10:06 17/10/2014

Kết nối để đẩy mạnh tiêu thụ hàng Việt

Tại hội nghị tổng kết 5 năm thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” được tổ chức hôm qua (16/10) tại TP Hồ Chí Minh, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đánh giá TP Hồ Chí Minh là địa phương dẫn đầu cả nước trong việc thực hiện...

Tại hội nghị tổng kết 5 năm thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” được tổ chức hôm qua (16/10) tại TP Hồ Chí Minh, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đánh giá TP Hồ Chí Minh là địa phương dẫn đầu cả nước trong việc thực hiện cuộc vận động. TP Hồ Chí Minh đã giúp các doanh nghiệp (DN) đẩy mạnh xây dựng thương hiệu, tổ chức tốt kênh phân phối để tăng mạnh thị phần hàng Việt.

Tín hiệu vui cho hàng Việt


Kết quả khảo sát của ngành chức năng mới đây cho thấy, tỷ lệ người dân TP Hồ Chí Minh quan tâm, theo dõi cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” lên đến khoảng 96%. Trong đó, gần 75% người dân khẳng định khi mua sắm hàng hóa tiêu dùng, họ luôn ưu tiên lựa chọn hàng Việt cho gia đình, người thân mình. Đặc biệt hơn, qua cuộc vận động kéo dài trong suốt 5 năm qua, gần 30% người dân có thu nhập cao vốn có thói quen mua hàng hóa nhập khẩu đã chuyển sang sử dụng hàng trong nước sản xuất.

Qua 5 năm phát động, người tiêu dùng TP Hồ Chí Minh đã hình thành thói quen sử dụng hàng Việt khi mua sắm.


“Có đến 85% người dân khẳng định trang bị dụng cụ gia đình của họ là hàng Việt Nam, tăng hơn 35% so với thời điểm năm 2010. Qua những con số điều tra “biết nói” trên cho thấy, cuộc vận động đã đi vào cuộc sống một cách hiệu quả”, bà Võ Thị Dung, Phó Trưởng Ban chỉ đạo cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” TP Hồ Chí Minh, cho biết.

Tính đến tháng 10/2014, tỷ lệ hàng Việt Nam được bày bán tại các chợ truyền thống đã đạt bình quân 80% và tại các siêu thị, cửa hàng tiện lợi thuộc hệ thống thương mại TP Hồ Chí Minh đạt tỷ lệ từ 90 - 95%. Nhờ vậy, hiện TP Hồ Chí Minh có tỷ lệ DN đạt danh hiệu “Hàng Việt Nam chất lượng cao” thuộc top cao nhất nước với hơn 1.000 đơn vị và là lực lượng nòng cốt tham gia cuộc vận động.

“Cuộc vận động hiện đã tạo được sự đồng thuận, hưởng ứng đông đảo của người dân giúp chuyển hướng được hành vi tiêu dùng của người dân. Đây là thời cơ vàng giúp DN TP Hồ Chí Minh củng cố được niềm tin, tiếp tục cải tiến chất lượng sản phẩm, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của người dân”, ông Nguyễn Thiện Nhân cho biết.

Tổ chức tốt kênh phân phối hàng Việt


Ông Văn Đức Mười, Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Việt Nam kỹ nghệ súc sản (Vissan) cho rằng, thời gian qua, cuộc vận động đã thành công nhờ TP Hồ Chí Minh và các DN đã chú trọng tổ chức tốt kênh phân phối để kết nối tiêu thụ hàng Việt giữa DN và người tiêu dùng. Đến nay, TP Hồ Chí Minh đã phát triển hệ thống phân phối tiêu thụ hàng Việt Nam tại 37 trung tâm thương mại, 175 siêu thị, 723 cửa hàng tiện lợi, 240 chợ truyền thống. Hầu hết các DN sản xuất đều mong muốn được hỗ trợ của ngành chức năng xây dựng, phát triển hệ thống phân phối để phát triển vững chắc thị phần hàng Việt tại thị trường nội địa.

Theo ông Mười, thực tế rất nhiều chủng loại hàng hóa tiêu dùng, nhu yếu phẩm của DN Việt Nam về chất lượng, mẫu mã không thua kém hàng ngoại nhập. Tuy nhiên, trước đây, do công tác tiếp thị, quảng bá, hệ thống phân phối yếu kém nên chưa được người tiêu dùng quan tâm hoặc lúng túng, khó khăn trên con đường tiếp cận thị trường. Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” khi đi vào chiều sâu sẽ hỗ trợ DN rất nhiều trong việc giành lại thị phần từ DN ngoại.

“Kinh nghiệm của Vissan cho thấy, nhờ làm tốt mạng lưới phân phối, sản phẩm của DN đã chiếm lĩnh thị trường, khẳng định vị trí vững chắc trong “thượng đế”. Chỉ tính thời gian 5 năm thực hiện cuộc vận động, DN đã tổ chức gần 200 chuyến hàng về nông thôn, vùng sâu vùng xa, mở rộng và tái cấu trúc kênh phân phối cung cấp cho toàn bộ các siêu thị trên toàn quốc, hơn 100 các cửa hàng tiện dụng tại TP Hồ Chí Minh, 10 cửa hàng tại Đà Nẵng, 10 cửa hàng tại Hà Nội... Thông qua 100 nhà phân phối, hàng hóa của DN được bày bán tại 300.000 điểm bán hàng trên toàn quốc và hoàn thành tốt nhiệm vụ bình ổn thị trường thực phẩm chế biến và tươi sống. Lợi nhuận của DN đã tăng bình quân hơn 10%/năm góp phần nâng doanh thu tăng hơn 2 lần so với thời điểm trước cuộc vận động”, ông Mười cho biết.

Ông Lê Thanh Hải, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh, cho biết qua cuộc vận động, TP Hồ Chí Minh đã xây dựng nhiều chương trình khuyến khích DN trên địa bàn chủ động tạo lập các mối liên kết sản xuất - lưu thông hàng hóa; tăng cường công tác xúc tiến thương mại - đầu tư nhằm hỗ trợ, tạo lập các mối liên kết... “TP Hồ Chí Minh mong mỏi các bộ, ngành Trung ương cần tăng cường hơn nữa vai trò thúc đẩy sự phối hợp nhằm khuyến khích DN tạo lập những mối liên kết - lưu thông hàng hóa, cũng như bằng chính sách tạo điều kiện giúp hàng Việt Nam góp mặt nhiều hơn trong cuộc sống”, ông Hải kiến nghị.

Bài và ảnh: Lê Nghĩa