Xe sang - "phao" của các hãng ô tô châu Âu?

Ba nhãn hiệu xe hơi danh tiếng nhất nước Đức là BMW, Mercedes-Benz và Audi (thuộc hãng Volkswagen), đang nỗ lực hết sức để đáp ứng yêu cầu về vẻ đẹp và phong cách, bởi các thị trường đang phát triển, nơi mà tầng lớp người giàu mới nổi đang gia tăng nhanh chóng, rất chú trọng tới những yếu tố này.
 
Điều đó cũng giúp thị trường ô tô nội địa của Đức diễn biến rất tích cực trong thời gian qua, với doanh số bán xe hơi trong năm 2011 tăng tới 9% so với năm trước đó.


Một mẫu xe mới của hãng Volkswagen. Ảnh Internet

Trong khi đó, tình hình khu vực sản xuất ô tô tại các quốc gia châu Âu khác lại trái ngược hoàn toàn. Năm 2011, doanh số bán ô tô của Pháp giảm 2%, Italia giảm 11% và Tây Ban Nha giảm tới 18%, giữa lúc mà nhiều người tiêu dùng khó tính tại các thị trường mới nổi, đặc biệt là Trung Quốc, không còn quan tâm tới những chiếc xe chỉ đơn thuần được coi là dùng tốt. Bởi vậy, các nhà sản xuất ô tô châu Âu ít tên tuổi và không chạy theo xu hướng sản xuất các dòng xe hạng sang đang gặp khó khăn, ví dụ như hãng xe hơi PSA Peugeot-Citroën của Pháp, Fiat của Italia và Opel-Vauxhall, công ty con của General Motor (GM) - nhà sản xuất ô tô lớn nhất nước Mỹ.

Để bán được xe, các hãng này phải tung ra các chiêu khuyến mại, giảm giá lớn, đôi khi mức giảm lên tới 20 - 30% giá niêm yết. Thị trường xe hơi của Anh cũng rơi vào tình cảnh tương tự, giảm tới hơn 4% doanh số bán trong năm 2011. Tuy nhiên, các nhà sản xuất ô tô của nước này, hiện chủ yếu thuộc sở hữu của các tập đoàn nước ngoài, lại có xu hướng tập trung vào xuất khẩu và tổng sản lượng ô tô của họ trong cùng kỳ tăng tới 6%.

Có khoảng 13 triệu chiếc ô tô mới được đăng ký tại Liên minh châu Âu (EU) trong năm ngoái, giảm hơn 2,5 triệu chiếc so với mức “đỉnh cao” của năm 2007 và chỉ tương đương mức tương ứng của năm 1997. Các nhà phân tích thị trường cảnh báo rằng doanh số bán xe hơi tại khu vực này sẽ tiếp tục “lao dốc” trong năm nay. Peugeot-Citroën dự kiến doanh số bán ô tô của hãng tại EU trong năm 2012 sẽ giảm 5% và tại Pháp giảm tới 10%.

Sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, chính phủ nhiều nước châu Âu đã thúc đẩy doanh số bán ô tô trong nước bằng các chính sách hỗ trợ người tiêu dùng như chương trình “đổi xe cũ lấy xe mới”. Tuy nhiên, Ferdinand Dudenhöffer, chuyên gia về xe hơi tại Đại học Duisburg-Essen (Đức), cho rằng các biện pháp này không đem lại hiệu quả lâu dài, nhiều hãng sản xuất ô tô vẫn phải cắt giảm lao động.

Ngoài ra, các hãng xe đang lâm vào cảnh “khốn đốn” như Peugeot-Citroën, Fiat và Opel cũng phải đối mặt với sự cạnh tranh khốc liệt từ các nhà sản xuất ô tô châu Á, đặc biệt là Hyundai và Kia của Hàn Quốc, hiện đang nỗ lực thiết lập các nhà máy chế tạo ô tô tại Cộng hòa Séc, cũng như đẩy mạnh xuất khẩu các dòng ô tô giá rẻ sang thị trường châu Âu. Không những thế, các thị trường tiêu thụ xe hạng sang của các nhà sản xuất ô tô châu Âu cũng đang bị các hãng xe hơi Đức tấn công, với việc đa dạng các dòng xe cao cấp có giá phải chăng như mẫu xe BMW Mini và xêri 1, Mercedes A-class và Audi A1. Các nhà sản xuất xe hơi hạng sang của Đức đã chứng minh rằng họ thành công khi hướng người tiêu dùng tới thương hiệu của mình và nắm bắt được những yếu tố khiến người mua sẵn sàng chi thêm tiền cho một chiếc ô tô.

Khi cụm từ "thua lỗ" vẫn còn gắn liền với các hãng sản xuất ô tô châu Âu, thì một thực tế đang ngày càng trở nên rõ ràng là châu lục này đang chỉ đơn giản là sản xuất quá nhiều chiếc xe trong quá nhiều nhà máy. Chuyên gia Christoph Stürmer thuộc công ty cung cấp dữ liệu IHS, nhận định rằng khu vực châu Âu (bao gồm cả Nga và Thổ Nhĩ Kỳ) có khả năng sản xuất 25,5 triệu chiếc ô tô trong năm 2011, tuy nhiên, số xe được sản xuất trong thực tế chỉ vào khoảng 20 triệu chiếc. Ông Stürmer dự báo rằng tỷ lệ ô tô được sản xuất thực tế so với công suất của các hãng xe hơi châu Âu trong năm 2012 sẽ giảm từ 79% xuống còn 70%, do doanh số bán hàng giảm và sự tấn công của các dòng xe cao cấp tới từ Đức và Hàn Quốc. Việc cắt giảm chi phí trong thời gian gần đây có thể khiến sản lượng ô tô thực tế chỉ chiếm 75% công suất của các hãng này. Nhưng điều này là cần thiết, bởi với tình hình hiện tại, việc cắt giảm sản lượng khoảng 1,2 triệu chiếc/năm mới có thể giúp ngành công nghiệp ô tô châu Âu làm ăn có lãi.

Các nhà chế tạo ô tô đang "vật lộn" với khó khăn của châu Âu cũng đã nỗ lực hướng tới việc phát triển các dòng xe hạng sang, tung ra các mẫu xe cỡ nhỏ cao cấp như mẫu xe 500L mới của Fiat, với hy vọng sẽ thu về lợi nhuận như các hãng xe hơi Đức. Đây là một ý tưởng hay, song để chuyển sang các dòng xe cao cấp và có thương hiệu cần phải mất hàng thập niên, ví dụ Audi cũng đã phải "vất vả" từ những năm 80 của thế kỷ trước để khẳng định tên tuổi của mình. Có lẽ Opel, Peugeot và Fiat không có nhiều thời gian như vậy.

TTXVN/Tin Tức

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN