06:01 13/06/2013

'Kẻ phản bội' dọa công bố thêm thông tin mật

Trong khi các nghị sĩ Mỹ kêu gọi dẫn độ Edward Snowden về nước ngay lập tức để trừng phạt, ngày 12/6, từ một địa điểm ẩn náu chưa rõ ở Hồng Công (Trung Quốc), anh này lại đe dọa sẽ công bố tiếp những thông tin về chương trình giám sát mật của chính phủ Mỹ gây chấn động dư luận.

Trong khi các nghị sĩ Mỹ kêu gọi dẫn độ Edward Snowden về nước ngay lập tức để trừng phạt, ngày 12/6, từ một địa điểm ẩn náu chưa rõ ở Hồng Công (Trung Quốc), anh này lại đe dọa sẽ công bố tiếp những thông tin về chương trình giám sát mật của chính phủ Mỹ gây chấn động dư luận.


 

Khách sạn Mira ở Hồng Công, nơi Snowden đã trú tạm vài ngày sau khi trốn từ Mỹ sang. Ảnh: AFP/TTXVN

 

Trong một bài phỏng vấn độc quyền, trang web của tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng ngày 12/6 trích lời của Snowden: “Tôi không phải là một kẻ phản bội, cũng không phải anh hùng. Tôi là một người Mỹ”. Snowden cũng nói rằng anh đến Hồng Công không phải để trốn chạy, mà là để vén màn tội ác, ám chỉ sẽ còn những bí mật nữa được tiết lộ


Edward Snowden, 29 tuổi, có được thông tin mật vì từng làm việc cho Cơ quan An ninh Quốc gia (NSA) thông qua một nhà thầu. Sau khi tiết lộ cho báo chí việc chính phủ Mỹ ngấm ngầm theo dõi hành vi trên Internet của người sử dụng trên khắp thế giới, anh này bị một số nghị sĩ cấp cao gán cho tội phản quốc và yêu cầu dẫn độ về Mỹ càng sớm càng tốt. Thượng nghị sĩ Dianne Feinstein, Chủ tịch Ủy ban đặc biệt về tình báo của Thượng viện, cho biết tất cả các bộ, ngành liên quan ở Mỹ đang ráo riết truy tìm Snowden.


Trong khi đó, người dân Mỹ đã lập một đơn kiến nghị tha tội cho Snowden trên trang web của Nhà Trắng và thu hút được hơn 30.000 chữ ký điện tử chỉ một ngày sau khi xuất hiện. Đơn này có đoạn: “Edward Snowden là một anh hùng quốc gia và phải được miễn hoàn toàn bất kỳ tội nào mà anh đã phạm hoặc có thể phạm phải trong vụ tiết lộ chương trình giám sát mật của NSA”.


Theo quy định, nếu đơn kiến nghị thu thập được 100.000 chữ ký đến ngày 9/7, chính phủ Mỹ sẽ xem xét và chuyển cho các chuyên gia về chính sách để xem xét, đồng thời sẽ đưa ra trả lời chính thức về vụ này. Đến nay, đơn kiến nghị xin tha cho Snowden là đơn được nhiều người ủng hộ nhất trong thời gian gần đây.


Các tổ chức dân sự lớn ở Mỹ cũng đã đồng đứng đơn kiện lớn nhất từ trước đến nay chống lại chương trình thu thập chi tiết các cuộc gọi điện thoại của chính phủ Mỹ, dù với lý do đảm bảo an ninh. Liên minh tự do dân sự Mỹ và chi nhánh ở New York đã kiện chính quyền liên bang Mỹ ở New York, đòi tòa án đề nghị Tổng thống Barack Obama chấm dứt chương trình này và hủy bỏ các dữ liệu đã thu thập được.


Trong khi đó, ông James Clapper, Giám đốc Cơ quan Tình báo Quốc gia Mỹ, nhấn mạnh rằng hành động tiết lộ thông tin mật của Snowden đã gây tổn hại nghiêm trọng cho an ninh quốc gia và Bộ Tư pháp Mỹ đang điều tra vụ việc. Chính phủ Mỹ cũng mở một cuộc điều tra nội bộ để đánh giá những tổn thất do vụ này gây ra, đồng thời xem xét đây có phải là hành vi phạm pháp và gây thiệt hại cho an ninh quốc gia hay không. Các quan chức tình báo và an ninh Mỹ cũng đang tăng cường tìm cách xoa dịu của các nghị sĩ, cho rằng chương trình theo dõi cuộc gọi điện thoại và giám sát Internet của NSA là cần thiết để bảo vệ người Mỹ và nó không chà đạp lên quyền tự do cá nhân.


Từ Chiến tranh thế giới thứ Hai đến nay, chỉ có một người Mỹ bị kết tội phản quốc, đó là Adam Gadahn, người phụ trách chiến dịch tuyên truyền của Al-Qaeda. Một quan chức Mỹ cho biết các công tố viên đang thu thập tài liệu, chứng cứ để chống lại Snowden nhưng chưa quyết định sẽ cáo buộc theo tội danh nào. Tuy nhiên, quan chức giấu tên này nhận định Snowden có thể sẽ không bị truy tố tội phản quốc - tội phải chịu án tử hình - bởi điều đó có thể làm phức tạp quy trình dẫn độ Snowden về Mỹ.


Thùy Dương