11:07 28/11/2014

Khắc phục bất cập khi ban hành văn bản pháp luật

Sáng 27/11, Quốc hội thảo luận về Luật Ban hành văn bản pháp luật. Các nội dung về thẩm quyền ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, xử lý tình trạng nợ đọng văn bản kéo dài được nhiều đại biểu quan tâm.

Sáng 27/11, Quốc hội thảo luận về Luật Ban hành văn bản pháp luật. Các nội dung về thẩm quyền ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, xử lý tình trạng nợ đọng văn bản kéo dài được nhiều đại biểu quan tâm.

Qua thảo luận, các ý kiến tán thành cần thiết xây dựng, ban hành Luật Ban hành văn bản pháp luật trên cơ sở hợp nhất hai luật: Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng Nhân dân, Ủy ban Nhân dân (Luật năm 2004) và Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật thay thế Luật năm 1996 (Luật năm 2008).

Đại biểu Trần Văn Minh (Quảng Ninh) phát biểu ý kiến.
Ảnh: An Đăng – TTXVN


Các đại biểu cho rằng thời gian qua, tình trạng nợ đọng văn bản kéo dài, chưa có cơ chế kiểm soát chặt chẽ việc xây dựng, ban hành thông tư dẫn đến nhiều văn bản không phù hợp với thực tế. Có trường hợp có văn bản luật nhưng lại không có nghị định, thông tư hướng dẫn kịp thời, dẫn đến “luật ở trên trời, thông tư ở dưới đất”.

Nhiều đại biểu cũng cho rằng, cần có quy trình cụ thể lấy ý kiến người dân trước khi soạn thảo, ban hành các văn bản pháp luật; công khai dự thảo và văn bản liên quan. Đặc biệt cần quy định rõ về kiểm soát, xử lý trách nhiệm chậm ban hành văn bản hướng dẫn, cũng như quy định trách nhiệm bồi thường do sự chậm trễ này.

* Buổi chiều, Quốc hội thảo luận ở Hội trường dự án Luật Tài nguyên môi trường biển và hải đảo. Đa số ý kiến đại biểu đều cho rằng, cần thiết phải sớm ban hành Luật, nhưng cần quy định cụ thể hơn các vấn đề bảo vệ môi trưởng biển, tài nguyên biển và xử lý việc gây ô nhiễm môi trường biển.

Đại biểu Trần Văn Minh (Quảng Ninh) nêu ví dụ: “Tỉnh Quảng Ninh đã quy định, các đơn vị nạo vét bùn phải đổ đúng quy định, gắn cả định vị vào thuyền để theo dõi. Nhưng các đơn vị này vẫn “lách luật” bằng việc đổ dần dần trên đường tới chỗ đổ tập trung để tiết kiệm nhiên liệu. Việc này đã gây ô nhiễm môi trường biển. Vì vậy, cần có chế tài cụ thể để giảm các hành vi phá hoại môi trường biển”.

Để bảo vệ tài nguyên, môi trường biển, theo đại biểu Phạm Xuân Thanh (Hải Dương): “Cần tiếp cận theo hướng khác, đó là cùng với người dân sống gần biển bảo vệ môi trường biển, nguồn lợi thủy sản. Đồng thời cũng là bảo vệ quyền lợi của dân cư. Như vậy, cần quy định trách nhiệm của ngư dân, cộng đồng dân cư sống ven biển trong việc khai thác và bảo vệ tài nguyên, môi trường biển”.

Xuân Phong - Hữu Vinh