Tàu Curiosity tìm thấy phân tử hữu cơ trên Sao Hỏa

Tàu thăm dò Sao Hỏa Curiosity của Mỹ đã tìm thấy trên Hành tinh Đỏ những phân tử hữu cơ đơn giản, yếu tố xác định trên hành tinh này liệu từng có sự sống hay không.

 

Tàu thăm dò Curiosity tìm thấy phân tử hữu cơ trên Sao Hỏa. Ảnh: Internet.

 

Thông tin trên được ông Charles Elachi phụ trách Phòng thí nghiệm sức đẩy phản lực thuộc Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA), người đảm trách sứ mệnh nghiên cứu, đưa ra ngày 28/11 tại một hội nghị chuyên đề ở Đại học tổng hợp La Sapienza (Italy). Theo ông Elachi, đây mới chỉ là kết luận sơ bộ và cần phải được thẩm định. Thông tin về việc phát hiện phân tử hữu cơ sẽ tạo điều kiện cho các chuyên viên tiến gần hơn đến việc làm sáng tỏ câu hỏi về sự sống trên Sao Hỏa.

 

Trạm tự hành Curiosity hạ cánh xuống Sao Hỏa vào ngày 6/8 vừa qua với mục đích chính là nghiên cứu xác định dấu hiệu của sự sống trên Hành tinh Đỏ. Dự kiến, tàu Curiosity sẽ phải mất khoảng hai năm để thực hiện sứ mệnh này.

 

Dự án phòng thí nghiệm khoa học Sao Hỏa Curiosity trị giá 2,5 tỷ USD là sứ mệnh nghiên cứu sinh học vũ trụ đầu tiên của NASA kể từ sau các tàu thăm dò Viking hồi những năm 1970. Tàu Curiosity là tàu thăm dò Sao Hỏa hiện đại nhất và lớn nhất từ trước đến nay, có kích thước tương tự một chiếc ô tô và tổng trọng lượng khoảng 900 kg, nặng gấp 5 lần tàu thăm dò Spirit và Oppoturnity, đã từng lên Sao Hỏa hồi năm 2004. Sứ mệnh của phòng thí nghiệm trị giá tiền tỷ này là nhằm tìm kiếm dấu hiệu của sự sống hiện tại hoặc hỗ trợ sự sống trong quá khứ trên Sao Hỏa. Ngoài ra, nó cũng được dùng để nghiên cứu môi trường tại đây, chuẩn bị cho việc đưa con người lên hành tinh này trong những năm tới.

 

 

TTXVN/Tin tức

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN