Ứng dụng khoa học công nghệ để tăng sức cạnh tranh cho ngành hóa dược

Tại hội thảo mới đây về triển khai Chương trình nghiên cứu khoa học công nghệ (KHCN) trọng điểm quốc gia phát triển công nghiệp hóa dược đến năm 2020 đã được Chính phủ phê duyệt, các đại biểu đều thừa nhận: Việc tiếp nhận, nghiên cứu và phát triển KHCN để tạo ra các biệt dược, thuốc thiết yếu chính là giải pháp góp phần bình ổn thị trường thuốc trong nước, cũng như tạo sức cạnh tranh cho ngành hóa dược nước nhà.

Từ định hướng...

Thạc sỹ Nguyễn Huy Văn, Công ty CP Traphaco cho rằng, các nghiên cứu về KHCN trong ngành hóa dược đều phải hướng vào giải quyết có hiệu quả các mục tiêu như tăng tỷ lệ sử dụng nguyên liệu, sản phẩm dược sản xuất trong nước, phát triển các sản phẩm có nguồn gốc thiên nhiên, tăng giá trị thương hiệu của sản phẩm dược Việt Nam trên trường quốc tế... Trên cơ sở đó, ngoài việc phối hợp với các tổ chức nghiên cứu KHCN để đưa kết quả nghiên cứu vào sản xuất, thành lập các bộ phận nghiên cứu phát triển tại cơ sở để nâng cao tính chủ động trong nghiên cứu và ứng dụng KHCN, tăng đầu tư cho nghiên cứu và phát triển sản phẩm ra thị trường, ngành hóa dược còn phải đẩy mạnh hợp tác quốc tế nhằm khai thác những cơ hội do hội nhập mang lại. Cụ thể, nhập công nghệ từ các nước phát triển để sản xuất viên nang mềm, viên bao film... để đáp ứng kịp thời nhu cầu phát triển của ngành.

Nghiên cứu khoa học tại phòng thí nghiệm của Viện Pasteur TP Hồ Chí Minh. Ảnh: Hà Thái - TTXVN

Để thực hiện được mục tiêu này, "Nhà nước cần tăng tỷ lệ đầu tư từ ngân sách cho KHCN; trong đó có đầu tư về sản xuất, đào tạo đội ngũ khoa học kỹ thuật của các doanh nghiệp. Bên cạnh đó, giảm thiểu các thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp và nhà nghiên cứu thanh quyết toán chi phí đầu tư từ ngân sách nhà nước. Đồng thời hoàn thiện các quy định pháp lý trong mua bán, hợp tác chuyển giao công nghệ, bảo hộ sở hữu trí tuệ", ông Văn đề xuất.

Chủ tịch HĐQT Công ty CP Hóa - Dược phẩm Việt Nam Ngô Chí Dũng cũng đưa ra định hướng triển khai KHCN trong lĩnh vực hóa dược thời gian tới, tập trung vào việc tạo các loại thực phẩm thuốc từ dược liệu phong phú của Việt Nam có khả năng ngăn ngừa, phòng chống bệnh tật. Điển hình như những sản phẩm từ nghệ - Curcumin, các chế phẩm từ gấc, chè xanh... có khả năng phòng chống ung thư, các sản phẩm làm tăng chức năng gan; quả hồi đã được sử dụng trong y học cổ truyền với tác dụng giúp tiêu hóa, lợi sữa, giảm đau, nôn mửa, tiêu chảy... Cùng với đó, sản xuất các nguyên liệu cho ngành công nghiệp dược như Acid shikimic, các dẫn xuất của artemsinin, tinh dầu hồi cho công nghiệp thực phẩm và mỹ phẩm; hay tạo các loại biệt dược để chữa các bệnh nhiệt đới và các bệnh hiểm nghèo như các loại thuốc chữa ung thư xương, ung thư vú (TAMOXIFEN), chống HIV-AIDS (AZT-stavudin), các loại thuốc chống cúm như Tamiflu, thuốc chữa bệnh sốt rét như Amodiquine....

Theo dược sỹ Trần Trung Ngôn, Công ty CP hóa dược phẩm Mekophar, chúng ta đang đi sau một số nước về công nghệ, trong đó có công nghệ hóa dầu và công nghệ sản xuất nguyên liệu kháng sinh. Tuy nhiên, nếu đầu tư vào lĩnh vực công nghệ này phải chấp nhận một áp lực cạnh tranh rất lớn bởi các nước đã hoàn chỉnh công nghệ này để cho ra những sản phẩm ổn định đủ sức cạnh tranh trong khi Việt Nam vẫn phụ thuộc vào những sản phẩm nhập khẩu. Do vậy, phát triển công nghiệp hóa dược đóng vai trò quan trọng trong chương trình an ninh dược phẩm quốc gia và cũng là một trong những ngành sẽ tiêu thụ đa số sản phẩm từ công nghiệp hóa dầu. Đây là một hướng đi tất yếu trong công cuộc phát triển đất nước.

... đến ứng dụng vào sản xuất


Bào chế dược phẩm, tá dược hiện chiếm tỷ trọng rất lớn trong thành phần các dạng thuốc và đóng vai trò là tác nhân có ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng và hiệu quả trị bệnh. Phần lớn các tá dược đang được sử dụng ở nước ta là nhập khẩu trong khi nguồn nguyên liệu để sản xuất các tá dược này là tinh bột sắn vô cùng dồi dào ở nước ta, lại đang được xuất khẩu với giá rẻ. Viện Hóa học công nghiệp Việt Nam đã nghiên cứu hoàn thiện quy trình sản xuất tá dược Amidon TS, tá dược siêu rã Explotad, Eragen, Avicel trong phòng thí nghiệm. Đặc biệt tá dược Amidon TS đã được sản xuất ở quy mô 800 kg/mẻ. Qua thử nghiệm sử dụng trong bào chế viên nén ở một số xí nghiệp dược đạt kết quả tương đương các tá dược cùng tính năng đang phải nhập ngoại.

Tiến sỹ Hoàng Văn Hoan, Phó Viện trưởng Viện Hóa học công nghiệp Việt Nam khẳng định: Việc triển khai sản xuất các sản phẩm trên là khả thi vì các sản phẩm này đã được nghiên cứu kỹ, quy trình công nghệ ổn định. Ngoài ra, trang thiết bị cho sản xuất các sản phẩm tá dược nói trên không quá phức tạp, nhiều thiết bị có thể tự chế tạo được trong nước. Đây cũng là yếu tố quan trọng để triển khai sản xuất tá dược ở mô quy công nghiệp. Riêng Sorbitol là một loại đường tự nhiên, hiện mỗi năm nước ta sử dụng đến vài chục tấn cho nhiều ứng dụng khác nhau và phải nhập khẩu hoàn toàn. Về vấn đề này, trong chiến lược phát triển ngành công nghiệp hóa dược Việt Nam, Chính phủ đã đề cập đến việc xây dựng nhà máy sản xuất vitamin C sử dụng nguyên liệu Sorbitol. Nếu tận dụng nguồn nguyên liệu sẵn có trong nước để sản xuất Sorbitol phục vụ nhu cầu trong nước, đồng thời làm nguyên liệu cho nhà máy sản xuất vitamin C thì không những thay thế được nguyên liệu nhập ngoại mà còn có sản phẩm xuất khẩu.

Do vậy, giải pháp nhập công nghệ gián đoạn, xây dựng nhà máy và lắp đặt thêm dây chuyền pilot liên tục, xúc tác dạng lớp cố định được ông Hoan coi là hợp lý.

Vận hành máy pha chế dung dịch thuốc. Ảnh: Minh Đông - TTXVN

Sản xuất nguyên liệu kháng sinh cũng đang nằm trong chương trình nghiên cứu phát triển công nghệ hóa dược tầm nhìn đến năm 2025. Kết quả thống kê nhu cầu dược phẩm kháng sinh có hoạt chất từ nguyên liệu Ampicillin, Amoxicillin trihydrate và Cephalexin monohydrate luôn chiếm tỷ lệ cao nhất trong các năm gần đây. Do xác định đây là lĩnh vực quan trọng trong nền công nghiệp dược nên ngay từ khi bắt tay vào đầu tư sản xuất nguyên liệu kháng sinh Ampicillin trihydrate và Amoxicillin trihydrate, Công ty Mekophar đã tính đến khả năng tăng công suất, cải tiến hoặc thay đổi công nghệ trong trường hợp cần thiết. Cụ thể trong giai đoạn đầu tư công suất là 180 tấn/năm, tăng công suất lần 1 lên 450 tấn/năm và lần 2 lên 650 tấn/năm.

Ngoài ra, trong kế hoạch triển khai KHCN trong 5 năm tới, Công ty CP hóa dược phẩm Việt Nam sẽ tập trung vào xây dựng dây chuyền công nghệ ổn định cho việc sản xuất Acid shikimic từ quả hồi của Việt Nam, là nguyên liệu tổng hợp thuốc chống cúm gia cầm Oseltamivir phốt phát, thành phần chính của thuốc Tamiflu. Acid shikimic chiết tách từ quả hồi là một lợi thế lớn của nước ta, một trong những nước cung cấp quả hồi chủ yếu cho thị trường thế giới. Bên cạnh đó, Công ty còn xây dựng dây chuyền sản xuất ổn định hoạt chất Oseltamivir phốt phát từ Acid shikimic. Đây là đề tài đảm bảo nguồn thuốc chống đại dịch cúm gia cầm có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Đặc biệt là thuốc Tamiflu sẽ hết hạn quyền bảo hộ vào năm 2016.

Việc xây dựng dây chuyền sản xuất ổn định tạo các hoạt chất để làm thực phẩm thuốc từ diệp hạ châu, chè xanh, gấc, hoa hòe và các nguồn dược liệu khác cũng được tính đến. Mặt khác, Công ty sẽ tiếp thu và phát triển các quy trình công nghệ của Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam trong việc sản xuất các loại thuốc thiết yếu như thuốc chống loãng xương, thuốc chữa bệnh sốt rét..., ông Dũng, Chủ tịch HĐQT Công ty hóa dược phẩm Việt Nam khẳng định.

Mai Phương

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN