08:12 25/08/2011

Kết thúc mùa giải 2011: Đằng sau sự kịch tính

Chẳng thể phủ nhận rằng, màn kết đầy kịch tính đã biến V-League 2011 trở thành mùa giải hấp dẫn nhất kể từ năm 2000, khi sân chơi chuyên nghiệp này chính thức ra đời.

Chẳng thể phủ nhận rằng, màn kết đầy kịch tính đã biến V-League 2011 trở thành mùa giải hấp dẫn nhất kể từ năm 2000, khi sân chơi chuyên nghiệp này chính thức ra đời. Nhưng cũng ngay đằng sau những nút thắt được mở chỉ vào giờ chót kia, bóng đá Việt lại sớm đối mặt với câu hỏi khác - Bao giờ mới thực sự là chuyên nghiệp?

SLNA và sự trở lại của giá trị truyền thống

Bóng đá Việt lên chuyên gắn chặt với hầu bao của các doanh nghiệp, điều đó lý giải tại sao, nhiều mùa nay cuộc đua đến ngôi Vương chỉ là câu chuyện riêng của các đại gia "nhiều tiền, lắm lực". Nói đúng hơn, ở cái sân chơi mà tiền là thước đo quan trọng thì ngược lại, những giá trị truyền thống như: Màu cờ, sắc áo; công tác đào tạo, huấn luyện... đã không còn chỗ đứng. Vậy nên, chức vô địch của SLNA mùa này được ví như sự "cứu cánh" cho bóng đá truyền thống.

Trở lại với 90 phút giữa chảo lửa thành Vinh, không hẳn đã hay hơn so với đối thủ trong trận cầu xứng đáng là chung kết, nhưng rõ ràng SLNA cho thấy mình hoàn toàn xứng đáng để xưng Vương mùa này nhờ lối chơi đầy chất lửa của sự khát vọng đến cháy bỏng. Và bằng những gì đã thể hiện, đội bóng xứ Nghệ đã chứng minh rằng, trong môi trường bóng đá chuyên nghiệp của Việt Nam hôm nay - tiền không phải lúc nào cũng mua được thành công trên sân cỏ. Chức vô địch của sông Lam là thành quả xứng đáng xuất phát từ tình yêu, niềm tin và cách làm chuyên môn phù hợp với nội lực của chính mình.

Chủ tịch Liên đoàn bóng đá Việt Nam Nguyễn Trọng Hỷ (trái) trao cúp vô địch cho các cầu thủ Sông Lam Nghệ An.

Quan trọng hơn, trận "chung kết" trên sân Vinh chật cứng với 22.000 chỗ ngồi được lấp kín và hàng triệu người theo dõi qua truyền hình cùng những diễn biến thực sự nóng bỏng còn chứng minh bóng đá nội vẫn có chỗ đứng vững chắc trong lòng người hâm mộ nước nhà. Vẫn có chỗ đứng khi đó thực sự là thứ bóng đá đích thực, thứ bóng đá mang lại niềm vui, niềm tự hào, thay vì là cuộc kinh doanh của các ông bầu, hay bộ mặt xấu xí vẫn từng thể hiện.

Tới "cái chết" của sự thủ cựu

Cũng là khoảng cách 10 năm, nếu với SLNA là sự trở lại để khẳng định giá trị truyền thống, thì sự sụp đổ của ĐTLA - tượng đài một thời của V-League lại là cái ngã rẽ khác thời lên chuyên. Ngã rẽ của sự lạc lõng khi "Gạch" đã không còn bắt kịp với xu hướng thời thượng bất chấp việc họ là những người đi tiên phong trên cái lộ trình ấy.

Cùng với HA.GL của bầu Đức, ĐT.LA của bầu Thắng chính là một trong những mô hình chuyên nghiệp đầu tiên của bóng đá Việt Nam khi kết hợp hài hòa giữa sức mạnh tài chính, công tác quản lý khoa học, hiệu quả từ doanh nghiệp với những yếu tố chuyên môn cần thiết. Đỉnh cao của đội bóng Nam bộ này gắn liền với cái tên Calisto bằng 2 chức vô địch V-League liên tiếp vào các năm 2005, 2006. Vậy mà chẳng ai có thể ngờ, chỉ 3 năm sau ngày ông thầy người Bồ dứt áo ra đi, "Gạch" đã vỡ tan tành như thế!

Thứ triết lý "bóng đá sạch" mà bầu Thắng từng tuyên bố chẳng hề sai, thậm chí nó mới là thứ giá trị của bóng đá chuyên nghiệp thực thụ. "Gạch" không bỏ tiền tỷ để lót tay cầu thủ với những bản hợp đồng khủng và cũng sẵn sàng bán đi những mọi công thần nếu bầu nhiệt huyết đã cạn. Rồi trong hoàn cảnh khó khăn nhất, "Gạch" cũng không làm cách mà như các đội bóng khác vẫn làm - Tung tiền tỷ để trụ hạng! Tiếc là việc "trung thành" với thứ triết lý ấy đã khiến "Gạch" trở lên lạc lõng khi mà cả cái làng cầu nội bị đồng tiền che phủ. Bóng đá là môn chơi tập thể và ngày càng chịu nhiều tác động từ xã hội, "cái chết" của ĐT.LA sau 10 năm âu cũng là điều tất yếu.

Và đã tới lúc chính chuyên?

Mùa giải nội 2011 chỉ thực sự kết thúc vào chiều thứ Bảy này với trận chung kết quốc gia trên sân Thống Nhất (TP.HCM) mà ở đó, SLNA đang tràn đầy hy vọng lập nên cú đúp khi đối mặt với N.Sài Gòn. Tuy nhiên, tới thời điểm này, bóng đá Việt cần phải có lời tổng kết sau 10 năm lên chuyên, để chuyển sang bước đi kế tiếp - Chuyên nghiệp thực sự!

Có thể tự nuôi sống được chính mình, theo đúng nghĩa của từ "chuyên nghiệp" vẫn còn là câu chuyện dài, thì với làng cầu nội lúc này, điều quan trọng nhất là phải xác định được một cái mô hình chuẩn. Là SLNA bằng cách làm riêng dựa trên nội lực của mình để đăng quang mùa này? Ấn tượng, nhưng chẳng khó để nhận ra, chức vô địch của đội bóng xứ Nghệ chỉ là chuyện nhất thời bởi họ chẳng hơn các đối thủ cả về tiềm lực tài chính lẫn chuyên môn. Hay vẫn là mô hình "đầu tư sốc" bằng tiền mà thành công của 2 đại diện hạng Nhất vừa giành quyền lên chơi chuyên nghiệp mùa sau gồm Xuân Thành Sài Gòn cùng K. Kiên Giang là minh chứng? Đó là cách làm nhanh, tuy nhiên, thiếu sự bền vững, bởi đơn giản, nó hoàn toàn phụ thuộc vào tham vọng của các ông bầu cũng như kết quả việc kinh doanh của doanh nghiệp. Sự kết hợp hài hòa kiểu như ĐT.LA thì lại vừa sụp đổ...

VFF từng tuyên bố sẽ "chính chuyên" kể từ mùa giải 2012 tới, nhưng lúc này khi mà chữ chuyên vẫn chưa ai biết tròn méo thế nào? thì liệu có chính nổi không? Đằng sau sự kịch tính là thế.

Vũ Minh