07:09 26/07/2012

Kết nối doanh nghiệp với ngân hàng

Mặc dù lãi suất cho vay trong thời gian qua liên tục giảm mạnh, nhưng các doanh nghiệp vẫn khó tiếp cận được lãi suất vay rẻ do vướng các điều kiện, thủ tục vay vốn khắt khe của các ngân hàng.

Mặc dù lãi suất cho vay trong thời gian qua liên tục giảm mạnh, nhưng các doanh nghiệp (DN) vẫn khó tiếp cận được lãi suất vay rẻ do vướng các điều kiện, thủ tục vay vốn khắt khe của các ngân hàng (NH). Chính vì vậy, UBND TP.HCM đã nỗ lực kết nối DN với NH nhằm tìm các biện pháp tháo gỡ, giúp DN có thể tiếp cận vốn một cách dễ dàng hơn.

 

Chia sẻ khó khăn


Ngày 17/7 vừa qua, Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín - Sacombank đã ký kết biên bản thỏa thuận hỗ trợ hơn 1.100 tỉ đồng vốn ưu đãi cho 16 doanh nghiệp tại TP.HCM với lãi suất 3 tháng đầu là 13%/năm. Mức vay dao động từ 30 - 300 tỉ đồng, thời hạn tối đa là 6 tháng. Những khoản vay này sẽ được giải ngân từ nay đến ngày 31/12. Đây là một phần trong chương trình “cho vay ưu đãi USD và tiền đồng đối với khách hàng doanh nghiệp” của Sacombank.


 

Ngân hàng nỗ lực hỗ trợ vốn vay lãi suất thấp cho doanh nghiệp.

 

Còn tại Ngân hàng Phương Đông (OCB), ông Phạm Linh - Phó Tổng giám đốc OCB cho biết, gói 2.000 tỉ đồng hỗ trợ với lãi suất thấp cho doanh nghiệp, được áp dụng từ đầu tháng 4 đến nay cũng đã giải ngân hết. Hiện tại, ngân hàng đang triển khai cho doanh nghiệp xuất khẩu vừa và nhỏ vay 35 triệu USD, lãi suất từ 5,5 - 6%/năm, theo chương trình tài trợ của IFC (thành viên của nhóm Ngân hàng Thế giới). Tương tự, ông Lương Ngọc Quý, Phó tổng giám đốc ngân hàng Đông Á cũng cho hay, ngân hàng này dành 1.000 tỉ đồng cho vay đối với doanh nghiệp thuộc Hội doanh nghiệp trẻ TP.HCM, hỗ trợ vốn cho doanh nghiệp vừa và nhỏ, trong đó có 100 tỉ đồng cho vay tín chấp, không cần tài sản đảm bảo.


Trước đó, UBND TP.HCM hỗ trợ gói 30.000 tỉ đồng cho các DN và giao cho 4 NH quốc doanh cung ứng là BIDV, Vietcombank, VietinBank và Agribank với lãi suất 13%/năm. Theo đó ngày 9/7, có 5 NHTM gồm BIDV chi nhánh Bắc Sài Gòn, VCB chi nhánh Tân Bình, VietinBank chi nhánh 12 và chi nhánh Tân Bình, Agribank chi nhánh An Phú đã ký kết hỗ trợ với 11 doanh nghiệp trên địa bàn quận Tân Phú - TP.HCM với số tiền khoảng 60 tỷ đồng. Đây là thí điểm đầu tiên của chương trình hợp lực tìm khách hàng tốt để cho vay giữa NHNN, NHTM với các địa phương.


Ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TP.HCM, cho biết từ đầu tháng 6 đến nay, nhờ có các gói hỗ trợ trên nên đã có nhiều DN tiếp cận được lãi suất vay ưu đãi 12 - 13%. Riêng gói tín dụng hỗ trợ DN của thành phố cũng đã giải ngân được 25.200 tỉ đồng. Điều này cũng cho thấy, chính sách tiền tệ đã dần lấy lại được niềm tin cho thị trường.

 

Vẫn còn nhiều vướng mắc


Theo thống kê của Sở Công Thương TP.HCM, hiện thành phố có khoảng trên 100.000 doanh nghiệp vừa và nhỏ luôn trong tình trạng khó khăn về vốn, chưa đầy 1% trong số này được hưởng lãi suất vay ưu đãi. Ông Nguyễn Trọng Hạnh, Phó cục trưởng Cục thuế TP.HCM cũng khẳng định, từ đầu năm đến nay có gần 8.300 doanh nghiệp thông báo ngưng hoạt động hoặc giải thể với Cục thuế thành phố. Nguyên nhân chính được cho rằng, do doanh nghiệp không thể tiếp cận với nguồn vốn vay ngân hàng.


Thừa nhận vấn đề này, ông Nguyễn Văn Dũng, Phó Giám đốc NHNN chi nhánh TP.HCM cho biết, mặc dù đã cố gắng kết nối NH với DN, nhưng số lượng doanh nghiệp được giải quyết vay chưa nhiều, số vốn cũng còn khiêm tốn. Sở dĩ như vậy vì nhiều DN chưa đáp ứng được thủ tục vay và những tiêu chí mà NHTM đưa ra theo quy định của NHNN. Mặc khác, những DN khó tiếp cận được vốn rẻ phần lớn là DN bất động sản (BĐS). Theo đó, dù giảm lãi suất hay cho vay ưu đãi với lãi suất thấp, DN thuộc lĩnh vực trên không được nằm trong diện ưu tiên hoặc vướng nợ xấu nhiều.


Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.HCM chia sẻ, vấn đề nhức nhối nhất đối với các công ty BĐS chính là đầu ra cho các căn hộ tồn đọng. “Nếu hạ lãi suất, khai thông dòng vốn cho doanh nghiệp mà đầu ra bị tắc, bán không được thì doanh nghiệp cũng “chết”, ông Châu nói. Tương tự, các DN sản xuất hàng tiêu dùng cũng lâm vào tình cảnh tiến thoái lưỡng nan. Bởi điều DN mong đợi lúc này không phải là vay được vốn hay không mà vấn đề là làm sao giải quyết được lượng hàng tồn kho. Khi đầu ra sản phẩm được khai thông, hàng hóa tiêu thụ đều đặn thì mặc nhiên DN sẽ tiếp cận được vốn vay.


Theo TS.Lê Đăng Doanh - Nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Trung ương, bản thân các NH rất muốn cho DN vay vốn, bởi đây là đối tượng khách hàng chính của NH. “Ngân hàng mà không cho doanh nghiệp vay thì lấy tiền đâu trả lãi cho người gửi tiết kiệm. Chính vì vậy, mấu chốt là giải quyết được nút thắt giữa ngân hàng và doanh nghiệp”, TS.Doanh nhận định.


Trước tình hình trên, NHNN chi nhánh TP.HCM đã kiến nghị Chính phủ sửa Nghị định 14. Bởi Nghị định 14 về bảo lãnh cho doanh nghiệp nhỏ và vừa ở NH Phát triển Việt Nam (VDB) thực tế không đi vào cuộc sống. VDB khi hướng dẫn đưa ra mức chặn: Bảo lãnh có điều kiện, tức sau 60 ngày rà soát lại, nếu thấy việc sử dụng vốn của doanh nghiệp, không có vấn đề mới thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh. Nếu như vậy chắc chắn các NHTM sẽ không dám triển khai. Ngoài ra, UBND TP.HCM đã kiến nghị NHNN cho thành phố được khoanh nợ một số ngành nghề trong 4 nhóm được khuyến khích, đồng thời tán thành việc thành lập công ty mua bán nợ để giải quyết vấn đề ách tắc vốn do nợ xấu.

 

Bài và ảnh: Hải Yên