, đạt tỷ lệ 84,9%.
Tuy vậy, số lượt đoàn đông người KNTC tiếp tục tăng, có đoàn lên tới vài trăm người với thái độ bức xúc, gay gắt. Nhiều trường hợp đã được các cấp giải quyết đúng pháp luật nhưng công dân vẫn tiếp tục khiếu kiện kéo dài.


Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng phát biểu tại phiên họp.
Ảnh: An Đăng - TTXVN



Theo Phó Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao Tống Anh Hào, chiếm phần lớn trong số đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm liên quan đến lĩnh vực dân sự, hình sự và hầu hết tập trung ở Tòa án nhân dân tối cao (87%).

“Nhiều khiếu kiện về dân sự rất gay gắt, chủ yếu là các vụ án tranh chấp về đất đai, nhà ở, thừa kế tài sản. Có trường hợp mặc dù đã có kết quả giải quyết, nhưng đương sự vẫn tiếp tục khiếu nại”, ông Hào khẳng định.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện cũng cho rằng, Tòa án Nhân dân Tối cao chưa đưa ra được giải pháp cụ thể để giải quyết tình trạng KNTC, đặc biệt là các bản án liên quan đến các vụ án dân sự về tranh chấp ở lĩnh vực này.

Nguyên nhân chủ yếu của tình trạng KNTC về đất đai kéo dài là do còn bất cập trong quy định về đất đai như cơ chế bồi thường, hỗ trợ khi thu hồi đất… Công tác chỉ đạo, điều hành và quản lý nhà nước ở một số địa phương còn yếu kém, nhất là trong quản lý, sử dụng đất, quản lý đầu tư xây dựng cơ bản. Trình độ, năng lực, ý thức trách nhiệm của một bộ phận cán bộ, công chức còn hạn chế.

Ngăn chặn khiếu kiện vượt cấp

Để công tác giải quyết KNTC thực hiện hiệu quả, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ cần tăng cường giám sát việc giải quyết KNTC, tập trung vào những địa phương có nhiều đoàn đông người, vụ việc phức tạp, kéo dài.

Cần chú trọng công tác tiếp dân

Tại phiên họp, nhất trí với báo cáo của Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, các thành viên Ủy ban thường vụ Quốc hội cũng cho rằng, thời gian qua, công tác tiếp công dân cũng có những chuyển biến rõ nét. Tại Trụ sở tiếp công dân của Trung ương đã tiếp 24.674 lượt người (tăng 17,85%); 809 lượt đoàn đông người (tăng 15,08%), 7.192 vụ việc (tăng 26,79%).

Các bộ, ngành, địa phương ngày càng quan tâm hơn đến việc chỉ đạo và tổ chức thực hiện công tác tiếp công dân. Hầu hết các đồng chí lãnh đạo tỉnh, thành phố thực hiện công tác tiếp công dân định kỳ và đột xuất. Việc phối hợp trong công tác tiếp dân chặt chẽ, kịp thời hơn.

Tuy nhiên ở một số địa phương, công tác tiếp công dân, giải quyết KNTC còn hạn chế. Có tình trạng đùn đẩy, né tránh, chuyển đơn lòng vòng, giải quyết chưa hết thẩm quyền, còn có sai sót. Thủ trưởng cơ quan hành chính nhà nước ở một số địa phương chưa làm hết trách nhiệm theo quy định của pháp luật. Đội ngũ cán bộ tiếp dân, giải quyết KNTC ở địa phương còn thiếu, chưa tương xứng với yêu cầu nhiệm vụ.

Đại biểu Phan Xuân Dũng, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường cho rằng, cần làm rõ thêm trách nhiệm của người đứng đầu trong những vụ giải quyết KNTC kéo dài. “Những vụ việc đã giải quyết đúng nhưng công dân vẫn khiếu kiện kéo dài thì phải xem trách nhiệm này thuộc về ai”, đại biểu Dũng kiến nghị.

Đồng tình với ý kiến này, Chủ nhiệm Hội đồng dân tộc Ksor Phước cũng kiến nghị: “Các báo cáo cần phân tích rõ trong các vụ KNTC, có bao nhiêu vụ KNTC lần 2, lần 3. Trong số những vụ tồn đọng thì phải làm rõ có bao nhiêu vụ kéo dài và số vụ mới là bao nhiêu, từ đó đáng giá được chất lượng xử lý KNTC để Quốc hội thấy được bức tranh chung”.

Các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đề nghị rà soát, hoàn thiện chính sách pháp luật về KNTC và các văn bản liên quan đến quyền, lợi ích của người dân phù hợp với Hiến pháp 2013; làm rõ nguyên nhân gia tăng số lượng đoàn đông người KNTC. Đồng thời chấn chỉnh những tồn tại, yếu kém trong quản lý nhà nước, nhất là các lĩnh vực dễ phát sinh KNTC. UBND rà soát, ngăn chặn các trường hợp khiếu kiện đông người, vượt cấp ngay tại cơ sở.

Nhất trí với các nhiệm vụ, giải pháp giải quyết KNTC Chính phủ sẽ thực hiện trong năm 2015, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đề nghị Chính phủ cần dự báo tình hình giải quyết KNTC trong năm 2015; đẩy mạnh phối hợp giữa các bộ, ngành với Mặt trận Tổ quốc, đẩy mạnh thực hiện các Nghị quyết, chỉ thị, Luật khiếu nại, Luật tố cáo, Luật tiếp công dân. Các bộ, ngành cần tiếp tục kiện tòan bộ máy tổ chức, nâng cao trách nhiệm của cán bộ trong công tác giải quyết khiếu nại tố cáo.

Bên cạnh đó, rà soát, hoàn thiện chính sách pháp luật về KNTC và các văn bản liên quan đến quyền, lợi ích của người dân phù hợp với Hiến pháp năm 2013. Chấn chỉnh tồn tại, yếu kém trong quản lý nhà nước, nhất là các lĩnh vực dễ phát sinh KNTC.

Xuân Phong