10:07 25/10/2014

Kết quả cuộc chiến chống IS chưa rõ ràng

Giới chức Mỹ nhìn nhận, cuộc chiến chống IS đã bước đầu phát huy hiệu quả, nhưng phía trước vẫn còn rất nhiều khó khăn.

Giới chức Mỹ nhìn nhận, cuộc chiến chống IS đã bước đầu phát huy hiệu quả, nhưng phía trước vẫn còn rất nhiều khó khăn.

Tổ chức khủng bố “giàu có” nhất thế giới

Phát biểu tại Quỹ Carnegie vì Hòa bình quốc tế (CEIP) hôm 23/10, ông David Cohen, Thứ trưởng Bộ Tài chính Mỹ phụ trách chống khủng bố và tình báo tài chính, nói rằng quân khủng bố thuộc Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng đã “tích tụ” được khoản tài chính khổng lồ và ở mức độ “chưa từng thấy”, lên đến hàng chục triệu USD/tháng. Đồng quan điểm trên, Phó Giám đốc CEIP Marwan Muashe nhận định, IS là tổ chức khủng bố “giàu có” nhất thế giới, với các chiêu thức kiếm tiền thuộc dạng tinh vi bậc nhất.

Quân khủng bố IS trên đường phố Raqqa, Syria.Ảnh: AFP


Không đưa ra con số chính thức, nhưng các nhà điều tra Mỹ ước đoán, IS kiếm được khoảng 1 triệu USD/ngày chỉ riêng từ việc bán dầu lậu. Nguồn lợi chủ yếu là do IS nắm trong tay nhiều cơ sở sản xuất, lọc dầu sau khi mở các cuộc tấn công và giành được quyền kiểm soát nhiều khu vực ở tây bắc Iraq. Theo ông Cohen, không giống như mạng lưới khủng bố al Qaeda - mạng lưới mà nguồn tài chính phụ thuộc chủ yếu từ nguồn tài trợ từ các tổ chức bên ngoài, IS tự “kiếm tiền” từ việc bán dầu trên thị trường chợ đen. Đáng chú ý, bên mua dầu lại chính là những người bị IS xem là kẻ thù - đó là giới nhà buôn trung gian ở Thổ Nhĩ Kỳ, người Kurd ở Iraq và có thể là cả chính quyền Syria. Những nguồn thu khác của IS đến từ việc bắt cóc, tống tiền, bảo kê hoạt động làm ăn, buôn bán ở các khu vực mà quân khủng bố nắm quyền kiểm soát.

Bộ Tài chính Mỹ đã có cuộc làm việc với các đại diện đến từ hơn 20 quốc gia và các tổ chức quốc tế, nhằm tìm ra cách thức để cắt đứt dòng tiền của IS. Thế nhưng chính ông Cohen cũng thừa nhận, không có thứ “vũ khí bí mật” đủ sức để làm “rỗng” ngân sách của IS chỉ trong ngày một ngày hai. Đây là một cuộc chiến lâu dài mà mọi việc “mới chỉ trong giai đoạn đầu”.

Mỹ thừa nhận còn nhiều khó khăn

Hãng tin AFP ngày 24/10 dẫn phát biểu của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel sau cuộc gặp với người đồng cấp Hàn Quốc Han Min-koo tại Lầu Năm góc nói rằng, cuộc chiến chống IS đang đi đúng hướng, nhưng kết quả đạt được còn chưa rõ ràng. Sau một tháng tiến hành không kích, các máy bay của liên quân do Mỹ đứng đầu đã thực hiện 6.600 phi vụ, ném 1.700 quả bom vào các mục tiêu của IS ở cả Iraq và Syria, tiêu diệt hơn 500 phần tử khủng bố. Các cuộc tấn công này đã ngăn chặn đà tiến của IS, nhất là tại thành phố có tầm quan trọng chiến lược Kobane (Syria).

Tuy nhiên, chính giới chức Mỹ cũng phải thừa nhận còn nhiều khó khăn trong cuộc chiến chống IS, đặc biệt là khả năng tác chiến trên bộ. Một quan chức cấp cao của Bộ Quốc phòng Mỹ nhận định, phải mất cả năm trời thì quân đội Iraq mới đủ sức tiến hành các cuộc phản công quy mô, chiếm lại các khu vực do IS kiểm soát. Tính từ tháng 6 đến nay, ít nhất 6.000 binh sĩ Iraq đã thiệt mạng, cùng với khoảng 12.000 lính tháo chạy khỏi hàng ngũ. Tỉnh miền Tây Anbar hiện đang đứng trước nguy cơ bị IS đánh chiếm, khi mà 4 sư đoàn chính quy thuộc quân đội chính phủ đóng tại đây đã hứng chịu tổn thất nặng nề, dù được không quân Mỹ yểm trợ.

Quân nổi dậy chống chính quyền Syria - phái được Mỹ trông đợi nhiều, hiện cũng chưa phải là đối trọng với IS. Mỹ đã khởi động chiến dịch huấn luyện và vũ trang cho lực lượng này, nhưng mới chỉ dừng ở khả năng tác chiến phòng ngự với những nội dung sơ khai nhất. Để có thể tác chiến thành thục, đủ sức tấn công IS, cần quãng thời gian là 18 tháng - một quan chức Lầu Năm góc tiết lộ.

Hoài Thanh