Chồng suy sụp vì vợ mắc bệnh hiểm nghèo, không có bảo hiểm y tế

Mắc phải hội chứng hiếm gặp, chi phí điều trị của bệnh nhân Nguyễn Thị Bàn, 50 tuổi (Hoài Đức, Hà Nội) dự kiến lên tới 500 triệu đồng. Tuy nhiên, vì không có thẻ BHYT, gia đình lại nghèo nên việc điều trị của chị Bàn đang rất khó khăn.

Không có thẻ BHYT, việc điều trị bệnh nhân Nguyễn Thị Bàn đang gặp nhiều khó khăn do gia đình không có khả năng chi trả chi phí điều trị. Ảnh: TM

Chia sẻ về bệnh tình của vợ, anh Nguyễn Quang Sức cho biết: Sau trận cảm cúm ngày 29/4, chị Bàn bắt đầu xuất hiện chứng tê bì chân tay, yếu 2 chân, sau đó lan lên tay và rất nhanh chóng không vận động, đi lại được, đặc biệt rất khó thở.


Do đó, ngày 1/5, gia đình đã đưa chị Bàn đến điều trị tại khoa Thần kinh, Bệnh viện Bạch Mai. Sau 4 ngày, bệnh nhân tiếp tục được chuyển lên khoa Khoa Hồi sức tích cực để điều trị Hội chứng Guillain Barre gây liệt cơ hô hấp.


Theo các bác sĩ, Guillain Barre là một rối loạn tương đối hiếm gặp (tỷ lệ 1/100.000 người). Triệu chứng đầu tiên ở người bệnh thường là yếu và tê ở tứ chi. Những cảm giác này có thể nhanh chóng lây lan, cuối cùng làm tê liệt toàn bộ cơ thể và đặc biệt là cơ hô hấp khiến bệnh nhân suy hô hấp nhanh chóng nếu không được điều trị, hỗ trợ kịp thời.


"Thực sự, tôi không biết trông vào đâu để có đủ kinh phí chữa bệnh cho vợ. Bởi gia đình thuần nông, thu nhập chủ yếu trông vào cây lúa.Tất cả những đồ vật có giá trị trong nhà đều đã bán hết. Trong gia đình, mọi người cũng giúp đỡ, anh chị em mỗi người cho một ít, hàng xóm cũng góp tay vào nhưng cũng chỉ như muối bỏ bể vì chi phí dự kiến ban đầu đã là 300 triệu đồng. Trong khi vợ tôi vẫn phải tiếp tục điều trị”, anh Sức buồn rầu chia sẻ.


Là người trực tiếp điều trị và theo dõi cho bệnh nhân Bàn, BS Nguyễn Quỳnh Phương cho biết: Từ ngày 5/5, bệnh nhân đã được thay huyết tương 6 lần để loại bỏ kháng thể trong máu gây tổn hại rễ thần kinh, đặt nội khí quản thở máy và hồi sức tích cực.


Bệnh nhân cũng đã phấn khởi, tươi tỉnh lên rất nhiều. Đặc biệt, giờ chị Bàn đã có thể làm các động tác nhấc cổ và đầu, xoay được chân tay chứ không hạn chế vận động như khi mới nhập viện. Tuy nhiên tối thiểu bệnh nhân cần thay huyết tương từ 6 - 10 lần nữa (tùy thuộc vào đáp ứng của bệnh nhân) với chi phí khoảng 15 - 20 triệu đồng/lần.


Nghe bác sĩ chia sẻ về chi phí điều trị, vợ chồng chị Bàn lại càng buồn hơn. Bởi với gia cảnh hiện tại, vợ chồng chị còn chưa có đủ để thanh toán khoản viện phí 300 triệu đồng ban đầu, chứ nói chi đến việc lo thêm khoảng 200 triệu đồng tiếp theo.


Quay sang nhìn vợ rồi vội nhìn sang nơi khác, khuôn mặt anh Sức lộ rõ sự buồn rầu, mệt mỏi tưởng như không thể gắng gượng hơn. Anh Sức cho biết, điều mà anh ân hận hơn cả là giá hai vợ chồng biết lo xa mua thẻ bảo hiểm y tế thì chị Bàn đâu phải đứng trước nguy cơ bỏ trị vì thiếu tiền, gia đình cũng đâu đến nông nỗi khó khăn như hiện nay…


Trao đổi với chúng tôi, các bác sĩ cho biết, đứng trước những bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn, mắc bệnh hiểm nghèo nhưng không có thẻ BHYT như chị Bàn, chị Đông, anh Tính… các bác sĩ cũng rất trăn trở. Tuy nhiên, vì chi phí cho những bệnh nhân này rất lớn, nên họ đành phải “lực bất tòng tâm”. Do đó, ngay chính các cán bộ, nhân viên y tế Bệnh viện Bạch Mai cũng rất mong cộng đồng dang tay giúp đỡ, để bệnh nhân Nguyễn Thị Bàn có cơ hội tiếp tục điều trị  và sớm trở về với mái ấm gia đình.


Mọi sự quan tâm chia sẻ cho gia đình bệnh nhân Nguyễn Thị Bàn xin được liên hệ về địa chỉ: Phòng Công tác xã hội, Bệnh viện Bạch Mai, 78 Giải Phóng, quận Đống Đa, Hà Nội. ĐT: 043.215.1883.


Hoặc gửi về tài khoản: Bệnh viện Bạch Mai, số: 0541101065007, tại Ngân hàng TMCP quân đội - Chi nhánh Thăng Long 34 Láng Hạ, Ba Đình, HN.
Ghi rõ ủng hộ bệnh nhân Bàn (50 tuổi, Hoài Đức, Hà Nội), điều trị tại khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bạch Mai.

Phương Liên/Báo Tin Tức
 Mẹ nghèo bất lực nhìn con trai 5 tuổi nguy cơ tử vong vì bệnh lạ
Mẹ nghèo bất lực nhìn con trai 5 tuổi nguy cơ tử vong vì bệnh lạ

Mắc bệnh hiếm gặp, bé Phạm Duy Quý, 5 tuổi (xóm 4, Nghĩa Thuận, huyện Tư Nghĩa, Quảng Ngãi) liên tục vật lộn với những đợt nhiễm khuẩn tái diễn do hệ miễn dịch suy giảm. Nếu không được ghép tủy sớm, cuộc sống của bé Quý khó có thể tính được bằng năm.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN