Nhân Ngày Người Khuyết tật Việt Nam 18/4:

Chắp cánh ước mơ cho trẻ thiệt thòi

Là một trong những đơn vị đi đầu trong việc nuôi dạy, hỗ trợ trẻ em khuyết tật ở tỉnh Nam Định, hơn 20 năm qua, Trung tâm cứu trợ trẻ em tàn tật Nam Định đã giúp hàng nghìn trẻ khuyết tật vươn lên hòa nhập cộng đồng.

Nằm trong khu phố khá yên tĩnh, Trung tâm cứu trợ trẻ em tàn tật Nam Định từ lâu đã trở thành nơi chắp cánh, nuôi dưỡng ước mơ cho trẻ khuyết tật. Ở đó, những cán bộ, giáo viên đang ngày ngày vượt lên khó khăn để dạy học, điều trị cho trẻ khuyết tật. Có những lớp học đặc biệt, trên bục giảng vẫn có phấn trắng, bảng đen song có lớp chẳng nghe thấy tiếng cô giáo giảng bài mà thay vào đó là những nét chữ được viết to hơn bình thường, những cử chỉ và động tác diễn tả thay cho lời nói. Ngồi phía dưới là những khuôn mặt ngơ ngác và cả những cô cậu luôn tay luôn chân bởi mắc chứng bệnh tăng động mất kiểm soát.

Cô giáo Nguyễn Thị Tú dạy ngôn ngữ cho trẻ em mắc hội chứng tự kỷ.

Mười năm gắn bó với nghề cũng là chừng ấy thời gian cô Nguyễn Thị Tú cùng khóc, cùng cười, cùng tập nói với những em nhỏ khuyết tật. Từng có nhiều năm làm thầy thuốc, thấu hiểu nỗi đau của những người mắc bệnh nên năm 2007 cô Tú tự nguyện đến làm việc tại Trung tâm cứu trợ trẻ em tàn tật Nam Định. Cô tâm sự, thời điểm đó không ít người cho rằng, đây là công việc “dã tràng xe cát” sẽ không có kết quả. Tuy nhiên, với hiểu biết về y học cùng sự ủng hộ của gia đình và mong muốn giúp trẻ thiếu may mắn hòa nhập cộng đồng, cô quyết định gắn bó với các số phận thiệt thòi.

Cô Tú chia sẻ, mỗi em đến trung tâm là một cảnh đời, bị một căn bệnh và biểu hiện khác nhau. Vì vậy, hàng ngày ngoài điều trị và dạy ngôn ngữ, các cô giáo còn chăm lo từ việc vệ sinh cá nhân đến ăn ngủ của các em. Phải nói nhiều, phát âm lớn để các em nghe và học theo, cố gắng không để các em bị tổn thương. “Khó khăn trong nghề nhiều lắm nhưng với giáo viên dạy trẻ khuyết tật, âm thanh đầu tiên các em bật lên là động lực mạnh mẽ giúp các cô vững bước. Chứng kiến cảnh một người mẹ bật khóc sau một thời gian gặp lại, được nghe con cất tiếng gọi mẹ ơi, mọi nỗi nhọc nhằn của cô giáo ở trung tâm dường như tan biến”, cô Tú phấn khởi kể lại.

Lớp học của các em khuyết tật trí tuệ.

Tại Trung tâm cứu trợ trẻ em tàn tật Nam Định, phần lớn giáo viên là các cán bộ hưu trí, có người đã ngoài 60 tuổi. Trong quá trình làm việc, nhiều người không vượt qua được áp lực, khó khăn nên có người mới chỉ làm việc một tháng đã xin chuyển đi chỗ khác. Cô Nguyễn Thị Hương Lan (27 tuổi), là giáo viên trẻ nhất trung tâm. Sau khi tốt nghiệp chuyên ngành Sư phạm Văn, Trường Đại học Vinh, cô Lan đã đi dạy ở nhiều nơi. Nhưng, với lòng yêu nghề, mến trẻ, mong muốn nâng bước cho những em nhỏ không may mắn được tái hòa nhập cộng đồng, cô đã quyết định gắn bó với trung tâm.

Sau hơn 2 năm làm việc tại đây, cô Lan cho rằng, với đặc thù của đối tượng học, mỗi giáo viên không chỉ cần kiến thức và kinh nghiệm mà còn cần có tình yêu trẻ sâu sắc. Dạy các em tuy vất vả hơn nhưng chính các em cũng là những người giúp cho giáo viên kiên nhẫn hơn. Các em khuyết tật nhận thức kém hơn so với các em nhỏ bình thường nên người dạy cần bình tĩnh, không nóng vội. Giáo viên phải vừa là người chị, vừa là bạn để dần đưa các em thoát khỏi mặc cảm, giúp các em tự tin chia sẻ, sống cởi mở và hòa nhập.

Phụ trách nhóm lớp các em câm điếc, cô Lan thường xuyên tìm tòi những phương pháp mới, tự làm đồ dùng giảng dạy, đồ dùng học tập, truyền đạt từng cử chỉ, lời nói của mình đến mỗi em. Để khích lệ sự cố gắng của các em, ngoài giờ học, cô dành thời gian lắng nghe từng âm thanh chưa rõ, giúp các em giao tiếp, dạy các em múa hát, tăng khả năng linh hoạt của các em nhỏ vốn rất rụt rè, mặc cảm.

Trung tâm cứu trợ trẻ em tàn tật Nam Định đã tiếp nhận nhiều trường hợp trẻ em mắc các chứng khuyết tật vận động, khuyết tật trí tuệ như mắc hội chứng tự kỷ, hội chứng down, trẻ rối nhiễu trí tuệ, câm điếc trên mọi miền đất nước đến chữa trị. Sau khi tiếp nhận các em mắc các bệnh khuyết tật trí tuệ, trung tâm tiến hành theo dõi đặc điểm từng em và tùy vào mức độ bệnh, các em được chia thành 6 lớp học khác nhau. Các em mắc hội chứng tự kỷ, rối nhiễu trí tuệ, trầm cảm được phân vào lớp học đặc biệt "một cô - một trò". Các em mắc bệnh thiểu năng trí tuệ, câm điếc, bệnh down được chia vào các lớp giáo dục chuyên biệt, mỗi lớp từ 5 - 7 em.

Lớp học của các em nhỏ câm điếc tại Trung tâm.

Là người có kinh nghiệm giúp nhiều em rối nhiễu trí tuệ, tự kỷ hòa nhập cộng đồng, theo cô Nguyễn Thị Tú, trẻ bị rối nhiễu trí tuệ hay bị tự kỷ không phải là bệnh và có thể hòa nhập cộng đồng nếu gia đình sớm phát hiện. Tuy nhiên, mỗi em lại có những biểu hiện và mức độ bệnh khác nhau vì vậy cần nắm chắc tình hình bệnh, tâm lý, tính cách của từng trường hợp để áp dụng các phương pháp y thuật và tâm lý trị liệu điều trị phù hợp. Phương pháp y thuật chủ yếu là châm cứu, thủy châm cùng với xoa bóp, bấm huyệt. Việc điều trị bằng phương pháp y thuật kết hợp điều trị tâm lý, rèn luyện kĩ năng sống, kỹ năng ngôn ngữ sẽ kích thích thần kinh của trẻ, giúp các em sớm thích nghi với cuộc sống.

Bà Lê Thị Hòa lần thứ hai đưa cháu Hải Linh (9 tuổi) từ quận 12, Thành phố Hồ Chí Minh ra trung tâm để điều trị, cho biết, khi cháu 3 tuổi gia đình bà phát hiện cháu bị tự kỷ và đã nhiều lần đưa cháu đi điều trị tại các trung tâm, bệnh viện tại Thành phố Hồ Chí Minh nhưng tình hình không được cải thiện, sau đó gia đình đưa cháu tới Trung tâm cứu trợ trẻ em tàn tật Nam Định. Qua 3 tháng được điều trị, cháu Hải Linh đã có thể gọi tên mọi người trong gia đình, đọc bảng chữ cái và đang tập đếm.

Đối với các em câm điếc bẩm sinh, thông qua cách truyền đạt bằng cử chỉ, lời nói, các cô giáo ở trung tâm giúp các em nhận biết ngôn ngữ, sự vật, hiện tượng; đồng thời, thông qua các khóa đào tạo dạy nghề, trung tâm hỗ trợ các em khuyết tật vận động nhẹ, các em câm điếc học nghề may, thêu, cắm hoa giấy. Nhiều em sau khi được điều trị bệnh, hỗ trợ học tập tại trung tâm đã có thể lao động và xây dựng gia đình riêng.

Châm cứu cho trẻ em khuyết tật trí tuệ.

Ông Trần Hải, Giám đốc Trung tâm cứu trợ trẻ em tàn tật Nam Định cho biết: Từ năm 1996 đến nay, trung tâm đã điều trị cho hơn 4.000 trường hợp em khuyết tật vận động; dạy chữ, nâng cao khả năng ngôn ngữ cho hơn 200 em khuyết tật trí tuệ. Trung bình mỗi năm, trung tâm tiếp nhận điều trị từ 20 - 40 em rối nhiễu trí tuệ, tự kỷ, trong đó 70% các em tiến triển tốt.

Hàng năm, trung tâm tổ chức cho các giáo viên học tập kinh nghiệm chữa trị trẻ em mắc các bệnh khuyết tật trí tuệ ở các trường đại học, các trung tâm cứu trợ trên cả nước. Với mục tiêu cứu trợ , giúp đỡ ngày càng nhiều trẻ khuyết tật, trung tâm đã đầu tư các phòng châm cứu, thủy châm và tập huấn kỹ thuật châm cứu cho các cán bộ giáo viên, đồng thời hỗ trợ gia đình các em về điều trị nội trú, tạo tạo cảm giác thoải mái và yên tâm chữa trị, giúp các em sớm hòa nhập cộng đồng.

Bài & ảnh: Nguyễn Lành (TTXVN)
Quan tâm giúp đỡ người khuyết tật vươn lên trong cuộc sống
Quan tâm giúp đỡ người khuyết tật vươn lên trong cuộc sống

Công tác bảo vệ, chăm sóc người khuyết tật luôn được các cấp, các ngành trong tỉnh Hà Nam quan tâm, tạo điều kiện giúp đỡ bằng vật chất và tinh thần, giúp người khuyết tật xóa bỏ mặc cảm, vượt qua khó vươn lên trong cuộc sống.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN