11:17 26/11/2014

Kênh đào Nicaragua - nước cờ Mỹ Latinh của Trung Quốc?

Ai sẽ chi trả cho khoản chi phí lớn gấp 4 lần giá trị nền kinh tế Nicaragua? Liệu đây có phải là một nước cờ gia tăng ảnh hưởng tại Mỹ Latinh của Trung Quốc?... Vẫn còn đó nhiều câu hỏi khi ngày khởi công dự án kênh đào tham vọng Nicaragua đã cận kề.

Khi kế hoạch xây dựng một kênh đào khổng lồ mới xuyên đại xương đi qua Nicaragua được công bố, doanh nhân trẻ Hong Kong (Trung Quốc) dẫn đầu dự án ông Wang Jing (Vương Tĩnh), người chưa có kinh nghiệm xây dựng nào đáng chú ý và tự nhận có lai lịch “rất bình thường”, đã vấp phải nhiều chỉ trích.

Một con đường dự kiến của kênh đào Nicaragua. Ảnh: geocurrents.info


Đó là chuyện xảy ra hồi tháng 6/2013. Nhưng đến thời điểm hiện tại, vẫn chưa có gì bảo đảm con kênh đào mà khi hoàn thành sẽ được xem là một trong những dự án xây dựng tham vọng và đắt đỏ nhất hành tinh này, liệu có được khởi công xây dựng hay không.

Thứ năm tuần trước (20/11), chính phủ Nicaragua và công ty Phát triển Đầu tư Kênh đào Nicaragua của ông Wang, thông báo việc xây dựng sẽ bắt đầu vào ngày 22/12 năm nay. Chi phí ước tính vào khoảng 50 tỉ USD, lớn gấp bốn lần giá trị của cả nền kinh tế quốc gia Trung Mỹ này.

Bản thân kênh đào Nicaragua khi hoàn thành sẽ sâu hơn, rộng hơn và dài hơn kênh đào Panama, đối thủ chỉ nằm cách đó vài trăm km về phía nam và đang trong những giai đoạn cuối của việc mở rộng. Lẽ dĩ nhiên, điều này lại đặt ra câu hỏi tại sao lại phải xây thêm một kênh đào tốn kém khác.

Ở trong nước, những người phản đối đã gọi dự án xây dựng này là mưu đồ bất lương lớn nhất trong lịch sử Nicaragua. Còn các chuyên gia xây dựng thì đang bị chia rẽ xung quanh tính khả thi của dự án. Không chỉ nghi ngờ dự án có thể sẽ bị bỏ dở, giáo sư khoa Kĩ sư xây dựng và môi trường ông Pedro Alvarez tại trường đại học Rice (Mỹ) còn quan ngại dự án này có thể hủy hoại nghiêm trọng hồ Nicaragua, nguồn dự trữ nước ngọt lớn nhất ở Mỹ Latinh.

Các kĩ sư xây dựng khác thì cho rằng khoảng thời gian chóng vánh từ lúc kí hợp đồng cho đến lúc tiến hành công việc xây dựng khiến nhiều người nghi ngại độ chắc chắn của các bản kế hoạch xây dựng. Giáo sư ngành xây dựng David Ashley tại trường đại học Nevada (Mỹ), người từng cố vấn cho cơ quan quản lý kênh đào Panama ngày nay (ACP), thì tiết lộ thông tin người Panama đã nghiên cứu ý tưởng của người Nicaragua và kết luận rằng dự án này không tạo ra ra mối đe dọa nào cho các kế hoạch mở rộng kênh đào của họ.

Không chỉ là một con kênh đào

Ngay từ những ngày đầu, dự án kênh đào Nicaragua đã bị bủa vây bởi bí ẩn và ngờ vực. Và cho đến hôm nay, vẫn không ai hiểu được ai sẽ là người trả tiền cho dự án đồ sộ này. Trong khi đó, có ý kiến cho rằng, ông Wang chỉ là người đi tiền trạm của Bắc Kinh và rằng Trung Quốc đang nhắm đến thứ an ninh chiến lược phản ánh cụ thể qua các mặt hàng nhập khẩu quan trọng của quốc gia này. Trước những cáo buộc trên, ông Wang đã nhiều lần phủ nhận.

Ông Wang Jing. Ảnh: Reuters


Tháng 7 vừa qua, ông Wang có mặt tại quốc gia Trung Mỹ này và làm nhiều người Nicaragua giật mình với việc tiết lộ con đường chính xác của kênh đào. Tuyên bố đó đã làm tăng tính thực tế của dự án và “hứa hẹn” kéo theo việc di dời chỗ ở của nhiều người hiện đang sinh sống trên tuyến đường đi của kênh đào này. Mối lo ngại về tác động môi trường cũng vì thế mà tăng lên.

Công nhân Trung Quốc cũng đã đến để đảm nhận việc xây dựng, kéo dài từ Rio Punta Gorda trên bờ biển Caribbe đến Brito trên bờ Thái Bình Dương. Theo một số tính toán, khoảng 30.000 người sẽ phải di dời chỗ ở phục vụ việc xây dựng con kênh đào dài khoảng 275km, rộng khoảng 518m và sâu khoảng 27m. Viễn cảnh “tan cửa nát nhà” đã thúc giục nhiều người tham gia ít nhất 10 cuộc biểu tình tuần hành. Một luật sư môi trường thậm chí còn lập hồ sơ chống lại dự án này gửi lên Ủy ban Nhân quyền Mỹ.

Trong khi tổng thống Nicaragua thì cho rằng dự án sẽ đánh dấu bước phát triển của đất nước, tạo ra việc làm cho hàng chục ngàn người và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong dài hạn, những người phản đối lại tiếp cận vấn đề một góc khác.

Từ hàng trăm năm trước, ý tưởng xây dựng một kênh đào nối Thái Bình Dương và Đại Tây Dương đi qua Nicaragua đã xuất hiện. Tuy nhiên, chuyến phiêu lưu mới và khó hiểu lần này lại có một khởi đầu gần như là một dự án của gia đình Ortega. Năm 2012, con trai Tổng thống là Laureano đến Trung Quốc. Và đó là lần đầu tiên ông Wang có liên lạc với gia đình Ortega.

Không lâu sau đó, ông Wang có mặt ở thủ đô Managua và trước tháng 6/2013, Tổng thống Nicaragua và doanh nhân người Trung Quốc kí một thỏa thuận xây dựng kênh đào để rồi sau đó cơ quan lập pháp nước này nhanh chóng thông qua bản hợp đồng này.

Tại Nicaragua, những người chỉ trích cho rằng ông Ortega đang từ bỏ chủ quyền quốc gia để giúp đỡ những người thân cận làm giàu. Những nông dân sống dọc theo tuyến đường dự định xây kênh đào lo lắng sẽ phải chuyển đi nơi khác. Còn các nhà môi trường thì cho rằng dự án sẽ đặt Nicaragua trước một mối nguy lớn vì con đường dự kiến đi qua khu hồ lớn nhất và là nguồn cung nước chính của nước này.

Dù cho ông Wang có bị chính phủ Trung Quốc giật dây hay không, thì không nghi ngờ gì việc một con kênh do Trung Quốc xây dựng xuyên qua Trung Mỹ và một dự án với tầm cỡ như vậy sẽ mở rộng sự ảnh hưởng của nước này tại khu vực bởi không thể chối cãi, một kênh đào liên lục địa là một món tài sản chiến lược.

Ảnh hưởng của Trung Quốc tại Mỹ Latinh cũng không phải là điều gì mới mẻ. Bắc Kinh vừa khao khát nhiều loại tài nguyên tự nhiên tại đây, lại vừa rất có thực lực về kinh tế. Quốc gia này đang vươn lên chiếm chỗ của Mỹ trong vai trò là một đối tác thương mại chính trong khu vực. Trung Quốc đã trở thành đối tác thương mại hàng đầu với các nền kinh tế lớn của Mỹ Latinh mà nổi bật hơn cả là Brazil và Chile. Bắc Kinh đang đáp tiền xuống Mỹ Latinh, phát triển nhiều dự án và tiến hành nhiều cuộc xâm nhập kinh doanh khác.

Có thể nhận thấy có một sự khác biệt trong việc giao thương với Trung Quốc và với Mỹ. Sự trao đổi thương mại với các công ty Mỹ, phần lớn, là việc làm ăn với khu vực tư nhân, có ít quan hệ với chính phủ. Trong khi đó, với Trung Quốc, các mối quan hệ kinh tế có xu hướng chuyển thành những mối liên kết về chính trị.

Những người phản đối vẫn hoài khi, còn lộ trình xây dựng đầy tham vọng lại cho thấy các bên liên quan đang hết sức nghiêm túc. Vậy là, điều bí ẩn lớn nhất quanh dự án này, việc liệu nó có bao giờ được triển khai hay không, sắp sửa được lí giải.


Anh Tiếu (Theo CNN)