07:05 23/07/2011

Kết thúc chương trình tàu con thoi của Mỹ sau 30 năm:Lịch sử đã sang trang (tiếp theo)

Ngày 28/1/1986, vào lúc 11 giờ 38 phút, tàu con thoi thứ hai của Mỹ mang tên Challenger rời khỏi bệ phóng ở Trung tâm Vũ trụ Kennedy. Đó là chuyến bay thứ 10 của “Kẻ thách thức” sau khi đã thực hiện thành công 9 phi vụ trước đó với nhiệm vụ chủ yếu là đưa các vệ tinh nhân tạo lên quỹ đạo.

3. Challenger: Kẻ thách thức đoản mệnh

Ngày 28/1/1986, vào lúc 11 giờ 38 phút, tàu con thoi thứ hai của Mỹ mang tên Challenger (Kẻ thách thức) rời khỏi bệ phóng ở Trung tâm Vũ trụ Kennedy. Đó là chuyến bay thứ 10 của “Kẻ thách thức” sau khi đã thực hiện thành công 9 phi vụ trước đó với nhiệm vụ chủ yếu là đưa các vệ tinh nhân tạo lên quỹ đạo.

Tàu Challenger rời bệ phóng ở Trung tâm Vũ trụ Kennedy ngày 28/1/1986...


Tuy nhiên, chỉ 73 giây sau khi cất cánh, Challenger bất ngờ tách khỏi tên lửa đẩy và bình chứa nhiên liệu, vỡ đôi ở độ cao gần 14 km rồi lao xuống Đại Tây Dương, cướp đi sinh mạng của toàn bộ phi hành đoàn gồm 7 người, trong đó có Christa McAuliffe, một cô giáo tại trường Trung học Concord, New Hampshire, người được chọn từ 11.000 ứng viên để trở thành giáo viên đầu tiên được lên vũ trụ.

Như một điềm báo, chỉ một ngày trước đó, phi hành đoàn vừa tham gia lễ tưởng niệm 3 nhà du hành vũ trụ của tàu Apollo 1 bị thiệt mạng trong một tai nạn năm 1967 trong một chuyến bay thử. Chuyến bay định mệnh của Challenger là thảm họa tồi tệ đầu tiên và là phi vụ thứ 25 của một tàu con thoi trong chương trình chinh phục không gian bằng tàu con thoi của Mỹ.

…và nổ tung trên bầu trời chỉ ít giây sau đó.


Theo giải thích của NASA, ngay từ giây 0,678 sau khi rời khỏi bệ phóng, các chuyên gia mặt đất đã phát hiện qua màn hình theo dõi một cột khói màu xám nhỏ phát ra từ tên lửa đẩy bên trái. Và trong khoảng từ 0,836 giây đến 2,5 giây sau khi Challenger cất cánh, người ta nhìn thấy 8 cột khói ngày càng đen xuất hiện. Các cột khói này bất ngờ biến mất vào giây 2,733 nhưng không ai biết rằng lúc đó các vòng đệm bằng cao su trong tên lửa đẩy bên phải đã bị hỏng do nhiệt độ xuống thấp vào ban đêm. Tiếp đó, vào giây thứ 58, một đám lửa bắt đầu xuất hiện, trùng với thời điểm các thông số kỹ thuật cho thấy có sự mất cân bằng về áp lực giữa hai tên lửa đẩy bên trái và bên phải do vòng đệm cao su của tên lửa bên phải bị trục trặc. Cho tới giây thứ 64,660 thì lửa đã bao trùm toàn bộ bình nhiên liệu gắn bên ngoài, khiến cho khí ôxy và hyđrô tràn ra. Chính hai loại khí này quện vào nhau đã tạo ra một quả cầu lửa khổng lồ trên không trung và làm con tàu tách khỏi thùng chứa nhiên liệu nên không thể có được lực đẩy cần thiết. Đó là giây thứ 72 và mọi nỗ lực để cứu vãn tình thế đều không mang lại kết quả. Động cơ phía đuôi và động cơ chính bị rời ra, trong khi khoang chở phi hành đoàn và phần trước tàu rời hẳn khỏi khoang chứa đồ rồi vỡ nát khi lao xuống mặt biển với vận tốc khoảng 300 km/giờ.

Thảm họa của Challenger lúc đó đã buộc NASA phải tạm ngừng chương trình phóng các tàu con thoi vào vũ trụ để nghiên cứu các biện pháp và nâng cấp các thiết bị với mục tiêu bảo vệ sự an toàn cho các phi hành gia trước những sự cố tương tự.

4. Discovery: Sự trở lại của “nhà thám hiểm”

Gần 3 năm sau chuyến bay định mệnh của tàu Challenger, tháng 10/1988, một tàu con thoi khác mang tên Discovery (Thám hiểm) được giao trọng trách nối lại các phi vụ chinh phục không gian của Mỹ. Đây là tàu con thoi thứ ba của Mỹ được đưa vào hoạt động với nhiệm vụ vừa phục vụ nghiên cứu, vừa phục vụ việc lắp đặt Trạm vũ trụ Quốc tế (ISS).

Tàu Discovery trong một lần làm nhiệm vụ trên vũ trụ.


Discovery cũng chính là tàu con thoi đã đưa lên quĩ đạo kính viễn vọng Hubble và sau đó cũng 2 lần tham gia nhiệm vụ sửa chữa kính viễn vọng nổi tiếng này. Và cũng chính trong chuyến bay đầu tiên của tàu con thoi sau thảm họa Challenger, Discovery đã gánh vác nhiệm vụ đưa nhà du hành vũ trụ John Glenn, lúc đó 77 tuổi, trở lại không gian, qua đó trở thành phi hành gia lớn tuổi nhất bay vào vũ trụ.

Discovery bắt đầu được xây dựng và lắp ráp năm 1983 trước khi trình làng trong chuyến bay vào vũ trụ đầu tiên năm 1984. Chính các con tàu thủy thám hiểm trong quá khứ mang tên Discovery là nguồn cảm hứng để các chuyên gia NASA đặt tên cho tàu con thoi này. Đầu tiên phải kể đến HMS Discovery, con tàu đã đưa thuyền trưởng James Cook trên chuyến đi lớn thứ ba và cũng là cuối cùng của ông ta. Cùng với đó là tàu Discovery của Henry Hudson, được sử dụng hồi thế kỷ 17 để đi tìm Tuyến đường biển Tây Bắc, và RRS Discovery, con tàu được sử dụng cho những cuộc thám hiểm tới Nam cực hồi đầu thế kỷ 20.

Tháng 2/1995, Discovery cũng vinh dự chứng minh cho thế giới thấy sự xích lại gần nhau giữa Mỹ và Nga trong mối quan hệ hợp tác trong lĩnh vực chinh phục không gian khi đưa một nhà du hành vũ trụ người Nga lên không gian và đậu gần Trạm vũ trụ Hòa Bình (MIR) của Nga.

(Còn tiếp)

Hoài Nam (Theo Juventud Rebelde)