06:16 16/06/2015

‘Kẻ’ xây ‘đảo nhân tạo’ toan tính mời gọi đầu tư nước ngoài

Chủ thể thực hiện dự án xây dựng "đảo nhân tạo" ở Biển Đông đang tìm cách huy động nguồn vốn đầu tư trên thị trường quốc tế.

Các nhà đầu tư toàn cầu thích tham gia vào một mưu đồ địa chính trị sẽ có cơ hội đổ tiền vào các dự án xây dựng “đảo nhân tạo” ở Biển Đông, khi mà chủ thể thực hiện các “dự án” này đang tìm mọi cách để niêm yết trên sàn chứng khoán quốc tế.

Tập đoàn công trình giao thông Trung Quốc (CCCC) tuyên bố rằng sẽ cho sáp nhập 3 công ty con trực thuộc chuyên về nạo vét đường thủy để thành lập một công ty, lấy tên là Dredging. Công ty này mới được thành lập tại Khu Tự do Thương mại Thượng Hải hôm 10/6 vừa qua, với mục tiêu là sẽ niêm yết trên sàn chứng khoán quốc tế. Thông qua chương trình nạo vét, bồi lấn biển, Trung Quốc đã tạo ra 5-6 “đảo nhân tạo” trong thời gian gần đây, với nhiều cảng nước sâu, bãi biển trải dài và ít nhất là một đường băng đủ sức cho máy bay chiến đấu cất hạ cánh.

Tàu cuốc Tian Jing Hao được Trung Quốc sử dụng trong việc xây "đảo nhân tạo" trái phép ở Biển Đông. Ảnh: SMH


Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter cho biết, trong 18 tháng qua, Trung Quốc đã tiến hành xây dựng trên một diện tích 800 hecta. Washington xem việc xây các “đảo nhân tạo” này là kế hoạch dài hạn của Bắc Kinh nhằm kiểm soát Biển Đông, khuếch trương chính sách “ngoại giao cơ bắp”. Các ảnh chụp vệ tinh độ phân giải cao cho thấy, Công ty tàu cuốc Thiên Tân, một công ty con trong Dredging, đảm nhận phần lớn công việc xây dựng ở Biển Đông vừa qua: Hút cát từ đáy biển, đổ tràn lên các bãi ngầm như Vành Khăn, Chữ Thập, Su Bi. Kế hoạch xây các đảo nổi này không được công bố công khai và mọi sự chú ý sẽ đổ dồn vào hoạt động của Dredging theo hướng đòi hỏi minh bạch hơn một khi công ty này tìm cách niêm yết trên sàn chứng khoán.

Tháng 3 vừa qua, CCCC có gửi đơn đến Sở Giao dịch Chứng khoán Hongkong – nơi Tập đoàn này niêm yết từ năm 2006, nói rằng sẽ để Dredging lên sàn chứng khoán nước ngoài tại thời điểm thị trường thích hợp. CCCC không nói rõ tại sao lại niêm yết, nhưng các nhà phân tích nhận định động thái này dường như nhắm đến việc huy động vốn tư nhân để nâng cao tiềm lực chiến lược của Dredging và mở rộng đội tàu hút của Công ty tàu cuốc Thiên Tân.

Công ty Thiên Tân hiện sở hữu chiếc Tian Jing Hao dài 127m, là tàu cuốc lớn nhất ở châu Á. Được thiết kế bởi công ty Vosta (Đức) và xây dựng bởi Tập đoàn Trung Hoa Chiêu thương Cục (CMG) của Trung Quốc, với lượng choán nước hơn 6.000 tấn và giá thành lên đến 130 triệu USD, Tian Jing Hao có khả năng nạo vét 4.500m3 đất đá/giờ. Kể từ tháng 9/2013, tàu này đã nhiều lần xuất hiện ở vùng biển quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam. Các tàu nhỏ hơn còn còn Tian Niu, Tian Ka. Đội tàu cuốc của Trung Quốc đã phát triển rầm rộ vài năm trở lại đây, tuy không có thông tin tuyên bố chính thức.
Hoài Thanh (Theo FT)