Những mô hình làm lợi từ rác thải


Thu gom và xử lý rác thải đang là vấn đề hết sức nan giải không chỉ riêng ở đô thị mà ngay cả những vùng nông thôn ở Thừa Thiên - Huế cũng hết sức cam go. Do các dự án đầu tư xây dựng khu xử lý chất thải cần có nguồn vốn lớn, nên hầu hết ở vùng nông thôn lựa chọn cách chôn lấp là chủ yếu. Tuy nhiên, đây là phương pháp tạm thời, bởi việc chôn lấp rác thải chưa qua xử lý ảnh hưởng đến nguồn nước sinh hoạt, làm giảm chất lượng cuộc sống của người dân trong vùng.


Người dân ở thôn La Chữ, phường Hương Chữ, thị xã Hương Trà, được hướng dẫn thu gom rác thải để sản xuất phân hữu cơ vi sinh, một trong những biện pháp vừa làm sạch môi trường, vừa mang lại hiệu quả kinh tế cao. Đây là mô hình do Tổ chức Bắc Âu trợ giúp Việt Nam (NAV) hỗ trợ thực hiện từ tháng 8/2010.



Hình minh họa. Nguồn: Internet




Nhiều hộ dân ở đây đã thực hiện việc thu gom rác thải, xử lý và chế biến phân sinh học thông qua mô hình cộng đồng với chủ thể là người dân địa phương. Họ trực tiếp thu gom rác thải từ vườn, nhà và rác thải ở chợ Hương Chữ vận chuyển đến điểm tập kết. Tại đây, rác sẽ được các đoàn viên của phường Hương Chữ tiến hành phân loại và tiến hành ủ với chế phẩm vixura để làm thành phân vi sinh. Cứ 5 m3 rác hữu cơ sau gần 2 tháng ủ bằng chế phẩm sinh học này sẽ cho ra 1 tấn phân vi sinh.


Số phân này được các hộ nông dân sử dụng bón cho cây lúa, hoa màu, cây cảnh cho kết quả rất tốt. Bên cạnh hiệu quả kinh tế, việc làm này còn giải quyết được vấn nạn ô nhiễm rác thải sinh hoạt tại địa bàn nông thôn. Tính ra, một tấn phân hữu cơ vi sinh thành phẩm, người nông dân tiết kiệm được hơn 1,1 triệu đồng. Không những vậy, hiện nay việc trồng rau màu của nông dân trong vùng chỉ bón hoàn toàn phân sinh học tự sản xuất, nên cho ra những sản phẩm rau màu sạch, an toàn, dễ tiêu thụ.


Tại làng bún Ô Sa, cũng là tình trạng chung trong các làng nghề ở Thừa Thiên - Huế là rác và chất thải từ các cơ sở sản xuất đều thải trực tiếp ra ngoài, kể cả sông, suối, ao, hồ, gây ô nhiễm môi trường. Từ ngày làng bún Ô Sa được đầu tư 2,9 tỷ đồng để xây dựng hệ thống xử lý nước thải, bằng cách xây dựng mới các tuyến mương có nắp đậy bêtông cốt thép, nước thải từ các lò bún chảy vào hồ sinh học và tuyến mương nhỏ dẫn từ các hộ gia đình đấu nối vào hệ thống mương chung, hoặc các hộ gia đình xây dựng hầm biogas để tận dụng khí thải làm chất đốt phục vụ trở lại cho nghề làm bún.


Cách làm này vừa giải quyết được vấn đề ô nhiễm môi trường vừa tăng hiệu quả đầu tư. Bên cạnh giải quyết được vấn đề ô nhiễm môi trường, làng bún xây dựng được hình ảnh mới trong mắt người tiêu dùng, từng bước khẳng định thương hiệu truyền thống bún Ô Sa, nâng mức sản xuất lên gấp đôi so với trước.



Mới đây, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Thừa Thiên - Huế đưa đề tài xử lý rác thải nông thôn quy mô nhỏ vào sử dụng tại một số địa phương. Công trình sử dụng phương pháp ủ và sử dụng chế phẩm EM, Befgmydt để xử lý rác thải, giảm tải được lượng rác thải sinh hoạt trong cộng đồng dân cư ở các vùng nông thôn hiện nay.


Tại nhiều vùng nông thôn, phương pháp ủ và sử dụng chế phẩm EM, Befgmydt trong xử lý rác thải đã phát huy tác dụng nhanh chóng, làm cho người dân địa phương có ý thức hơn trong bảo vệ môi trường, giảm tải được lượng rác thải sinh hoạt trong cộng đồng các khu dân cư. Nhiều khu vực chợ nông thôn ở Thừa Thiên - Huế hiện đã không còn mùi hôi thối do rác thải hữu cơ phân hủy gây nên, môi trường xanh, sạch và đẹp hơn.


TTXVN/ Tin Tức

Xây lò xử lý rác thải ở trường học: Việc nhỏ nhưng hiệu quả lớn
Xây lò xử lý rác thải ở trường học: Việc nhỏ nhưng hiệu quả lớn

Chỉ tốn 7 triệu đồng đã có thể xây một lò đốt rác, giải quyết được vấn đề khó khăn lớn nhất của các trường học là xử lý lượng rác thải hàng ngày, giữ gìn môi trường sạch đẹp và bảo vệ sức khỏe cho học sinh.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN