02:23 17/02/2017

Kết luận của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ tại cuộc họp chuẩn bị sơ kết một năm thực hiện NQ số 35/NQ-CP

Ngày 17/2, Văn phòng Chính phủ đã có thông báo về kết luận của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ tại cuộc họp chuẩn bị sơ kết một năm thực hiện Nghị quyết số 35/NQ-CP của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020 và tổ chức hội nghị Thủ tướng với doanh nghiệp năm 2017, tổ chức ngày 9/2/2017, tại trụ sở Chính phủ.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đánh giá cao các báo cáo chuẩn bị cuộc họp của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam. Nghị quyết số 35/NQ-CP sau gần một năm ban hành, với sự đón nhận, hưởng ứng của cộng đồng doanh nghiệp, sự vào cuộc, tổ chức thực hiện quyết liệt của Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp, bước đầu đã đạt được một số kết quả quan trọng góp phần tích cực vào công tác phát triển doanh nghiệp, phát triển kinh tế - xã hội của cả nước năm 2016 và những tháng đầu năm 2017.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ phát biểu tại cuộc họp về chuẩn bị Sơ kết 1 năm thực hiện Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 16/5/2016 của Chính phủ. Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN

Để chuẩn bị cho sơ kết một năm thực hiện Nghị quyết và chuẩn bị cho Hội nghị Thủ tướng với doanh nghiệp năm 2017, các Bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp cần khẩn trương triển khai, thực hiện có kết quả các nội dung sau:

1. Các Bộ, ngành, địa phương xây dựng báo cáo sơ kết thực hiện Nghị quyết số 35/NQ-CP gửi Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp và Bộ Kế hoạch và Đầu tư để tổng hợp trước ngày 25/2/2017. Trong đó, đánh giá cụ thể tình hình thực hiện, mặt được, mặt chưa được, nguyên nhân chủ quan, khách quan, từ đó đề xuất các nhiệm vụ, giải pháp thực hiện trong thời gian tới, tập trung vào các nội dung sau:

- Cải cách hành chính, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp; tạo dựng môi trường thuận lợi hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp, doanh nghiệp đổi mới sáng tạo; bảo đảm quyền kinh doanh, quyền bình đẳng tiếp cận nguồn lực và cơ hội kinh doanh của doanh nghiệp; giảm chi phí kinh doanh cho doanh nghiệp; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp.

- Việc khai thông các thị trường: Hàng hóa và dịch vụ, lao động, bất động sản, khoa học công nghệ và thị trường vốn, việc hỗ trợ phát triển doanh nghiệp; tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị của doanh nghiệp.

2. Các Bộ xây dựng báo cáo chuyên đề, trong đó báo cáo cụ thể, đánh giá, đề xuất giải pháp về các nội dung theo chức năng, nhiệm vụ được giao gửi Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp và Bộ Kế hoạch và Đầu tư để tổng hợp trước ngày 25/2/2017, cụ thể như sau:

- Bộ Tài chính:

+ Hiệu quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp thông qua các chỉ số về thuế, nộp thuế, lợi nhuận và thuế thu nhập doanh nghiệp; tạo thuận lợi thương mại và cơ chế một cửa quốc gia; hoạt động của Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp.

+ Tình hình tài chính và hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp nhà nước năm 2016, tình hình tài chính của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.

- Bộ Kế hoạch và Đầu tư:

+ Bộ chỉ số đánh giá mức độ phát triển doanh nghiệp của các Bộ, ngành, địa phương; công bố, công khai kết quả về phát triển doanh nghiệp năm 2016.

+ Tình hình phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa và đăng ký doanh nghiệp.

- Ngân hàng Nhà nước Việt Nam: Tiếp cận về vốn tín dụng; cơ chế chính sách hỗ trợ các mô hình hoạt động tài chính vi mô phát triển; nâng cao tỷ trọng doanh thu của ngân hàng phi tín dụng.

- Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: Việc thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; tích tụ, quyền sử dụng đất.
- Bộ Giao thông vận tải: Về giảm phí BOT cho các doanh nghiệp.

- Bộ Xây dựng: Về thị trường bất động sản.
- Bộ Công Thương: Phát triển thị trường hàng hóa dịch vụ; các biện pháp phòng vệ thương mại chính đáng cho doanh nghiệp.

- Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội: Về khơi thông, phát triển thị trường lao động.
- Bộ Khoa học và Công nghệ: Về hệ sinh thái khởi nghiệp, khơi thông phát triển thị trường khoa học và công nghệ

- Bộ Tư pháp: Về xây dựng, phổ biến và thực thi pháp luật
- Bộ Công an: Về nội dung không hình sự hóa các mối quan hệ kinh tế.

- Thanh tra Chính phủ: Về công tác thanh tra, kiểm tra tại doanh nghiệp.

3. Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam báo cáo Thủ tướng Chính phủ về việc triển khai, thực hiện Nghị quyết số 35/NQ-CP. Báo cáo gửi về Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp và Bộ Kế hoạch và Đầu tư trước ngày 25/2/2017.

4. Trên cơ sở báo cáo của các cơ quan, đơn vị nêu trên, Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp xây dựng báo cáo sơ kết tình hình thực hiện Nghị quyết số 35/NQ-CP (báo cáo đầy đủ và báo cáo tóm tắt), trình Thủ tướng Chính phủ trước ngày 10/3/2017.

5. Từ nay đến khi tổ chức Hội nghị, yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương quyết liệt triển khai các nhiệm vụ được giao tại Nghị quyết số 35/NQ-CP; tổ chức đối thoại công khai với cộng đồng doanh nghiệp để xử lý dứt điểm, hiệu quả các khó khăn, vướng mắc, kiến nghị của doanh nghiệp theo chức năng, nhiệm vụ và trên địa bàn.

6. Giao Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp, Văn phòng Chính phủ chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan:

- Xây dựng kế hoạch, chương trình tổ chức Hội nghị.
- Dự thảo Thông báo kết luận hoặc Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ sau Hội nghị.

Văn phòng Chính phủ thông báo để các cơ quan liên quan biết, thực hiện.
TTXVN/Tin Tức