Tương lai của Sân bay Vũ trụ Baikonur

Theo mạng tin "Eurasia.Net" ngày 18/11, Nga sẽ bỏ Sân bay Vũ trụ Baikonur ở Kazakhstan và sử dụng một sân bay vũ trụ mới ở Viễn Đông mà Tổng thống Vladimir Putin nói rằng sẽ cho phép Nga tiếp tục giữ vị thế của một cường quốc vũ trụ "độc lập".

Thành phố Baikonur ở miền Trung Kazakhstan từng là trung tâm của các chương trình vũ trụ của Liên Xô và Nga kể từ đầu thập niên 60 thế kỷ trước. Song từ khi Liên Xô sụp đổ, Nga đột nhiên nhận thấy rằng sân bay vũ trụ chính của họ lại nằm ở Kazakhstan - một quốc gia mới độc lập. Kể từ đó, hai nước đã tiến hành các cuộc họp định kỳ để bàn về tương lai sân bay vũ trụ chiến lược này. 

Bệ phóng tàu vũ trụ tại sân bay Baikonur năm 2010. Ảnh: AP


Liên Xô xây dựng Sân bay vũ trụ Baikonur thời kỳ đỉnh điểm của Chiến tranh Lạnh. Hiện nay, mỗi năm Nga phải trả 115 triệu USD cho Kazakhstan để thuê phần đất nằm trên sa mạc có kích thước bằng bang Delaware của Mỹ. 

Ngoài ra, việc Kazakhstan tăng cường giám sát Baikonur càng thúc đẩy Nga từ bỏ sân bay này. Vào tháng 7/2013, một quả tên lửa Proton-M đã phát nổ ngay sau khi rời bệ phóng. Đó là thảm họa thứ tư đối với tên lửa Proton tại Baikonur trong vòng 14 năm, và các quan chức Cơ quan Vũ trụ Kazakhstan Kazcosmos than phiền rằng tên lửa Proton sử dụng nhiên liệu đặc biệt độc hại, trong khi Nga đã phớt lờ việc trả tiền làm sạch môi trường.

Các vụ phóng vệ tinh có người điều khiển đã đem lại danh tiếng cho Baikonur và Kazakhstan - một quốc gia khao khát sự chú ý của quốc tế - mặc nhiên được hưởng quy chế của một cường quốc vũ trụ. Kể từ khi NASA thôi sử dụng tàu con thoi vào năm 2011, tàu Soyuz đã trở thành phương tiện duy nhất có thể lên Trạm vũ trụ quốc tế. NASA trả cho Roscosmos hơn 76 triệu USD cho một chỗ ngồi.

Một quả tên lửa Proton-M mang vệ tinh viễn thông Nimiq 6 được vận chuyển tới bệ phóng ở Baikonur. Ảnh: AFP


Các quan chức Kazakhstan tuyên bố rằng họ không muốn người Nga ra đi, nhưng nhiều người ở Moskva cho rằng tài sản chiến lược như một sân bay vũ trụ cần phải nằm trên lãnh thổ của Nga. Mới đây, tờ "Izvestia" của Nga đưa tin kinh phí cho việc duy trì Baikonur sẽ cạn vào năm 2015.

Hiện nay, Nga đang đầu tư 400 tỷ ruble (khoảng 8,5 tỷ USD) để xây dựng Sân bay Vũ trụ Vostochny ở tỉnh Amur. Trong chuyến thăm công trình này vào tháng 9 năm nay, Tổng thống Putin cho biết Nga có thể tiến hành phóng thử nghiệm tên lửa tại cơ sở này vào năm tới. Theo Roscosmos, đến năm 2020, các vụ phóng tên lửa tại Baikonur sẽ giảm mạnh. Những người lạc quan cho rằng sẽ có thể phóng phương tiện bay có người lái từ Vostochny vào năm 2018.

Nếu Nga thành công, họ sẽ xây dựng một bản sao của Sân bay Baikonur, làm cho sân bay cũ trở nên vô dụng. Mặc dù Nga thuê Baikonur tới tận năm 2050, nhưng họ có thể chấm dứt hợp đồng với thông báo trước một năm.

Dự án xây dựng sân bay vũ trụ Vostochny đang bị chậm trễ, khiến ông Putin phải đặt nó dưới sự giám sát trực tiếp của Phó Thủ tướng Dmitry Rogozin. Tuy nhiên, nếu dự án này được hoàn thành đúng thời hạn thì Nga cũng không thể sớm kết thúc hợp đồng, bởi họ còn phải xử lý vô số việc, trong đó có việc xử lý các hầm chứa tên lửa. 

Ông Asif Siddiqi, một chuyên gia về các chương trình không gian của Nga tại Đại học Fordham, nhận xét: "Quy mô của Baikonur là rất lớn. Nó có những bệ phóng khổng lồ, những trạm điều khiển và theo dõi...Tôi nghĩ đó là những thứ mà các cơ quan an ninh Nga sẽ muốn xử lý".

Các quan chức tại Kazcosmos nói họ hy vọng Nga sẽ ở lại, ít nhất là để sử dụng Baikonur như một sân bay dự phòng. Họ cho biết nếu Nga không chấp nhận phương án này, Kazakhstan sẽ cho các công ty tư nhân phương Tây thuê. 
Tuy nhiên, nhiều công nghệ mà Nga có thể để lại là những công nghệ độc quyền. Ông Karash, một chuyên gia tại Viện Hàn lâm Vũ trụ Nga, cho biết: "Những thiết bị này là không thể chuyển giao…".


TTK
Nga có kế hoạch xây trạm vũ trụ riêng
Nga có kế hoạch xây trạm vũ trụ riêng

Vào năm 2017, Nga sẽ bắt tay vào dự án xây trạm vũ trụ quỹ đạo riêng. Để xây dựng trạm này, Nga có thể sẽ sử dụng tới các môđun của nước này trong Trạm vũ trụ quốc tế (ISS).

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN